Tìm hiểu địa danh “Tà Lọt”. (Lượt xem: 226958)

Trang chủ >> GIỚI THIỆU >> Thông tin trong ngành >> Hương sắc Sóc Trăng

Cập nhật: 13/01/2016

Tiếp tục phần tìm hiểu các địa danh của tỉnh nhà, mục Địa chí Sóc Trăng kỳ này, chúng ta cùng về với Thạnh Trị để tìm hiểu về một địa danh “ Tà Lọt”. Vậy Tà Lọt nghĩa là gì? được bắt nguồn từ đâu và có gì đặc biệt? Và Tà Lọt hiện nằm ở khu vực nào của huyện Thạnh Trị.

Tìm hiểu địa danh “Tà Lọt”.
"Tà Lọt" ngày xưa.

“Tà Lọt” nghe có vẻ “xa” và chắc phải là vùng sâu lắm.  Xưa kia thì đúng như vậy, nhưng giờ với tuyến lộ nối liền Thạnh Trị - Ngã Năm, băng qua Quản lộ Phụng Hiệp – sang tỉnh bạn Hậu Giang, thì Tà Lọt chính là dãy đất nằm bên kia sông của Tỉnh Lộ này, đoạn thuộc địa phận xã Thạnh Trị, cách Thị trấn Phú Lộc chưa đầy chục cây số.

Ở đây ngày trước có Tà Lọt A, Tà Lọt B, Tà Lọt C, nhưng sau mấy lần tách nhập địa phận, Tà Lọt B trở thành một phần của ấp khác, nên giờ chỉ còn Tà Lọt A và C. 

Nhưng địa danh này có từ bao giờ, xuất phát từ đâu thì không nhiều người rõ. Điều này cũng dễ hiểu bởi Tà Lọt không bắt nguồn từ một đặc trưng riêng biệt nào của quê hương hay tên của người dày công khai phá... như chúng ta vẫn thường gặp ở dãy đất Phương Nam non trẻ này, mà Tà Lọt xuất phát từ một truyền thuyết dân gian mang tính hài hước, được in trong Địa chí Sóc Trăng mới xuất bản gần đây.

Truyền thuyết kể rằng: vùng đất này xưa kia hoang vu, nhà cửa thưa thớt, đời sống người dân nhiều vất vả, khó khăn.  Lúa tuy được trồng nhiều nhưng thu hoạch chẳng bao nhiêu vì đất chua phèn nhiễm mặn. Bà con phải kiếm rau, tôm, cá  để đổi gạo ăn. Có gia đình kia hằng ngày vợ chồng đi bắt cá về đổi gạo. Cá hồi đó tuy nhiều nhưng không có dụng cụ nên phải dày công và lặn lội xa xôi, nhiều khi đi cả ngày mới về. Cho nên Vợ chồng phải đem theo cơm. Cơm đựng trong cái “Mủng vùa”, là cái “Gáo Dừa khô – chẻ ra làm đôi, cạo sạch xơ, nạo hết cái- lâu ngày lên nước đen bóng- thường được bà con vùng nông thôn ngày trước làm gáo múc nước, đựng thức ăn, vật dụng” và “Mủng Vùa” tiếng Khmer gọi là “Tà lọt”.

"Tà lọt" ngày nay với mệnh danh "Quê hương 7 tấn"

Một hôm, người vợ bắt được rất nhiều cá lớn, mừng quá nên vội chèo ghe về. Khi tới nhà người vợ mới phát hiện mình đã làm mất cái Tà Lọt đựng cơm. Thế là cứ vào ra tiếc rẻ, chặc lưỡi mà nhắc “Tà lọt, Tà Lọt”. Từ đó người ta đặt tên cho vùng đất này là Tà Lọt.

Địa danh quê hương bắt nguồn từ cây dừa, gáo dừa và thật ngẫu nhiên khi vị cao niên đầu tiên mà chúng tôi tiếp xúc khi đến đây cũng có tên của một trong những loài cây đặc trưng của miệt vườn Nam Bộ- Ông Ba Dừa- Lê Văn Dừa. Truyền thuyết về tên gọi thì ông không rõ nhưng cái thời gian khó, lúa cấy đầy đồng mà chẳng được bao nhiêu bông vẫn hằn sâu trong kí ức.

Cũng theo tài liệu  này thì  truyền thuyết sau lan dần thành câu chuyện mang hàm ý “Bắt được cá nhiều nhưng lại  tiếc cái Tà lọt”. Có nghĩa để chỉ những người nghèo tiện tặn, tiếc rẻ cả những vật dụng không có giá trị, dễ tìm như cái “ Mủng vùa”. Nhưng với chúng tôi, sau khi đã đọc đi đọc lại nhiều lần câu chuyện này lại có một suy nghĩ khác, đó là người đàn bà đi bắt cá tiếc cái Tà Lọt, không có nghĩa là tiện tặn đến keo kiệt, ngay cả cái “mủng vùa” cũng tiếc, mà ở đây là tiếc cái vật dụng thân quen, lâu nay đã gắn bó với mình, vẫn còn xài được cớ sao lại để mất. “Bắt được cá, bán được tiền, nhưng cũng không nên bỏ cái đồ đựng cơm”. Không “Phụ đó quên đăng”, đó mới là đức tính đáng quý của người nông dân.

Chính vì sống có nghĩa có tình, biết chắc chiu, quý trọng những gì mình làm ra từ mồ hôi nước mắt, dù là nhỏ  nhất nên các bậc tiền nhân mới vượt qua gian khó, chinh phục được thiên nhiên khắc nghiệt mà xây dựng cơ nghiệp cho con cháu sau này. Cũng như các vị lão nông ngày trước, lúa trồng chẳng đủ gạo ăn, phải mò cua bắt ốc để đắp đổi thêm, nhưng vẫn khai khẩn cấy trồng, bám đất bám sông, xây làng lập ấp.

Những bàn tay cần mẫn, khối óc sáng tạo trải qua nhiều thế hệ vun bồi. Cùng với công cuộc ngăn mặn xổ phèn bằng những tuyến kênh thủy lợi, đã biến những thửa ruộng xơ xác năm nào trở thành những cánh đồng xanh mướt. Tà Lọt hôm nay là một trong những vùng lúa trọng điểm của huyện Thạnh Trị, với năng suất mà bất cứ nông dân miền nào cũng mơ ước, có vụ lên tới gần 7 tấn 1 ha. Còn nói theo các lão nông tri điền quen xài tầm cấy thì 1 công 1 tấn là chuyện thường.

Đường làng, xóm ấp "Tà Lọt" ngày nay

Những đồng lúa nặng bông cho năng suất cao đem lại cuộc sống ấm no, cho những mái nhà khang trang.

Còn trên đường làng càng thấy rõ sự quan tâm của Đảng nhà nước, chính quyền địa phương. Huyện lộ 5 đi từ Tuân Tức qua Vĩnh Lợi tạo thành 1 tuyến đường rộng mở vắt ngang qua Tà Lọt. Cùng với đó là những tuyến lộ đal từ Chương trình 135 của Chính phủ, những cây cầu do người dân xây nên đã tạo một vòng khép kín, chúng ta có thể bon bon xe honda tham quan cả vùng Tà Lọt này với tổng chiều dài hơn 10km. Điện đường, nhà cửa, cùng với đó là bao điều tốt đẹp đã về với xứ sở heo hút thuở nào.

 Địa danh “Tà Lọt” chỉ là truyền thuyết dân gian, nhưng những gì diễn ra ở  đây, từ thuở những cánh đồng phèn mặn xác xơ,  những xóm làng đìu hiu, cho đến khi trở thành vùng sản xuất lúa trọng điểm, quê hương 7 tấn. Những mái ngói khang trang, đường làng rộn tiếng xe qua ...là những điều có thật diễn ra hằng ngày. “Tà Lọt” đã không còn “ lọt thỏm” giữa vùng sâu.

Quốc Khởi

Tag:

TIN LIÊN QUAN

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online