Tìm hiểu địa danh Nhu Gia (Lượt xem: 276902)

Trang chủ >> GIỚI THIỆU >> Thông tin trong ngành >> Hương sắc Sóc Trăng

Cập nhật: 10/11/2014

Theo những tài liệu cũ và những nghiên cứu gần đây, Sau Vàm Dù Tho thì đường đua ghe ngo thứ 2 ở Sóc Trăng chính là Om Pu Yea tức sông Nhu Gia, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên. Hội đua ở đây có từ thời Pháp thuộc. Nhưng vào những năm 1972 đến 1974, cuộc đua có khi diễn ra tại dòng Kinh Xáng - thành phố Sóc Trăng. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đua ghe Ngo lại được tổ chức trên sông Nhu Gia cho đến những năm 80 của thế kỷ XX thì dời hẳn về thành phố Sóc Trăng đến nay.

Tìm hiểu địa danh Nhu Gia
Dòng sông Nhu Gia - nơi từng tổ chức những cuộc tranh tài đua ghe ngo trước đây

Ở kỳ Địa chí Sóc Trăng tháng trước, trong phần tìm hiểu địa danh Nhu Gia – Thạnh Phú, chúng ta đã đi dọc trên dòng sông vốn có tên gọi “ Om Pu Yea” và đã biết Om Pu Yea theo tiếng Khmer  – có nghĩa là “nhánh bần gie”. Dưới sự biến thiên của thời gian, cách phát âm của bà con người Kinh, người Hoa “ Om pu yea” dần dà đọc trại  thành Vu Gia hay Nhu Gia như ngày nay.

 Tuy nhiên hình ảnh của một dòng sông với nét đặc trưng là những nhánh bần “gie”  không chỉ tạo nên địa danh xứ sở, mà đó còn là dòng sông của “kí ức” gắn liền với giai đoạn lịch sử của môn thể thao truyền thống, góp phần tạo nên “bản sắc riêng” của Sóc Trăng đó là  Đua ghe ngo. 

Như chúng tôi từng đề cập, Sóc Trăng được xem là “Cái Nôi” của môn đua ghe ngo, nhưng những cuộc đua bắt đầu từ khi nào thì khó xác định chính xác. Dù nhiều tài liệu ghi nhận, những trận tranh tài đầu tiên là ở  “Pem Kon Thô”. Theo tiếng Khmer  “Peam” là “Vàm”, “Kon Thô” là “Ống nhổ” xuất phát từ  một truyền thuyết về nàng công Chúa có tên Neng Chanh. Tức là Vàm Dù Tho thuộc địa phận xã Tham Đôn -huyện Mỹ  Xuyên ngày nay.

Cũng theo những tài liệu cũ và những nghiên cứu gần đây, Sau Vàm Dù Tho thì đường đua ghe ngo thứ 2 ở Sóc Trăng chính là Om  Pu Yea tức sông Nhu Gia, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên. Hội đua ở đây có từ thời Pháp thuộc, kéo dài tới thời kỳ Mỹ ngụy. Nhưng vào những năm 1972  đến 1974, cuộc đua có khi diễn ra tại dòng Kinh Xáng - thành phố Sóc Trăng. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đua ghe Ngo lại được tổ chức trên sông Nhu Gia cho đến những năm 80 của thế kỷ XX thì dời hẳn về thành phố Sóc Trăng đến nay. Có mốc thời gian cụ thể và lịch sử vẫn chưa xa, nên chúng tôi không khó để tìm ra các vị cao niên đã từng chứng kiến những cuộc đua trên dòng sông này. Ông Cao Đô Ra, Xã Thạnh Phú- huyện Mỹ Xuyên- tỉnh Sóc Trăng cho biết “Từ hồi lúc còn nhỏ tôi đã biết và cũng từng chứng kiến những cuộc đua ở đây, nghe đánh trống thùng thùng là bỏ hết chạy đi coi đua ghe, vui lắm, bà con đến coi rất đông”.

Những cuộc tranh tài ngày trước, xuất phát là từ cầu Nhu Gia nối liền quốc lộ 1A hiện nay và đích đến là trước ngôi Chùa Om Pu Yea cổ kính. Cùng với các vị cao niên trong Ban quản trị , Sư trụ trì chùa Om pu yea hiện nay - Thượng tọa Lâm Sương cũng là người đã từng chứng kiến những cuộc đua trước bổn tự. Theo Sư những cuộc tranh tài khi đó cũng có các ghe đến từ tỉnh bạn, nhưng không đấu bảng, vòng loại, bán kết, chung kết như bây giờ. Mà từng cặp bắt thăm ngẫu nhiên rồi đua với nhau, đội nào thua bị loại, các đội thắng lại bắt cặp đua tiếp, cứ thế cho đến trận sau cùng để xác định ngôi vô địch. Thượng tọa Lâm Sương, Trụ trì chùa Om Pu Year- Thạnh Phú- Mỹ Xuyên- tỉnh Sóc Trăng “ Hồi đó, các đội đua không nhanh như bây giờ, chắc tập luyện ít. Cứ bắt cặp đấu với nhau, ai thua thì về, đội thắng đi tiếp”.

Thi đấu theo kiểu “ bắt cập ngẫu nhiên”, không bài bản như bây giờ, nhưng mỗi hội đua khi ấy cũng có sự tổ chức khá chặt chẽ bởi chính quyền sở tại, các chức sắc, sư sãi địa phươg. Đặc biệt đua ghe ngo trên đất Sóc Trăng Ba Sắc thì lúc nào cũng đầy ắp khán giả, mà nhất là các vị có uy tín trong vùng đam mê môn thể thao này thường là những người đứng ra bố trí đường đua, phân định thắng thua.

Để tìm hiểu thêm về “Đường đua  Nhu Gia”, khi thực hiện ký sự này, chúng tôi đã đến xã Mỹ Thuận- huyện Mỹ Tú với hy vọng tìm thêm nhân chứng từ đội ghe giàu truyền thống Tam Sóc – nhà vô địch Đông dương ở thế kỷ 20. Thật may mắn Ông Huỳnh Sương- thành viên Ban chủ nhiệm CLB ghe ngo Tam Sóc hiện nay đã từng là vận động viên thi đấu trên dòng Om Pu Yae kể “Ngày trước mỗi năm tới mùa vào giải đua ghe thì chúng tôi được tập luyện trước đó hàng tháng trời, anh em trong đội ai cũng phấn khởi, thi đấu vui lắm”.

Ngoài những chiếc ghe thon dài vun vút trên đường đua vẫn luôn hiện hữu và ngày càng cho thấy sự phát triển không ngừng như hiện nay, thì ở những cuộc đua ngày trước còn có  những phương tiện tháp tùng mà bây giờ không thấy nữa. Đó Kay – Hâu (Kày  Hâu ) và Phka-cha (Phờ- Ka – Cha) hai chiếc ghe ở Chùa Serey Kandal, Phường Vĩnh Phước - thị xã Vĩnh Châu.

Tuy những năm gần đây không còn giữ được phong độ cao, nhưng cùng với Tam Sóc, Serey Kandal chính là một trong những đội ghe có bề dày lịch sử của làng ghe ngo Sóc Trăng. Đây cũng là bổn tự hiếm hoi còn giữ được hai chiếc ghe đã có tuổi gần 1 thế kỷ này. Đều là thuyền độc mộc được tạo nên từ thân cây sao cổ thụ, không sử dụng để thi đấu, nhưng bất cứ một cuộc đua nào ở Sóc Trăng ngày trước, Kay Hâu, Phka Cha cũng đều hiện hữu với tầm quan trọng chẳng kém gì ghe Ngo.

Kay-Hâu còn gọi là ghe cơm vì đây là chiếc dùng để chuyên chở lương thực, nước uống, dàn nhạc… phục vụ hậu cần cho vận động viên và cả phần văn nghệ  “cây nhà lá vườn” tại nơi diễn ra cuộc đua. Phka-cha tuy nhỏ hơn, nhưng là nơi trang trọng, có gắn thêm dù lộng dành cho sư trụ trì, ban huấn luyện, người có uy tín của đội ghe Ngo nằm nghỉ  hay xem thi đấu trong suốt thời gian diễn ra hội đua.    

Vì kích cở quá khổ di chuyển khó khăn, kiểu làm từ thuyền độc mộc ngày càng trở nên hiếm, trong khi cuộc sống đã có nhiều thay đổi, sinh hoạt tiện lợi hơn, các đội ghe ngo ngày nay đi thi đấu không còn phải “ cơm ghe bè bạn”. Đường đua cũng tươm tất hơn, khán giả dễ dàng đứng trên  bờ theo dõi, còn các Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức đã có chổ trên khán đài. Đó là lý do vì sao  Kay Hâu, Phka Cha vắng bóng trên đường đua. 

Sẽ có những tiếc nuối, nhưng đó là qui luật tất yếu của sự vận động xã hội. Tuy nhiên quá khứ tốt đẹp, những gì đã gọi là bản sắc thì vẫn luôn được trân trọng và lưu truyền. Chẳng hạn như Om Pu Yea – giờ đã vắng bóng trong những cuộc so tài nhưng vẫn còn trong kí ức của nhiều người, mãi là một phần trong lịch sử của môn Đua ghe ngo Sóc Trăng.   

 

Quốc Khởi

Tag:

TIN LIÊN QUAN

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online