Long Phú: Tình hình sạt, lở diễn biến khó lường (Lượt xem: 964)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Đời sống - Xã hội

Cập nhật: 21/10/2024

Thời gian qua, tại huyện Long Phú tình hình sạt, lở diễn biến phức tạp, đã xảy ra nhiều vụ sạt, lở làm ảnh hưởng đến tâm lý và đời sống người dân. Theo nhận định của ngành chuyên môn và người dân địa phương, hiện đang vào cao điểm mùa mưa, bão nên tình trạng sạt, lở có khả năng tiếp diễn.

Long Phú: Tình hình sạt, lở diễn biến khó lường
Một điểm sạt, lở ở huyện Long Phú  

Từ đầu năm 2024 đến nay, xã Phú Hữu, huyện Long Phú đã xảy ra 5 điểm sạt, lở với chiều dài 67m, không có người bị thương và ảnh hưởng đến tài sản người dân. Cấp trên đã hỗ trợ khắc phục 2 điểm sạt, lở có chiều dài 27m. Địa phương đã triển khai thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, huy động lực lượng và vận động nhân dân khắc phục được 3 điểm sạt, lở có chiều dài 40m, ước tính trị giá trên 90 triệu đồng.

“Trên tuyến tuyến lộ ấp liền ấp từ Phú Thứ lên Phú Trường có sạt lở 1 đoạn khoảng 12m, sâu khoảng là 2m, ăn vô đất liền từ 3,5m đến 4m, ảnh hưởng đến việc đi lại, giao thươngg hàng hóa của bà con. Chúng tôi huy động bà con, anh em ở địa phương của 4 ấp, xin dừa, xin đất, vận động kobe đóng cừ gia cố phần sạt, lở”, ông Trần Huệ Trí - Trưởng BND ấp Phú Thứ, nói.

Dùng kobe để đóng cọc Dừa.

Xã Phú Hữu có hệ thống sông ngòi chằng chịt và nằm ven sông Saintar, người dân sinh sống tập trung nhiều cặp các tuyến kênh, rạch. Do khu vực này có nền đất yếu, lưu lượng dòng chảy mạnh và xoáy lâu ngày tạo nên những hố sâu dưới lòng sông, nếu gặp những cơn mưa lớn kết hợp với triều cường sẽ dẫn đến sạt, lở và tiềm ẩn nguy cơ sạt, lở, do đó người dân có tâm lý bất an. Ông Nguyễn Văn Chính, ấp Phú Hữu nói: Tôi sợ nền nhà bị sạt, lở xuống sông sẽ không còn chổ ở. Do đó mong chính quyền các cấp sớm khắc phục để bà con ổn định chổ ở.

Nhằm hạn chế nguy cơ sạt, lở, thời gian qua, huyện Long Phú đã đầu tư xây dựng nhiều công trình chống sạt, lở bờ sông, kênh, rạch, tuy nhiên, hiện nay nhiều nơi vẫn đang đối mặt với nguy cơ sạt, lở nghiêm trọng. Để chủ động bảo vệ an toàn cho người dân, UBND huyện Long Phú đã hỗ trợ một phần kinh phí khắc phục tạm thời và vận động người dân sinh sống gần bờ sông, kênh, rạch nâng cao ý thức chủ động phòng tránh. Đối với các điểm sạt, lở nhỏ, người dân chủ động gia cố, sử dụng các vật liệu tại chỗ để tấn mé, giữ bờ như cọc tràm, bao cát, đá... đốn hạ những cây lâu năm để tránh gió mạnh gây đổ ngã kéo theo sạt, lở bờ sông.

Người dân cùng chính quyền địa phương khắc phục các điểm sạt, lở nhỏ. 

Thời gian tới, Đảng ủy xã sẽ chỉ đạo tập trung tuyên truyền, nâng cao ý thức để người dân cắt tỉa cây to, tán lớn nhằm hạn chế sạt, lở; thường xuyên kiểm tra những nơi xung yếu và phát hiện những dấu hiệu, biểu hiện sạt, lở để khắc phục kịp thời, tạo sự yên tâm cho bà con trong sản xuất, vận chuyển hàng hóa, con em đi học dễ dàng trong thời điểm mưa, bão”, ông Nguyễn Văn Dễ - Bí thư Đảng ủy xã Phú Hữu, cho biết.   

Từ đầu năm 2024 đến nay, tại các xã Song Phụng, Phú Hữu, thị trấn Long Phú, Châu Khánh và Long Đức, huyện Long Phú đã xảy ra 11 điểm sạt, lở với chiều dài 237m, ước thiệt hại trên 3,7 tỷ đồng, làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Ngoài 4 điểm đã khắc phục các điểm sạt, lở nhỏ đã được khắc phục với kinh phí trên 250 triệu đồng thì địa phương tiếp tục khắc phục các điểm sạt, lở còn lại và vận động nhân dân di dời, đắp tạm bờ bao bên trong để ngăn triều, bảo vệ sản xuất. Đối với các điểm sạt, lở nghiêm trọng, huyện đã đề nghị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sóc Trăng (Cơ quan Thường trực BCH Phòng thủ dân sự - Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh) và UBND tỉnh Sóc Trăng xem xét hỗ trợ khắc phục.

Ông Huỳnh Quốc Lâm (ảnh trên) - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Long Phú nhấn mạnh: UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, đặc biệt là công tác phòng, chống thiên tai tập trung phòng, chống với sạt, lở; yêu cầu người dân sống ven sông hạ đốn hoặc mé nhánh những cây trồng có tán lớn; không khuyến khích người dân trồng cây dừa cũng như các cây có tán lớn ven sông vì dông gió sẽ làm cây đổ ngã và kéo theo sạt, lở. Đồng thời, khuyến cáo người dân trồng những loại cây có thể giữ được đất (dừa nước, cây bần), vì có tác dụng giữ đất và tránh sạt, lở xảy ra…. tuy nhiên, đối với cây bần thì phải mé nhánh.

Trước tình sạt, lở đngày càng diễn biến phức tạp, khó lường gây ảnh hưởng đến tài sản và có nguy cơ đe dọa đến tính mạng của người dân là điều khó lường trước được. Ngành chức năng đã vào cuộc nhưng cần có biện pháp tích cực hơn trong phòng, chống sạt, lở để người dân yên tâm sinh sống và sản xuất./.

Thanh Đồng


QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online