Sử dụng phụ gia trong sản xuất, sơ chế, chế biến sản phẩm Nông, Lâm, Thủy sản (Lượt xem: 793)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Đời sống - Xã hội >> Sức khỏe cho mọi người

Cập nhật: 17/11/2024

Phụ gia là chất được bổ sung vào thực phẩm để bảo quản hoặc dùng trong chế biến thực phẩm. Nếu sử dụng thiếu kiểm soát hay lạm dụng quá mức sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng. Thời gian qua, Chi cục Quản lí chất lượng Nông, Lâm sản và Thủy sản tỉnh Sóc Trăng đã tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở, hộ kinh doanh sử dụng chất phụ gia đúng cách, đúng quy định, nhằm hạn chế nguy cơ gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm từ chất phụ gia.

Sử dụng phụ gia trong sản xuất, sơ chế, chế biến sản phẩm Nông, Lâm, Thủy sản
Công ty TNHH Tiến Tấn Đạt sản xuất Lạp xưởng tươi. 

Theo Luật An toàn thực phẩm, phụ gia thực phẩm là chất được chủ định đưa vào thực phẩm trong quá trình sản xuất, có hoặc không có giá trị dinh dưỡng, nhằm giữ hoặc cải thiện đặc tính của thực phẩm. Hiện nay, trên thị trường, phụ gia thực phẩm chủ yếu là các chất bảo quản và chất giúp cải thiện hương vị và bề ngoài của sản phẩm.

Hiện nay, thị trường hương liệu, phụ gia đa dạng về chủng loại, tồn tại dưới dạng bột, viên hoặc nước, người tiêu dùng dễ dàng tìm mua tại cửa hàng, sạp chợ. Khi sử dụng các phụ gia đúng loại, đúng liều lượng sẽ giúp giữ được chất lượng thực phẩm, dễ dàng trong sản xuất, chế biến thực phẩm, tăng giá trị thương phẩm, an toàn cho người tiêu dùng. Trên thị trường vẫn đang tồn tại nhiều loại phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ nhưng vẫn được người tiêu dùng sử dụng; thực phẩm có chứa phụ gia không thuộc danh mục được phép sử dụng và vượt quá giới hạn quy định, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng, đồng thời còn có thể gây ra ngộ độc thực phẩm cấp tính và mạn tính.

Hằng năm, Chi cục Quản lí chất lượng Nông, Lâm, Thủy sản tỉnh Sóc Trăng tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch, đột xuất và hậu kiểm tại các cơ sở sản xuất các mặt hàng thực phẩm theo phân cấp quản lý tại Phụ lục III của Nghị định 15 về danh mục các sản phẩm và nhóm sản phẩm thực phẩm, hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh để cơ sở tự nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc sản xuất thực phẩm, đặc biệt trong quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm. Tích cực tuyên truyền cho cơ sở về cách nhận biết phụ gia được phép dùng trong thực phẩm, sử dụng phụ gia thực phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn và những tác hại của việc dùng sai phụ gia thực phẩm.

Bà Nguyễn Kim Cương (ảnh trên) - Phó trưởng Phòng Quản lý chất lượng – Chi cục Quản lý chất lượng Nông, Lâm sản và Thủy sản tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Hiện nay, việc sử dụng phụ gia trong thực phẩm rất phổ biến cho một số thực phẩm chế biến. Việc sử dụng phụ gia giúp cho sản phẩm cải thiện về hình dáng, chất lượng, đặc biệt là trong bảo quản thực phẩm thì một số thực phẩm bắt buộc phải sử dụng phụ gia để bảo quản thời gian được lâu hơn.

Cũng theo bà Nguyễn Kim Cương, hiện nay, việc sử dụng và quản lý phụ gia được quy định tại Thông tư 24 năm 2019 của Bộ Y tế. Điều 7 của Thông tư này quy định nguyên tắc sử dụng phụ gia đối với cơ sở phải công bố hoặc đăng ký công bố theo Nghị định 15 của Chính phủ. Phụ gia được sử dụng và được phép sử dụng đúng đối tượng thực phẩm. Hàm lượng sử dụng phụ gia phải sử dụng với hàm lượng thấp nhất để đảm bảo sức khoẻ người tiêu ddùng. Sử dụng đúng liều lượng, đúng đối tượng giúp cho cơ sở cải thiện chất lượng sản phẩm.

Phó trưởng Phòng Quản lý chất lượng – Chi cục Quản lý chất lượng Nông, Lâm sản và Thủy sản tỉnh Sóc Trăng cũng lưu ý, phải sử dụng phụ gia theo đúng nguyên tắc tại Điều 7 của Thông tư 24 năm 2019 của Bộ Y tế. Hiện nay có nhiều cơ sở bị vướng đó là hàm lượng phụ gia có chứa trong nguyên liệu để chế biến thực phẩm.

Chả quế do cơ sở kinh doanh Lâm Râu sản xuất.

Được tuyên truyền thường xuyên nên ý thức sử dụng phụ gia của chủ cơ sở, hộ kinh doanh được nâng lên rõ rệt. Đơn cử như cơ sở kinh doanh Lâm Râu ở ấp Trường Thành A, xã Trường Khánh, huyện Long Phú đang sản xuất chả lụa và chả quế trung bình khoảng 50kg/ngày, cung ứng cho các khách hàng lẻ tại nhiều huyện, thị trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình chế biến, cơ sở có sử dụng thêm phụ gia để chả có độ giòn, dai hơn khi dùng. Với phương châm “sức khỏe của khách hàng cũng là sức khỏe của gia đình”, nguồn nguyên liệu được nhập vào khi chế biến đảm bảo là thịt tươi, được mua tại những cơ sở có uy tín, có giấy kiểm dịch, phụ gia khi sử dụng đều được cơ sở đảm bảo tuân thủ các hướng dẫn của nhà sản xuất phụ gia và khuyến cáo của cơ quan quản lý. Phụ gia sử dụng có đầy đủ hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, việc sử dụng phụ gia chỉ ở mức liều lượng cho phép.

Bà Nguyễn Thuý Hằng - Chủ cơ sở cho biết thêm: Cơ sở sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong suốt quá trình chế biến; nhân nhân được khám sức khoẻ định kỳ và được học các kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm; sử dụng phụ gia đúng với nguyên tắc của Bộ Y tế, hạn chế sử dụng phụ gia thấp nhất có thể.  

 

Xưởng sản xuất Lạp xưởng tươi của Công ty TNHH Tiến Tấn Đạt.

Công ty TNHH Tiến Tấn Đạt ở xã An Lạc Thôn, huyện Kế Sách chuyên sản xuất và kinh doanh mặt hàng Lạp xưởng tươi. Xác định chất lượng sản phẩm khẳng định uy tín của sơ cở nên trong suốt quá trình sản xuất, công ty luôn đề cao yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm từ khâu nhập nguyên liệu đến chế biến, và được chứng nhận về tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện tại, các sản phẩm của công ty  phân phối chủ yếu tại các hệ thống siêu thị lớn như Lotte, Co.opmart, với sản lượng trung bình gần 800 kg/ngày. Sản phẩm Lạp xưởng tươi được sản xuất tại cơ sở hiện không sử dụng phụ gia mà chỉ sử dụng phẩm màu với liều lượng chỉ 0,1 gram/ kg. Ông Trần Văn Đạt - Quản lý Công ty nói: Hàng ngày, cơ sở đều vệ sinh máy móc, thiết bị sạch sẽ. Công nhân được trang bị và đeo bảo hộ đầy đủ; nguyên, nhiên liệu nhập vào đảm bảo nguồn gốc. Sử dụng phụ gia tuân thủ pháp luật, hạn chế đến mức thấp nhất có thể.

Tại Nghị định 115 ngày 4/9/2018 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm có quy định xử phạt một số hành vi về sử dụng phụ gia trong chế biến thực phẩm, tùy vào hành vi vi phạm mà có những hình thức xử phạt tương ứng, trong đó có mức phạt từ 80 triệu đến 100 triệu đối với hành vi “sử dụng phụ gia thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuát, chế biến thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 10 triệu đồng trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”.     

Ngoài sự vào cuộc của ngành chức năng, người tiêu dùng khi có nhu cầu sử dụng thực phẩm đã qua chế biến nên chọn những sản phẩm có ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng và có ghi chú về chất phụ gia, nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân và gia đình./.

 Trọng Phước, Ngọc Thơ


QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online