Sóc Trăng nỗ lực tiếp nước “cứu lúa” mùa hạn, mặn (Lượt xem: 5018)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Nông nghiệp - Nông thôn

Cập nhật: 01/03/2024

Từ sau Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024, tại tỉnh Sóc Trăng, độ mặn đo được từ các kênh đầu nguồn duy trì ở mức trên 1,5‰, theo đó toàn bộ cống đầu nguồn buộc phải đóng lại để ngăn mặn. Hiện nay, nguồn nước phục vụ sản xuất tại các kênh nội đồng của vùng thủy lợi khép kín Long Phú - Tiếp Nhựt đã bắt đầu cạn kiệt. Hàng ngàn ha lúa Đông Xuân muộn (nằm ngoài kế hoạch) đang đối mặt với nguy cơ thiệt hại. Trước tình hình này, cơ quan chuyên môn trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp cùng chính quyền địa phương đang tích cực rà soát, theo dõi diễn biến nguồn nước tại từng thời điểm khác nhau, nhằm nỗ lực “cứu lúa” khi độ mặn đạt mức cho phép.

Sóc Trăng nỗ lực tiếp nước “cứu lúa” mùa hạn, mặn
 Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khảo sát tình hình mặn xâm nhập tại huyện Long Phú.

Là một trong những địa phương thuộc “điểm nóng” của mặn xâm nhập, ngay từ đầu mùa khô, huyện Long Phú đã tích cực khuyến cáo nông dân chuyển đổi cây trồng thay cho làm lúa vụ 3. Nhưng với giá lúa khá cao ở giai đoạn đầu vụ đã “hấp dẫn” nông dân xuống giống lúa vụ 3 nhiều gấp đôi so với năm 2022.

Hiện là thời điểm hạn, mặn vào giai đoạn gay gắt nhất, huyện Long Phú đã có 30,99 ha lúa vụ 3 mất trắng hoàn toàn và có gần 6.000 ha đang “khát nước”. Phần diện tích còn lại nông dân đang nỗ lực chăm sóc bằng nhiều giải pháp kết hợp. Tuy nhiên, trong vài ngày nữa, lúa không được “Giải khát” thì thiệt hại sẽ tiếp tục tăng cao.

Nước trên kênh đã cạn kiệt.

“Nhà nước có khuyến cáo không sản xuất lúa vụ 3, tại thấy giá lúa hấp dẫn quá nên bà con cũng tự phát rủ nhau làm, giờ độ mặn lên cao quá không đưa nước vô ruộng được. Ở đây nông dân bơm nước truyền với nhau để cứu lúa. Mỗi lần bơm nước như vậy thì phải rải phân, xịt thuốc dưỡng nên chi phí cũng tăng theo. Hiện nay ruộng thiếu nước trầm trọng quá, nhờ Nhà nước xem xét hỗ trợ đưa nước vô cho nông dân trồng lúa”, ông Nguyễn Văn Tiền ở ấp Cái Đường, xã Tân Thạnh, huyện Long Phú, nói.

 

Ông Nguyễn Văn Tiền tại ruộng lúa của mình. 

Năm nay, nông dân huyện Trần Đề có 512 ha xuống giống lúa vụ 3. Lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh, các ruộng gần kênh lớn vẫn còn nước để bơm tưới. Tuy nhiên, đến các giai đoạn sau, nếu nguồn nước ngọt trong vùng không còn đảm bảo sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình tạo hạt và phát triển của cây lúa. Bởi nguồn nước sử dụng phục vụ sản xuất của huyện chủ yếu là từ hệ thống kênh thuộc vùng Dự án Long Phú - Tiếp Nhựt. Hiện các cống đầu nguồn tiếp nước cho vùng thuộc Cống Bà Xẩm, Cống Cái Quanh và Cái Xe đã phải đóng hoàn toàn để tránh nước mặn rò rỉ.

Ông Hà Hùng Kiệt - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Đề, cho hay, chúng tôi cũng đang tích cực phối hợp với các đơn vị có liên quan và huyện Long Phú để nắm thông tin về tình hình độ mặn và vận hành tại các cửa cống chính, nhằm cung cấp nước ngọt cho vùng dự án Long Phú - Tiếp Nhựt và kịp thời thông tin để nông dân có kế hoạch bơm tưới, trữ nước. Hiện nay, chỉ có trục kênh chính còn nước, vận động nông dân cùng đắp đập để bơm nước trữ vào các con kênh nhánh để bơm tưới; bơm trữ nước vào các ao, mương, hồ để sản xuất.

Đo độ mặn trên ruộng lúa.

Ông Hà Hùng Kiệt cũng khuyến cáo người dân kiểm tra độ mặn trước khi lấy nước, có thể sử dụng nước có độ mặn dưới 2‰ ở giai đoạn lúa đẻ nhánh để bơm tưới tránh cho mặt ruộng bị khô nứt, nhưng không được giữ lâu trong ruộng, khi có nguồn nước ngọt phải cho nước mới vào thay thế.

Tính đến thời điểm này, tỉnh Sóc Trăng có 41.000 ha lúa Đông Xuân muộn đã xuống giống, trong đó có khoảng 10.500 ha nằm ngoài kế hoạch. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, hiện có hơn 3.000 ha đang đối mặt với nguy cơ thiệt hại do khô hạn, thiếu nước. Theo ghi nhận, nồng độ mặn đo được tại ruộng hiện đã cao hơn độ mặn tại kênh đầu nguồn cần lấy nước. Vì vậy, ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân các biện pháp kỹ thuật để đảm bảo an toàn cho lúa trước tình hình thời tiết cực đoan. Trường hợp “bất khả kháng”, ngành sẽ chỉ đạo cơ quan chuyên môn tiến hành mở cống lấy nước ngay khi độ mặn ở kênh đầu nguồn đạt mức 1,5‰, để dung hòa nguồn nước tại ruộng và trong vùng hệ thống, đảm bảo cấp ẩm kịp thời cho quá trình sinh trưởng của của cây lúa.

Đo độ mặn trên sông.

“Hiện nay, lực lượng quản lý cống đang túc trực 24/24h để theo dõi sát diễn biến độ mặn trên các sông, khi xuất hiện nước ngọt sẽ tranh thủ mở cống, lấy nước vào để phục vụ cho sản xuất. Mỗi ngày, chúng tôi tổ chức 2 đợt đo mặn và thông tin trao đổi với nhau qua mạng zalo và Trang thông tin của ngành Nông nghiệp để các cơ quan chuyên môn kịp thời theo dõi khi cần”, ông Trầm Việt Quang - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng, cho biết thêm.

Đối với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng, ông Trần Vĩnh Nghi (ảnh dưới) - Phó Chi cục trưởng khuyến cáo nông dân khi cây lúa ở giai đoạn mạ, bà con nên theo dõi khi độ mặn dưới 1‰ thì chúng ta tiến hành lấy nước, giai đoạn đẻ nhánh, chúng ta lấy nước khi độ mặn dưới 2‰, giai đoạn đòng trổ lấy nước ở mức dưới 1‰. Tuy nhiên, không nên giữ nước lâu trong ruộng, sau khi bơm cần xả ra ngay để giữ ẩm cho đất, tránh đất khô hạn ảnh hưởng đến sự phát triển của lúa.

Để tăng cường tính chống chịu của cây lúa trong điều kiện hạn, mặn, Phó Chi cục trưởng - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng cũng khuyến cáo nông dân nên bón bổ sung một số loại phân bón lá chứa nhiều canxi, silic, các hoạt chất từ sản phẩm như ComCat, NiRo…, và lưu ý bà con khi lấy nước pha phân bón lá để phun, tuyệt đối không sử dụng nước mặn.  

Còn nhớ trong đợt hạn, mặn lịch sử mùa khô 2015 - 2016, tỉnh Sóc Trăng là một trong những địa phương thuộc khu vực ĐBSCL chịu thiệt hại nặng nề về sản xuất nông nghiệp. Và chu kỳ 4 năm một lần đang được lặp lại trong mùa khô năm nay. Với nguy cơ khan hiếm nguồn nước trong thời điểm mặn xâm nhập đang vào cao điểm, nông dân cần chủ động các giải pháp trữ nước ngọt, sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm, nhằm đảm bảo cung cấp đủ lượng nước tưới cho cây trồng trong mùa khô hạn năm nay./.

Văn Đại, Ngọc Thơ

Tag:

QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online