Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng: Để kiểm soát tốt mặn xâm nhập, các địa phương cần quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi (Lượt xem: 2786)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Nông nghiệp - Nông thôn

Cập nhật: 25/03/2024

Sáng nay (25/3), ông Trần Văn Lâu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cùng Đoàn công tác của tỉnh đã đến huyện Kế Sách, Long Phú và Trần Đề để khảo sát tình hình mặn xâm nhập. 

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng: Để kiểm soát tốt mặn xâm nhập, các địa phương cần quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi
Đoàn kiểm tra tình hình xâm nhập mặn tại huyện Trần Đề.

Do ảnh hưởng của mặn xâm nhập, hiện nay, tỉnh Sóc Trăng đã ghi nhận 1.040 ha lúa Đông Xuân muộn (nằm ngoài kế hoạch) bị ảnh hưởng do thiếu nước (có 36 ha bị thiệt hại hoàn toàn).
Tại huyện Kế Sách, để nâng cao năng lực ứng phó với mặn xâm nhập, ngay từ đầu mùa khô, địa phương đã hỗ trợ thiết bị đo mặn cho các xã, thị trấn để kịp thời cập nhập thông tin độ mặn cho người dân. Nhờ tuân thủ tốt khuyến cáo của ngành Nông nghiệp là ưu tiên canh tác các giống có thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng chịu mặn tốt nên trà lúa Đông Xuân muộn của huyện đảm bảo an toàn trong điều kiện hạn.

Kế Sách hiện có 1.000 ha đất sản xuất được lắp đặt thiết bị tưới phun tiết kiệm nước.

Sau khi khảo sát tình hình mặn xâm nhập tại Kế Sách, ông Trần Văn Lâu lưu ý địa phương không nên chủ quan, cần tiếp tục rà soát hệ thống cống thủy lợi phục vụ công tác ngăn mặn, trữ ngọt để có kế hoạch duy tu, bảo quản, chủ động lấy nước phục vụ tưới tiêu của nông dân khi độ mặn đạt ngưỡng cho phép.

Ông Trần Văn Lâu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng. 

Tại huyện Long Phú, mặc dù địa phương đã khuyến cáo nhưng do thời điểm đầu vụ, giá lúa tăng cao, nước trên kênh còn đảm bảo tưới tiêu nên nhiều nông dân đã xuống giống lúa Đông Xuân muộn, tăng khoảng 50% so với cùng kỳ năm 2023. Từ Tết Nguyên đán đến nay, lượng nước trên các kênh nội đồng cạn kiệt, các cống đầu nguồn phục vụ lấy nước thường xuyên phải đóng để tránh nước mặn rò rỉ nên nhiều khu vực, lúa bị thiếu nước nghiêm trọng ( có 539,3 ha lúa bị thiệt hại dưới 30%; 458,91 ha lúa bị thiệt hại từ 30% - 70%; 36,69 ha lúa bị thiệt hại trên 70%).

Đoàn đến khảo sát tại huyện Long Phú.

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các đơn vị có liên quan phối hợp chặt chẽ cùng chính quyền địa phương huyện Long Phú theo dõi sát diễn biến tình hình nguồn nước, kịp thời tiếp nước tại thời điểm thích hợp để khôi phục phần diện tích lúa còn khả năng phục hồi và phát triển. Đồng thời, rà soát lại toàn bộ hệ thống công trình thủy lợi để đề xuất kinh phí đầu tư, duy tư phù hợp; đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu sàn xuất của người dân trong những mùa hạn, mặn sau.

Chủ tịch UBND tỉnh cùng Đoàn công tác đến khảo sát tại huyện Trần Đề, lãnh đạo địa phương báo cáo, thời gian quan, độ mặn tại cống Bà Xẩm, Cái Quanh, Cái Xe luôn ở mức trên 2,5 nên địa phương không thể lấy nước phục vụ sản xuất, dẫn đến toàn huyện có khoảng 6 ha lúa Đông Xuân muộn bị thiệt hại. Thời gian tới, nếu được bổ sung nguồn nước ngọt kịp thời, 470 ha lúa ở giai đoạn đòng và trổ bị ảnh hưởng nhẹ vẫn có khả năng được phục hồi; riêng 42 ha lúa đang ở giai đoạn đẻ nhánh có nguy cơ thiệt hại trên 70%.

Bên cạnh khuyến cáo tăng cường công tác quan trắc, kịp thời thông tin độ mặn trên các nhóm zalo nông nghiệp để nông dân có sự chủ động hơn trong sản xuất, ông Trần Văn Lâu đề nghị huyện Trần Đề khi xuất hiện nguồn nước phù hợp thì khuyến cáo người dân các biện pháp tích trữ, sử dụng hợp lý để sử dụng lâu dài trong canh tác mùa khô; tăng cường công tác quy hoạch đồng bộ, bài bản vùng trồng để khuyến cáo bà con canh tác loại cây trồng, vật nuôi phù hợp.

Để ứng phó lâu dài, hiệu quả hơn với xâm nhập mặn, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương cần quan tâm, thực hiện quy hoạch cụ thể vùng trồng, vùng nuôi để có sự đầu tư hợp lý về hạ tầng và thủy lợi; quyết liệt hơn trong tuyên truyền, khuyến cáo, thông tin kịp thời diễn biến tình hình độ mặn tại từng khu vực thông qua nền tảng mạng xã hội để người dân chủ động phương án sản xuất phù hợp, hạn chế thấp nhất rủi ro, thiệt hại. Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý các địa phương cần quan tâm công tác cấp nước sinh hoạt phục vụ dân sinh, đảm bảo mọi người dân đều được tiếp cận với nguồn nước sạch, hợp vệ sinh.

Khảo sát công trình Cống âu thuyền Rạch Mọp.

Đoàn công tác của UBND tỉnh cũng đã đến kiểm tra tiến độ xây dựng Công trình Cống âu thuyền Rạch Mọp thuộc Dự án kiểm soát nguồn nước bờ Nam Sông Hậu, khu vực thi công nằm tiếp giáp huyện Kế sách và huyện Long Phú có kinh phí đầu tư là 550 tỷ đồng. Khi đưa vào sử dụng, công trình sẽ góp phần kiểm soát độ mặn cho khoảng 19.200 ha đất sản xuất nông nghiệp, tạo nguồn ngọt khoảng 36.100 ha cho địa bàn các huyện Long Phú, Kế Sách, Châu Thành và một phần TP. Sóc Trăng./.

Ngọc Thơ, Văn Đại

Tag:

QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online