Xuân về trên vùng quê Nông thôn mới (Lượt xem: 2591)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Nông nghiệp - Nông thôn >> Nông thôn mới

Cập nhật: 19/01/2023

Xuân Quý Mão 2023 – Một mùa Xuân mới đang về trên khắp mọi nẻo đường quê hương Sóc Trăng. Xuân len lỏi đến thành thị, thôn quê. Trên những xã Nông thôn mới, không khí đón Xuân càng thêm tươi vui, bởi Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới đã làm thay đổi nhiều mặt đời sống của người dân.

Xuân về trên vùng quê Nông thôn mới
Con đường tại xã Thuận Hưng, huyện Mỹ Tú nay đã được bê tông hóa.

Ở xã có trên 50% là đồng bào dân tộc như Thuận Hưng, huyện Mỹ Tú, theo chuẩn đa chiều giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của xã đã tăng lên gần 5% so với chuẩn nghèo tính đến cuối năm 2015. Để giúp người dân phát triển kinh tế gia đình, chính quyền địa phương đã hỗ trợ vốn vay thực hiện các mô hình kinh tế hiệu quả; tạo điều kiện giải quyết công ăn việc làm cho hộ không đất sản xuất; chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, đặc biệt là đã làm thay đổi ý thức và tạo động lực cho hộ nghèo tích cực lao động, sản xuất... theo đó, đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của xã Thuận Hưng giảm chỉ còn 3,87%, hoàn thành tiêu chí số 11 về giảm nghèo theo chuẩn đa chiều mà Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới đã đề ra. 

Ông Lâm Kim Hải đang chăm sóc cho đàn bò.

Trước kia gia đình ông Lâm Kim Hải ở ấp Tà Ân A2, xã Thuận Hưng rất khó khăn, cảnh nhà mưa tạt, gió lùa. Nhờ được Nhà nước hỗ trợ vốn mua 1 con bò về nuôi ban đầu, đến nay ông đã phát triển đàn lên 9 con. Tích góp dần, ông đã xây cất được căn nhà mới. Vui mừng vì năm nay đón Xuân Quý Mão được đủ đầy, ông Hải bộc bạch: “Năm nay gia đình ăn Tết thoải mái, đầm ấm. Tôi phải cố gắng lao động để phát triển lên thêm”. 

Đầu tư, hỗ trợ có nề nếp, tìm mô hình và biện pháp hỗ trợ phù hợp đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, bồi đắp thêm niềm tin của bà con vùng đồng bào dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, từ đó cộng đồng ủng hộ cao công tác xã hội hóa hạ tầng giao thông nông thôn tại địa phương. Đến nay, Thuận Hưng đã cứng hóa 95,71% đường liên ấp; nhựa hóa hoặc bê tông hóa 100% đường về xã và về đích xã Nông thôn mới.

Vui mừng vì người dân và nhà nước đồng lòng xây dựng Nông thôn mới, Tết năm nay, mọi người bon bon xe máy trên đường đi thăm họ hàng, người thân, ông Lâm Thuận - Trưởng Ban Nhân dân ấp Tà Ân Á, chia sẻ: “Trước đây đường sá chật chẹp, không có đèn đầy đủ. Bây giờ đường rộng rãi, ban đêm tuyến nào cũng được lắp đèn chiếu sáng nên bà con qua lại thoải mái”.

Tuyến đường Nông thôn mới kiểu mẫu tại xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề.

Tại Trần Đề, giai đoạn 2019 - 2022, huyện được đầu tư hơn 30 tỷ đồng để nâng cấp, mở rộng các tuyến đường, cầu nông thôn, xây dựng trường học và nhiều công trình phúc lợi xã hội khác… Đến nay, các hạng mục công trình đã phát huy được hiệu quả sử dụng, phục vụ tốt việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Để sớm về đích xây dựng Nông thôn mới nâng cao, nhiều xã của huyện đã vận động người dân tích cực tham gia các tuyến đường Nông thôn mới kiểu mẫu, lắp đặt cột cờ, đèn chiếu sáng, chỉnh trang nhà cửa, giữ gìn vệ sinh môi trường tạo cảnh quang xanh - sạch - đẹp. 

Ban Chỉ đạo xây dựng Nông thôn mới xã Đại Ân 2 đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận, hưởng ứng trong Nhân dân; đẩy mạnh thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng Nông thôn mới; xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất lúa tập trung gắn với tiêu thụ theo chuỗi liên kết; tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất để giảm chi phí, tạo ra sản phẩm chất lượng, tăng hiệu quả kinh tế… đến nay, Đại Ân 2 đã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí Nông thôn mới nâng cao.

Tuyến đường Nông thôn mới kiểu mẫu xã Ngọc Đông.

Hội thi tuyến đường Nông thôn mới kiểu mẫu được phát động trong toàn tỉnh đã nhận được sự hưởng ứng, chủ động, sáng tạo tích cực từ người dân, huy động sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị, phát huy tính phối hợp từ Ban nhân dân các ấp đến các đoàn thể tham gia xây dựng Nông thôn mới, nâng cao chất lượng môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn. Theo đó, Sóc Trăng hiện có 546 km tuyến đường Nông thôn mới kiểu mẫu; 64 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, 16 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, 3 đơn vị huyện/thị xã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới. Thành quả này có được là nhờ vào “xây dựng Nông thôn mới bền vững từ cơ sở, lấy cơ sở làm trung tâm, phát huy vai trò chủ thể của người dân là chủ yếu” - chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh.

Năm 2023 là năm bản lề của nhiệm kỳ 2020-2025 nên việc tăng tốc thực hiện chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIV đã được Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới của tỉnh đề ra những mục tiêu, giải pháp thực hiện: phấn đấu có thêm 3 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, phấn đấu có thêm một số xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu và 2 huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới.

Ông Lê Văn Đáng (ảnh trên) - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Năm 2023, tập trung triển khai có hiệu quả 6 Chương trình chuyên đề phục vụ Chương trình Nông thôn mới gồm: Chương trình OCOP, Chương trình Khoa học công nghệ, Chương trình Phát triển du lịch nông thôn, Chương trình Chuyển đổi số, Chương trình Tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn; thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả gắn với lợi thế của từng địa phương phục vụ tích cực cho các mục tiêu xây dựng Nông thôn mới. Quan tâm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn vốn Trung ương, tăng cường lồng ghép kinh phí từ các chương trình, dự án đầu tư hiện có và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác để tiếp tục xây dựng, nâng cấp các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn, triển khai đồng bộ, toàn diện các nội dung của Chương trình, hoàn thành mục tiêu xây dựng Nông thôn mới năm 2023. Tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và giám sát của cộng đồng dân cư đối với xây dựng Nông thôn mới theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, nâng cao vai trò, vị thế của Nhân dân trong quá trình xây dựng Nông thôn mới.

Năm 2022 khép lại, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới tại tỉnh Sóc Trăng đã gặt hái được nhiều thành công, bức tranh nông thôn ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Đây là nền tảng vững chắc, động lực tích cực để Sóc Trăng tiếp tục tiến trình xây dựng Nông thôn mới trong năm 2023 và những năm tiếp theo./.

Bình Trọng - Ngọc Thơ - Văn Sông (Đài TT huyện Trần Đề)

 


QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online