Vai trò người dân trong phòng, chống sạt, lở ở huyện Cù Lao Dung  (Lượt xem: 2728)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Nông nghiệp - Nông thôn

Cập nhật: 24/08/2024

Là một trong những địa phương thuộc “điểm nóng” của tỉnh Sóc Trăng về tình trạng sạt, lở, vỡ đê vào thời điểm mưa, bão hay khi triều cường dâng cao, thời gian qua, huyện Cù Lao Dung đã phát huy tốt vai trò của người dân trong ứng phó, phòng, chống sạt, lở khi địa phương còn hạn chế về nguồn lực. Mỗi cá nhân, gia đình là một mô hình, cách làm đã góp phần làm hạn chế thấp nhất nguy cơ sạt, lở xảy ra tại địa phương.

Vai trò người dân trong phòng, chống sạt, lở ở huyện Cù Lao Dung 
 Trồng cây Bần để chắn sóng đánh gây lở, vỡ đê.

Đều đặn mỗi tuần, ông Dương Quốc Vui ở ấp Đền Thờ, xã An Thạnh Đông cùng một số thanh niên trên địa bàn lại sắp xếp thời gian đi kiểm tra những cây Bần được trồng ở khu vực được địa phương thực hiện mô hình trồng cây chắn sóng. Hiểu rõ tác dụng của việc trồng cây Bần là để chắn sóng đánh trực tiếp vào thân đê nên khi triển khai trồng, người dân địa phương nhiệt tình ủng hộ việc làm “hàng rào sinh học” từ cây Bần để bảo vệ đê bao, bờ bao. Ông Vui đã cẩn thận kiểm tra sự phát triển của từng cây, khi phát hiện có cây Bần bị hư hỏng, ông báo nay với địa phương rồi trồng cây thay thế. Nhờ đó mà “những khu vực đã trồng cây rồi thì giảm tình trạng sạt, lở. Từ hiệu quả của cây Bần mà bà con ở đây nhiệt tình chăm sóc, bảo quản cây. 5,7 bữa là bà con đi kiểm tra, thấy cây nào chết thì trồng bổ sung cây mới để cây phát triển, gây bồi, tạo bãi được tốt hơn”, ông Vui nói.

 Ông Dương Quốc Vui (bìa trái ảnh).

Bên cạnh tuyến đê Tả - Hữu dài hơn 80 km; đê bao sông Bến Bạ, Cồn Tròn dài 40 km thì Cù Lao Dung còn có trên 360 kênh, rạch lớn, nhỏ với hơn 100 km bờ bao trong dân có nguy cơ cao gây tràn và vỡ bờ.

Nhiều lần chứng kiến cảnh triều cường, sóng đánh, gây tràn và vỡ bờ bao nên gia đình ông Võ Văn Kinh ở ấp Nguyễn Công Minh B, xã An Thạnh Đông rất chú trọng đến việc gia cố, bồi trúc đê bao. Để giữ đất chân đê, vợ chồng ông Kinh đã sử dụng cừ Dừa chằng chống, đồng thời dùng bao đất tấn dọc theo chiều dài đoạn bờ bao nằm ngoài tuyến đê, cũng nhằm để bảo vệ cho 2 ao nuôi tôm của gia đình. Theo ông Kinh chia sẻ, dù mỗi năm gia đình phải tốn vài chục triệu đồng nhưng biện pháp này giúp ông tránh được nguy cơ mất trắng diện tích tôm nuôi khi không may xảy ra tình trạng sạt, lở, vỡ đê. Ông Kinh (ảnh dưới) nói thêm, mình làm dần dần từ đầu mùa đến giờ, nhờ vậy mới giữ được ao tôm gần mé sông sóng mà đánh vô là sạt bờ nên năm nào tôi cũng phải làm, chứ bỏ phế là mất hết.  

Qua kiểm tra, rà soát, huyện Cù Lao Dung hiện có hơn 34 điểm sạt, lở với chiều dài khoảng 5.700 m. Hầu hết các điểm này đều nằm ngoài hệ thống đê bao Tả - Hữu, đê bao sông và hiện có khoảng 300 hộ dân sinh sống ở đây có 300.000 m² đất nuôi thủy sản có khả năng bị ảnh hưởng. Giải pháp công trình đã được tính đến nhưng hầu hết đều có quy mô và kinh phí lớn và ngoài khả năng của địa phương. Do vậy, người dân đã chủ động nâng cao ý thức ứng phó sạt, lở bằng kinh nghiệm truyền thống nhưng đã mang lại hiệu quả, cũng là giảm áp lực kinh phí đối với các cấp, các ngành trong điều kiện nguồn ngân sách tỉnh còn hạn chế.

Ông Nguyễn Văn Đắc - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung, cho biết bà con sống tại những khu vực có hiện tượng bị sạt, lở đều ý thức rất cao. Với kinh nghiệm từ xưa là nơi nào giữ được cây Dừa Nước và cây Bần thì nơi đó sẽ hạn chế được xâm thực của sóng, sự thay đổi của dòng chảy nên bà con tiến hành trồng cây Dừa Nước, cây Bần để từng bước hạn chế sạt, lở và có thể tận dụng để nuôi thủy sản dưới những tán cây này.

Để mô hình phát huy hiệu quả trong thời thời gian tới, ông Nguyễn Văn Đắc (ảnh trên) cho biết, huyện sẽ nhân rộng, thực hiện mô hình này ở các vị trí thường xảy ra sạt, lở, nhất là những ao nuôi thủy sản để vừa phòng, chống sạt, lở vừa cải thiện sinh kế cho bà con ở khu vực ngoài đê. Bên cạnh hạn chế thấp nhất nguy cơ sạt, lở xảy ra còn tiến đến thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch ven sông của địa phương.

Khi xảy ra thiên tai, người dân sẽ chịu tác động trước nhất, do đó, để mọi người dân vào cuộc phòng, chống thiên tai, bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động, huyện Cù Lao Dung còn nâng cao kỹ năng, kiến thức có liên quan để người dân có khả năng tự bảo vệ bản thân, giảm tối đa thiệt hại khi có tình huống xấu xảy ra./.

Bình Trọng, Ngọc Thơ

Tag:

QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online