Từ một ngã tư đường đồng - Trương Trung Hưng (Lượt xem: 630)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Cuộc thi " Viết về cánh đồng Quê Hương"

Cập nhật: 04/07/2017

Giờ thì tất cả đã thay đổi theo hướng hiện đại và tân tiến hơn. Nông thôn mới về làng đem lại sức sống mãnh liệt, bao la. Hệ thống giao thông nội đồng đã được bê tông hóa, thủy lợi tưới tiêu được xây dựng khoa học, bài bản, lũ chuột đồng vì thế mà mất đi ngôi nhà của mình, chỉ biết tròn mắt trách than số phận.

 Từ một ngã tư đường đồng - Trương Trung Hưng
Đường làng quê hương

(Nguyên bản của tác giả)

Nhắc đến cánh đồng lúa, người ta thường nghĩ ngay đến những con đường đất rậm cỏ hai bên, mỗi khi trời mưa con đường nhão bùn bặm chặt bánh xe, trơn tuột như muốn níu chân người ở lại.

“Từ một ngã tư đường phố cuộc sống reo vui từng giờ

Khi nắng mai về người và xe nối nhau đi trên đường”

Tưởng chừng như cảnh tượng này chỉ có ở trên phố sá, nơi mà xe pháo đông đúc, dòng người hối hả, đường nhựa mịn phăng phăng, nhưng khi bộ mặt nông thôn mới đang thay đổi mạnh mẽ từng ngày thì ngã tư đó xuất hiện ngay ở… cánh đồng làng.

Độ hai chục năm trước, ở quê tôi các con đường dẫn ra đồng thường khá nhỏ, hệ thống giao thông nội đồng, tưới tiêu chưa có sự xuất hiện của bê tông. Mỗi mùa gặt về, phương tiện chủ yếu ngoài đồng chính là chiếc xe thồ, có khung ngang mà ngày đó bọn trẻ như chúng tôi đều phải vắt mình dưới thanh ngang mới đi được. Ngày nắng thì đỡ, bố vẫn thồ được ba đến bốn bao lúa nặng chịch, nhưng ngộ nhỡ, cơn mưa chiều ập đến, đường đất nhão sình lầy, ba dắt xe, tôi và má hì hục đẩy đằng sau mà vẫn rất khó khăn mới qua được các vũng sình, vết bánh xe cứ trượt dài vẩy bùn tứ tung lên mặt người đẩy. Nhiều hôm xe còn bị lật, thóc rơi xuống kênh, cả nhà lại phải xuống vớt trong cơn mưa tầm tã.

Ấy là chưa kể đến “tắc đường”, vì là đường nhỏ mà nhiều xe thồ ngược xuôi, xe nào cũng hối hả ra đưa thóc về nhà. Mỗi lần tắc như vậy làm tiêu tốn lượng thời gian khá lớn, có bữa phải cho xe lùi lại đến khúc ngoành mới hết tắc. Ngày đó thật nhiều thứ khó khăn, mương dẫn nước cũng bằng đất từ ngày xưa cha ông để lại, người ta đưa nước về làm thủy lợi, chưa kịp dẫn nước chạy khắp đồng thì nước đã róc hết và ngấm vào trong lòng đất. Hơn nữa, mỗi một mùa lại phải rẫy cỏ hai bờ nếu không chúng sẽ mọc um tùm và chặn dòng nước đứng lại, ruộng nào mà cao thì dẫn nước vào rất khó, mẹ lại cùng hai anh em tôi thay nhau tát nước, vét từng giọt một nuôi cây lúa đơm bông.

Rồi từng thửa ruộng ngày đó còn manh mún, nhỏ lẻ, cả cánh đồng chia ra làm sáu khu Đường Ngang, Đầu Dộc, Con Cá, Đầu Kênh, Cây Táo, Đồng Tổng khu nào cũng có một mảnh nhỏ làm cho việc đi lại, chăm sóc mất rất nhiều công sức. Điều đáng buồn hơn nữa là là sau mỗi vụ thu hoạch, nước về đổ ải đất, bờ con lươn bị san phẳng, ranh giới giữa các ruộng bị xóa nhà, nhà nào cũng chỉ áng chừng ruộng nhà mình rồi đắp. Chẳng may đắp sang ruộng hàng xóm lại xẩy ra cãi vã không đáng có, mà đắp non tay đi một chút thì lại bị xem như là “giàu có không thèm làm ruộng”

Đường đất cũng là ngôi nhà lý tưởng cho chuột đào hang, không khó khăn để nhận thấy những cái ổ chuột đầy rơm mỗi khi vén đám cỏ bờ lên. Nhất là vào lúc lúa đang đương thì, đòng đòng ngọt khé cổ, chuột sinh sôi rất nhiều, chúng tàn phá mùa màng một cách thậm tệ, mặc cho những công cụ thô sơ đàn áp chúng.

Giờ thì tất cả đã thay đổi theo hướng hiện đại và tân tiến hơn. Nông thôn mới về làng đem lại sức sống mãnh liệt, bao la. Hệ thống giao thông nội đồng đã được bê tông hóa, thủy lợi tưới tiêu được xây dựng khoa học, bài bản, lũ chuột đồng vì thế mà mất đi ngôi nhà của mình, chỉ biết tròn mắt trách than số phận.

Xe ba bánh bon bon chạy trên đường nhẵn mịn, ba và mẹ chỉ việc khệnh bao thóc đắp ụ lên xe, rồi đi một chuyến là tất cả đã về nhà. Không còn tình trạng tắc đường, đẩy dốc, bắt bánh hay chạy mưa khi thu hoạch lúa nữa, ruộng manh mún cũng được dồn về một thửa, năng suất bắt đầu đi vào ổn định, điều mà người nông dân nào cũng muốn.

Chiếc xe thồ khung ngang ngày nào được bố treo lên gác bếp như chứng minh cho một thời khó nhọc đã qua, chiếc xe đã cõng trên mình miệng ăn của cả nhà qua những đống sình lầy bì bõm. Bây giờ ba má thường bảo “Tự hào là người nông dân Việt Nam” khi đi làm đồng về.

Mỗi buổi chiều ập nắng, người dân trong làng lại nô nức rủ nhau ra đồng tập thể dục, hóng gió đồng miên man chảy, bọn trẻ thì đuổi theo những cánh diều mơ ước, tuy có bớt đi tiếng ếch ộp về đêm hay thiếu đi cái lập lòe của đom đóm nhưng ai cũng hiểu và khắc sâu trong ký ức tuổi thơ.

Từ một ngã tư đường đồng, đèn đỏ đèn xanh chưa có nhưng cũng đã thấy rõ sự đổi mới nhộn nhịp, con mương bê tông dẫn nước phù sa sông Hồng về tưới mát cho bông lúa, cho quả bầu, quả mướp.

“Đèn đỏ đèn xanh với ánh nắng nhảy múa như ngàn hoa

Niềm vui phấn khởi trong ánh mắt bao người qua

Chào cuộc sống mới từ nơi ngã tư này

Hình ảnh của quê hương vươn mình đấu tranh dựng xây”

Trương Trung Hưng

 


TIN LIÊN QUAN

QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - BÁO VÀ ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online