TRÒ CHƠI “GIẢI CỨU CÁNH ĐỒNG” - Lưu Kiều Nhi (Lượt xem: 5035)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Cuộc thi " Viết về cánh đồng Quê Hương"

Cập nhật: 04/07/2017

Những lúc cảm thấy chỉ có một mình, lúc không còn đứa bạn nào trong xóm để rủ rê phá phách, những cánh đồng không cần ai để giải cứu thì hơi ấm ụ rơm, cái mùi nồng nồng ngai ngái của nó mang lại cho tôi cảm giác ấm áp lạ thường. Tôi vục mặt vào đống rơm ướt, hai tay dang rộng, từng ngón tay nắm chặt mớ rơm vàng, rồi thoáng hít nhẹ từng hơi thở của nó vào lồng ngực. Một cảm giác như là gần gũi thân quen, như là được chở che, ấp yêu

TRÒ CHƠI “GIẢI CỨU CÁNH ĐỒNG” - Lưu Kiều Nhi
Thả diều trên cánh đồng quê hương

 (Nguyên bản của tác giả)

Đối với bọn trẻ con lớn lên ở vùng biên như chúng tôi, hình ảnh cánh đồng lúa là một thức quà tuổi thơ vô giá mà không đứa trẻ thành phố nào có được. Tôi sống ở quê  cùng với ông bà ngoại từ hồi còn nhỏ xíu. Hồi đó ba má tôi khổ sở lắm vì làm ăn thất bại nên đành bỏ quê, bồng chống nhau lên biển hồ kiếm cơm. Ông bà ngoại sót cảnh đứa cháu nhỏ phải bôn ba ngược xuôi, chịu chung cảnh khổ của người lớn nên lên bắt tôi về. Bị ngoại thuyết phục rồi má cũng chịu, chỉ cầu mong trời thương cho hết khổ rồi về lại quê hương xứ sở. Năm đó, tôi vừa tròn năm tuổi. Chăm sóc một đứa trẻ lên năm, vợ chồng già như nuôi con mọn nhưng vì thương cháu quá, ông bà tự an ủi nhau: “Thôi thì trời sinh voi sinh cỏ. Nuôi một đứa nhỏ dễ như  nuôi một gốc mạ non”.

Nhà ngoại tôi cũng không khá giả chỉ có mấy công ruộng làm vừa đủ ăn. Những năm trời làm khó, thất mùa, chỉ còn biết nhìn từng gốc rạ bật lên chỏng chơ phơi nắng. Rồi những năm lũ về, cũng chỉ biết đứng mếu máo nhìn từng bông lúa trôi lềnh bềnh trước mặt như một kiểu thử thách nghiệt ngã của thiên nhiên. Làm nông khổ trăm bề nhưng là nghề của ông bà tổ tiên để lại không nỡ lòng dứt bỏ được. Cũng có khi khổ quá, đổi sang làm nghề khác kiếm ăn nhưng rồi cũng nhanh chán vì nhớ đồng, nhớ từng hạt lúa chắc mẫm do chính tay mình trồng nên, nhớ từng bát cơm thơm lừng phải chắt chiu từng vụ mùa mới có. Nghĩ bấy nhiêu đó mà bám lấy nghề nông, bám lấy cánh đồng như đặt hết niềm tin vào ván cược mưu sinh. Ngoại kể hồi mới về sống với ông bà, tôi khóc suốt, cứ hỏi “ba đâu, má đâu”. Hết cách nên ngoại đành dỗ dành: “Ngoại lượm mày ở ngoài đám ruộng trước nhà. Biết ba má ở đâu mà tìm?”. Con nít thường dễ tin vào những điều vẽ vời của người lớn.  Cho nên, về sau, tôi hí hửng đem khoe với mấy đứa bạn trong xóm về “bí mật” đó. Cái cảm giác được nằm trong ụ rơm vẫn còn âm ẩm sương thật tuyệt, rồi gối đầu lên tay, ngửa mặt lên trời rồi huyên thuyên thêm bớt một vài chi tiết cho lai lịch của mình thêm kịch tính, hấp dẫn.

Với tôi, ụ rơm trước cánh đồng nhà ngoại là cả một kho báu tuổi thơ. Đó là nơi giúp tôi trốn ngủ trưa như cực hình; là nơi tôi ngồi khóc một mình vì biết được sự thật mình không phải được ông bà ngoại nhặt từ ngoài đồng đem về, thực ra đó là cảm giác tức tưởi của một đứa con nít khi bị người lớn lừa thật lâu; là nơi bọn tôi có thể siêng đến mức dở hết ụ rơm ra rồi cố công leo trèo để đắp lại như nguyên trạng. Chúng tôi gọi đó là trò “giải cứu cánh đồng” vì đã có công dọn dẹp, sắp đặt đâu vào đấy sau trận tan hoang cũng do chính chúng tôi bày ra.

Những lúc cảm thấy chỉ có một mình, lúc không còn đứa bạn nào trong xóm để rủ rê phá phách, những cánh đồng không cần ai để giải cứu thì hơi ấm ụ rơm, cái mùi nồng nồng ngai ngái của nó mang lại cho tôi cảm giác ấm áp lạ thường. Tôi vục mặt vào đống rơm ướt, hai tay dang rộng, từng ngón tay nắm chặt mớ rơm vàng, rồi thoáng hít nhẹ từng hơi thở của nó vào lồng ngực. Một cảm giác như là gần gũi thân quen, như là được chở che, ấp yêu. Có khi nghịch dại, tôi lấy rơm phủ kín cả người để cảm nhận trọn vẹn hơi ấm của nó. Nhờ vậy mà cảm giác tủi thân của một đứa trẻ thiếu thốn tình thương cũng dần tan nhanh, rồi chìm ngay vào giấc ngủ. Đến sau này, khi tôi về ở hẳn với ba má, nghe tôi kể lại câu chuyện đó, má nói “Ụ rơm nào mà thần kì vậy? Chắc ụ rơm đó hay nhớ má khóc nhè phải không?”.

Sứ mệnh của những đứa trẻ “giải cứu cánh đồng” của chúng tôi đã phá sản khi mùa lũ năm 2000 tràn về. Lũ trẻ con thèm được chạy mỏi chân trên triền đê đuổi bắt nhau chỉ vì một hai con cào cào, thèm hơi ấm ụ rơm đến quay quắt. Con đường đến trường không còn phải đi qua những bờ ruộng mấp mô, không sợ bị té chụp ếch bất đắc dĩ nữa. Bọn “giải cứu cánh đồng” của chúng tôi cũng không hào hứng chơi trò “chỉ con bù nhìn” trên đường đi học về. Bởi vì bốn bề xung quanh đều là nước lũ. Mênh mông, trắng xóa. Cánh đồng, ụ rơm, hạt lúa, gốc mạ,…tất cả giờ nằm im lìm dưới đáy nước. Người lớn thì quay cuồng nhặt nhạnh từng bông lúa vương vãi trôi trên sông mặc dù biết cũng không thể cứu vãn được gì. Trong hoàn cảnh đó sức người cũng khó chống lại cơn thịnh nộ của đất trời nhưng đó như là sự cố gắng cuối cùng của những con người sớm hôm chắt chiu, gắn đời mình với từng mảnh ruộng, vườn rau.

Cũng như ông bà ngoại, tôi nhớ đồng da diết. Nhưng tôi vẫn nhớ ụ rơm trước nhà nhiều hơn, nhớ đến phát khóc. Khi đó, tôi chỉ mong sao cánh đồng của tôi sống lại, ụ rơm của tôi vẫn còn nguyên hơi ấm. Nghe tôi phụng phịu, ngoại tôi ngồi trên cái chõng tre mấp mé nước, giọng hiền hiền nói: “Ừm thì đợi lũ rút, cánh đồng sẽ sống lại nhanh thôi con. Bây mau mau lớn, học giỏi thành tài rồi về giúp ngoại giải cứu  cánh đồng nghen, chịu không?”…

Có phải chúng ta vẫn thường nợ những ao ước tuổi thơ vì những điều chưa thực hiện được...?

 

Lưu Thị Kiều Nhi (Bút danh: Lưu Kiều Nhi)

 

Địa chỉ: THPT Chuyên Thoại Ngọc Hầu, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang



TIN LIÊN QUAN

QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online