Tiếng mưa thì thầm đồng xa - Trần Huy Minh Phương (Lượt xem: 1285)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Cuộc thi " Viết về cánh đồng Quê Hương"

Cập nhật: 23/02/2017

Tiếng mưa thì thầm đồng xa - Trần Huy Minh Phương
Tiếng mưa thì thầm

                   (Nguyên bản của tác giả) 

                        Đứa cháu họ nói trong bữa ăn trưa này: “Sao gạo mắc tiền mà ăn cơm không thấy ngon hả chú?!”. Ngoài trời lại mưa và nhịp nhớ trong tôi trỗi dậy. 

Giọt mưa vắn dài mơn xanh nhánh lúa nhưng cũng có lần mưa đã làm sập cả nhánh lúa trĩu oằn bông vàng. Mưa gọi mùa, mưa gọi người, mưa gọi tiếng sinh sôi trên đồng. Trong tôi như đang hiện rõ mồn một những thước phim thời nhỏ. Cua giơ càng giỡn sình rồi nghe hương lúa thơm quá đi thôi! Chú cua đó giương mắt nhìn quanh và đưa càng to chắc của tuổi thanh xuân gắp đất bùn đắp thêm cho hang sâu và đẹp ở bờ đê. Vợ chồng nhà ếch gọi nhau mùa sinh sản. Xa xa là những dáng cò trắng đi từng bước chậm trên những cánh đồng bì bõm đã thu hoạch. Những bước chân tựa dáng chị, dáng mẹ lam lũ một đời vì chồng vì con. Từ bùn đất ấy làm nên những mỡ mầu không thôi ngưng nghỉ.

Ngày đó tôi cùng anh Toàn đã dầm mưa bắt cua đồng đầy cả giỏ. Anh bán hết số cua ấy để có được những bữa cơm ngon. Vị mưa ngày ấy mặn đến tận giờ. Hiện anh ngoài giờ đi dạy thì vẫn chăm sóc đồng bưng. Có lần anh nói: “Tau vẫn là thằng nông dân thứ thiệt chú mày à! Cánh đồng tuổi thơ, cánh đồng của vô vàn kỉ niệm ấy đem lại sự sống cho chúng ta đó.”

Còn mỗi khi đêm xuống dù có mưa hay không thì thằng bạn cũng băng đồng bắt chuột. Một đêm bắt được cả bao chuột đồng, một ít để nhà ăn còn lại đem bán ở chợ quê. Rồi nó huyên thuyên: “Chuột đồng gói lá cách xào là ăn ngon bá cháy. Còn không thì chiên. Nếu thích nữa thì làm canh chua cơm mẻ nghen. Ờ, chuột hấp cơm ngon thơm hơn thịt gà luộc nữa đó mày!”.

Hôm rồi tôi trở lại những cánh đồng năm xưa, vốc lại những trang kỉ niệm mà chỉ thấy nhòe nhoẹt đâu đó dáng hình của những công trình, nhà nhà san sát. Ngọn gió quê cũng chật chội mùi người, của những hơn thua và mắt quen mùi phố thị. Ôi! Lũy tre mà chú trâu nhà ông Sáu hay nằm nhai cỏ, rơm mỗi trưa đâu rồi. Ao cá nhà ông Ba năm đó có tiếng là cá quẫy nửa đêm làm bà con giật mình tỉnh giấc giờ được tráng nền xi măng và mọc lên quán nhậu vùng quê. Đi loanh quanh rồi tôi cũng thấy thằng bạn đang lom khom bên nhóm thức ăn cho cua đồng, lươn, ếch… Nó nói: “Giờ thì con gì cũng nuôi, cũng trồng hết mày à. Ngay cả năn mà còn phải trồng nữa đó. Còn đâu mà bắt hả hê”.

Tôi đã thấy cỏ dưới chân người thu hẹp lại, vườn xanh thu hẹp lại, đồng xanh thu hẹp lại. Người xâm chiếm nơi ở và sự tồn vong của chúng thì làm sao có sự phát khởi như ngày trước được. Cái gì cũng nuôi và trồng nên không còn tính tự nhiên và trù phú. Bởi lòng tham của con người có bao giờ cùng tận mà gia tài thiên nhiên thì hữu hạn, chúng không kịp tái sản xuất, không kịp “trình làng” cái đẹp thì đã bị chính chúng ta “cưỡng đoạt” ngay từ khi còn chấm nụ. Nghe như tiếng thở dài buồn của thiên nhiên, chúng ta phụ thiên nhiên thì cũng chính thiên nhiên sẽ lấy lại những gì đã dễ dàng ban tặng ta mà ta không biết trân quý vậy!

Chái bếp năm nào đó chị hai nhóm lửa bằng củi thì nay đã bếp gas, nồi cơm điện. Chị hai không còn lấy nước vo gạo thoa lên mặt, không còn chắt nước cơm sôi để nguội uống với ít đường. Chị nói: “Ngày trước, nước vo gạo có chất cám tốt cho da mặt lắm. Còn uống nước cơm thì nó ngọt lành vô cùng. Bây giờ mà làm vậy thì không ổn. Vì cái gì cũng có thuốc hóa học. Chị phải vo gạo kĩ ba bốn lượt nước dù biết cơm sẽ không ngon bằng trước nhưng biết sao bây giờ hả em?!”.

Mà thiệt lạ, nghe mưa ngồi bâng quơ lại ngẫm ngợi hồi xưa rồi chắt lưỡi chép miệng tiếc như tiếc của, xót như một cái gì vừa đứt lìa khỏi ta. Nhưng rồi tôi cũng bật cười trong khoảnh khắc mếu máo, vì rằng chính chúng ta ích kỉ, hẹp lòng và xảo trá với thiên nhiên, phụ rẫy đồng quê nên giờ hai chữ “phù sa” và “sung túc” của ngày đó đã không phù hợp. Ông Năm móm mém rít điếu thuốc và rót nước trà sớm mai trong cơn mưa buồn bất chợt rồi nói với tôi hay như lời thì thầm tạ lỗi cùng đồng quê xa vắng: “Chúng ta thường không biết đủ nên ra sức nạo vét và tăng vụ, tăng nhiều loại thuốc phân bón nên đất chai lì, lúa sượng sần nên hương quê cũng vơi đi ít nhiều rồi bây ơi!”.

Tôi lững thững ra bờ đê tìm lại dúm cỏ gà, hoa mắc cỡ của những năm thơ dại thắp lên kí ức cho một vùng sáng còn lại để bồi hồi kể lại cho cháu con mai này. Nào hãy lắng nghe mưa để còn dịp trở lại tiếng đồng ngày cũ thắp lên những khát vọng xanh ngời. Biết đâu, mai này cỏ lại mọc đầy dưới chân, hoa um vườn nhà, lúa và cá tôm gọi nhau í ới cho mùa về sinh sôi trong tiếng ếch gọi tình quê ăm ắp yêu thương.

 

.Ta bà, ngày mưa 03.10.2016.

T.H.M.P

Địa chỉ: Tuần Báo Văn nghệ thảnh phố Hồ Chí Minh

Số 81. Trần Quốc Thảo, phường 7, quận 3, TP.HCM.


TIN LIÊN QUAN

QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - BÁO VÀ ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online