Thước phim ký ức chảy tràn - Huỳnh Thị Cam (Lượt xem: 701)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Cuộc thi " Viết về cánh đồng Quê Hương"

Cập nhật: 03/07/2017

Trong ký ức của người dân quê tôi – xã biên giới đầu nguồn, mùa nước nổi là mùa mưu sinh. Người không có ruộng đất thì chỉ cần có cái cần câu, tấm lưới là có thể sống khỏe với nghề sông nước. Chẳng có niềm vui sướng nào hơn khi được “trúng mùa” cá. Cá nhiều đến mức làm khô, làm mắm và ủ nước mắm ăn dần cho cả năm. Vậy mà giờ đây, hình ảnh ấy đang lùi dần vào quá khứ. Lượng cá sụt giảm đến thảm thương. Thu nhập của người theo nghề sông nước không đủ “mua chai trét xuồng”. Cha tôi từng bỏ ngoài tai lời khuyên can của mẹ tôi, ông “mạo hiểm” vay mượn tiền làm đáy cá, đặt dớn để rồi thua lỗ nặng nề…

Thước phim ký ức chảy tràn - Huỳnh Thị Cam
Thước phim ký ức chảy tràn

 (Nguyên bản của tác giả)

Mùa nước nổi năm ấy, cha mẹ tôi đã chắt mót từng đồng bạc lẻ để sắm chiếc xuồng ba lá đi giăng câu đồng xa. Ở nhà, ông nội đãi đám cháu món mắm kho ăn kèm bông súng trộn dừa, béo ngậy thơm lừng. Đang ăn ngon lành thì giông gió nổi lên. Sấm chớp đì đùng chia nửa góc trời. Ông hì hục sửa lại cái máng xối. Chị em tôi chui rúc trên chiếc chỏng tre, thương cha mẹ còn dầm mình ngoài mưa gió. Những tưởng xuồng lật, cha mẹ không về nữa. Âu cũng là cuộc đời còn thương những đưa trẻ thơ và người già điếc lác. Cây bông gáo giữa đồng nước nổi chính là “cái phao” cứu vớt cha mẹ. Bởi thế mà lớn lên dù có đi đâu, làm gì, những đứa trẻ suýt mồ côi năm ấy lúc nào cũng bịn rịn nhớ về cây bông gáo quê nhà…

Trong ký ức của người dân quê tôi – xã biên giới đầu nguồn, mùa nước nổi là mùa mưu sinh. Người không có ruộng đất thì chỉ cần có cái cần câu, tấm lưới là có thể sống khỏe với nghề sông nước. Chẳng có niềm vui sướng nào hơn khi được “trúng mùa” cá. Cá nhiều đến mức làm khô, làm mắm và ủ nước mắm ăn dần cho cả năm. Vậy mà giờ đây, hình ảnh ấy đang lùi dần vào quá khứ. Lượng cá sụt giảm đến thảm thương. Thu nhập của người theo nghề sông nước không đủ “mua chai trét xuồng”. Cha tôi từng bỏ ngoài tai lời khuyên can của mẹ tôi, ông “mạo hiểm” vay mượn tiền làm đáy cá, đặt dớn để rồi thua lỗ nặng nề…

Tháng bảy dần trôi, con nước vẫn lé đé chứ chưa chịu nhảy khỏi bờ. Ngày nào cha tôi cũng ra ngồi sau sàn nhà, mắt ngó đăm chiêu về phía cánh đồng mênh mông, xâm xấp nước. Quặn mình theo tiếng gió là hơi thở dài thườn thượt của cha. Đã mấy năm không theo nghề hạ bạc nữa nhưng mỗi khi hoàng hôn buông xuống, cha vẫn giữ thói quen chờ đón con nước. Không chỉ cha tôi mà hầu như bà con nông dân An Giang, ai nấy đều có chung nỗi thắc thỏm chờ đợi con nước mang phù sa và cá tôm về làm giàu cho bà con xứ mình…

Thoáng chút bâng khuâng, cha nói như tự an ủi mình: “Nước về rồi. Năm nay chắc là nước “lớn” hơn năm ngoái. Ta nói nghe, vùng đất miền Tây mà không có lũ thì như mất đi bản sắc riêng”. Lời tâm tình của cha làm xót mặn lòng con trẻ.

***

Cứ thế, phù sa lại không về. Liên tiếp mấy năm trời trồng lúa và hoa màu thất bát, không đủ mấy miệng ăn, cả nhà chuyển hướng cùng nhau lội đồng đi cắt lúa mướn và mót lúa. Tôi còn nhớ như in cái ngày thằng em trai háo thắng, vung lưỡi hái phăng phăng để rồi ống quyển chân bị cắt ngọt sớt một đường, máu phun thành dòng. Cha dùng chiếc khăn rằn đẫm mồ hôi trán cha mà băng vết thương cho con trẻ, lòng cha như có ai đang xát muối…. Vậy mà khi mặt trời lên đến đỉnh đầu, cơm nguội với món canh chua cá linh và cá rô kho tộ được bày trên tấm đệm chất lúa, thằng em nhảy vào ăn lấy ăn để, không nhớ tới cái chân đau thấu ông trời. Nó cười giòn tan giữa trưa nắng, cố gắng diễn tả cái ý là “không cơm nào ngon bằng cơm mẹ nấu, chưa ăn cơm chỗ nào ngon bằng cơm ngoài đồng”. Ngày ấy chị em tôi theo cha mẹ ra đồng cắt từng nắm lúa, mót từng cọng lúa còn rơi rớt trên đồng, bất kể nắng mưa. Cực trần thân vậy mà thu nhập chỉ để lưng túi áo bà ba, chỉ đủ ăn mười bửa nửa tháng là cùng. Mẹ hứa may bộ đồ mới trả công cho tôi đã phải ròng rã trên đồng, gót chân nứt nẻ, mặt đen thui còn tóc thì cháy xém vàng hoe… Nhưng đến mùa, nhìn nét mặt buồn so của mẹ, tôi đành quên đi lời hứa vui ấy… Áo cũ hay áo mới gì cũng là áo thôi mà!

 … Năm tháng thoi đưa. Tôi – đứa trẻ lớn lên theo con nước, lớn lên ngoài đồng bưng giờ đã lạc bước nơi phố thị ồn ào. Hơn một lần về thăm lại chốn xưa, tôi cứ để mặc nhiên cho cả cánh đồng ngày ấy tràn ngập đáy mắt mình và từng thước phim ký ức cựa mình sống lại, đủ hình hài và dáng dấp thân thương. Đó là những ngày tôi cùng mẹ dậy sớm hái điên điển, bông súng. Đó là những ngày trốn nhà đi tắm “nước nổi”, mò cua bắt ốc. Đó là những ngày tôi vi vu theo chân cha ra đồng giăng câu ếch, bắt cá… Hai cha con đi bắt cá mà hễ gặp những con cá mẹ bụng căng tròn hay những chú cá bé tẹo thì đều đem trả chúng về sông. Hoan hỷ lắm khi nhìn những chú cá xanh non vẫy đuôi như cảm ơn rồi hòa mình vào dòng nước mát ngọt…

***

Haha, hihi…

Tiếng cười trong veo của những đứa trẻ theo chân cha mẹ ra đồng đã cắt ngang dòng nhớ trong tôi. Tôi đứng ngẩn ngơ nhìn theo. Chợt chạnh lòng nghĩ, mai này không biết còn bao người tiếc hoài mùa nước nổi như cha tôi? Và có đứa trẻ nào trong số ấy sống bằng ký ức đồng quê như tôi hay không?

 

 Long Xuyên, 15/6/2017, Huỳnh Thị Cam

Thư viện Trường Đại học An Giang, số 18, Ung Văn Khiêm, Phường Đông Xuyên, TP Long Xuyên, Tỉnh An Giang.

 

 


TIN LIÊN QUAN

QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - BÁO VÀ ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online