Sóc Trăng: Tầm soát bệnh lao trong cộng đồng (Lượt xem: 1563)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Đời sống - Xã hội >> Sức khỏe cho mọi người

Cập nhật: 25/10/2024

Lao là 1 bệnh truyền nhiễm do vi trùng lao gây nên và là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng. Hàng năm, trên toàn cầu có khoảng 10 triệu bệnh nhân lao mới và khoảng 1,4 triệu người tử vong do lao.  Ước tính mỗi năm Việt Nam ghi nhận 170.000 ca mắc lao mới. Sóc Trăng cũng quản lý, điều trị cho khoảng trên 2.000 bệnh nhân lao. Tuy nhiên, có những ca mắc lao vẫn đang tiềm ẩn trong cộng đồng mà chưa được phát hiện. Do đó việc phát hiện, chẩn đoán sớm bệnh lao sẽ góp phần đáng kể trong công tác điều trị, cắt đứt nguồn lây lao trong cộng đồng.

Sóc Trăng: Tầm soát bệnh lao trong cộng đồng
 Khám, tầm soát bệnh lao trong cộng đồng.

Tại tỉnh Sóc Trăng, với mục tiêu chủ động phát hiện ca lao, lao tiềm ẩn, Bệnh viện 30 tháng 4 tỉnh đã thực hiện chiến dịch cộng đồng tại 31 xã thuộc 3 địa phương: Châu Thành, Kế Sách và thị xã Vĩnh Châu. Chiến dịch thực hiện từ tháng 10 đến tháng 12/2024.

Tại mỗi xã, đoàn của Bệnh viện 30 tháng 4 thực hiện khám sàng lọc cho 350 người dân thuộc nhóm có tiếp xúc với người bệnh lao và nhóm nguy cơ cao hoặc có triệu chứng nghi lao. Mỗi người được mời đến khám sẽ được các bác sĩ khai thác cụ thể bệnh sử, tư vấn sức khỏe, chụp X quang phổi. Nếu phim chụp biểu hiện phổi có tổn thương nghi lao hoặc phổi bình thường nhưng người tham gia có triệu chứng nghi lao sẽ cho chỉ định xét nghiệm Xpert. Người đến khám được thử test Mantoux cho người tham gia khám sàng lọc thuộc nhóm người tiếp xúc và chưa được test mantoux trước đây.

Lấy đờm để xét nghiệm vi trùng lao.

Theo Bác sĩ CKII Hà Hoàng Chính - Giám đốc Bệnh viện 30 tháng 4 tỉnh Sóc Trăng, cho biết sau một thời gian khá dài thực hiện phòng, chống lao tại cộng đồng cho thấy việc phát hiện bệnh lao trong cộng đồng gặp một số trở ngại, do bệnh lao có triệu chứng sốt nhẹ, ho vài tiếng nên người dân chưa nghĩ mình bị bệnh lao để đi khám đúng nơi, đúng chỗ, đến khi bệnh lao đến giai đoạn nặng mới đi bệnh viện, như vậy thì cá nhân người bệnh sẽ bị ảnh hưởng đến sức khoẻ và lây cho cộng đồng khi chưa được tầm soát, phát hiện mình bị bệnh lao để điều trị sớm.  

Một trong những đối tượng mắc lao cần được quan tâm đó là trẻ em. Theo báo cáo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, năm 2023 có khoảng 172.000 trường hợp mắc lao mới xuất hiện hàng năm. Lao trẻ em chiếm tỷ lệ 3,7%. Chương trình chống lao quốc gia chỉ phát hiện và đưa vào đăng ký điều trị khoảng 1% số ca lao trẻ em trong tổng số lao các thể. Vì vậy, còn nhiều trẻ mắc lao chưa được phát hiện và điều trị.

Chụp X quang phổi để kiểm tra xem có bị tổn thương lao hay không.

Bác sĩ CKII Hà Hoàng Chính thông tin việc tầm soát, chẩn đoán bệnh lao đối với trẻ em rất khó không chỉ trong nước mà cả thế giới. Thời gian qua, tại Sóc Trăng, việc chẩn đoán ra một ca bệnh lao đối với trẻ em rất là thấp, tầm 1%/tổng số bệnh nhân lao trong toàn tỉnh, so chỉ tiêu quốc gia đưa ra khoảng gần 4%. Chẩn đoán bệnh lao đối với trẻ em phải được chẩn đoán ở bệnh viện chứ không phải ở các chiến dịch cộng đồng. Khi đi cộng đồng mà gặp ca nghi lao ở trẻ em thì chúng tôi sẽ tư vấn, hướng dẫn họ nhập viện nội trú tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác bệnh lao ở trẻ em.

Sau khi phát hiện bệnh lao, vấn đề điều trị cũng thường gặp khó khăn. Thời gian điều trị bệnh lao là 6 tháng. Có những người do điều kiện kinh tế phải đi làm ăn xa, việc điều trị có thể gặp gián đoạn nếu ý thức không tốt. Những người như vậy chắc chắn sẽ bị tái phát lao.

Bệnh lao nếu phát hiện trễ, điều trị không đúng và đủ theo phác đồ, sẽ dễ để lại các di chứng, làm giảm chức năng hô hấp, dẫn đến suy tim, bệnh tim phổi mạn tính, thậm chí có thể tử vong. Người mắc lao không được phát hiện kịp thời có thể lây lan cho nhiều người khác. Do đó, phát hiện sớm bệnh lao là điều hết sức quan trọng.

Lời khuyên của Bác sĩ CKII Hà Hoàng Chính (ảnh trên) - Giám đốc Bệnh viện 30 tháng 4 tỉnh Sóc Trăng là: Nếu chúng ta có triệu chứng nghi lao như ho kéo dài, sốt, sục cân, ra mồ hôi đêm, đau ngực thì chúng ta nên đi khám tại các cơ sở y tế và đặc biệt là có thể chụp X quang phổi để kiểm tra xem có bị tổn thương lao hay không. Nếu không may bị mắc bệnh lao thì người bệnh phải tuân thủ phác đồ điều trị do nhân viên y tế hướng dẫn. Hiện nay phác đồ điều trị đã được cải tiến rất nhiều, hoàn toàn uống thuốc nên không ảnh hưởng nhiều đến công việc của người bệnh. Đối với những bệnh nhân phải đi làm ăn xa thì nhân viên sẽ tư vấn để tìm ra giải pháp điều trị bệnh.

Bệnh lao là 1 trong 10 nguyên nhân gây tử vong trên thế giới. Đây cũng là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất ở Việt Nam. Tuy nhiên, hầu hết bệnh lao có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện sớm, bệnh nhân tuân thủ đúng và đủ liệu trình điều trị. Tỷ lệ điều trị khỏi bệnh lao ở Việt Nam là trên 90% với những ca mắc mới và trên 70% với những trường hợp lao kháng thuốc. Sự nhận thức đúng và hành động của cộng đồng có ý nghĩa quan trọng trong phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh lao, từ đó giảm tỷ lệ lây nhiễm và tử vong vì lao./.

Mỹ Phương, Văn Dô


QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online