Sóc Trăng: Phát huy hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia (Lượt xem: 357)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Nông nghiệp - Nông thôn >> Nông thôn mới

Cập nhật: 04/02/2025

Là tỉnh có đồng bào dân tộc Khmer sinh sống nhiều nhất của cả nước, với hơn 30% dân số, những năm qua, Sóc Trăng đã nỗ lực trong thực hiện đồng bộ các giải pháp đầu tư cơ sở hạ tầng, huy động, lồng ghép các nguồn lực triển khai thực hiện hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG): xây dựng Nông thôn mới (NTM), Giảm nghèo bền vững và Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, cả 3 chương trình với các dự án, đề án thành phần đã thật sự là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy sự phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân, đặc biệt là người dân ở nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số.

Sóc Trăng: Phát huy hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia
Đầu tư xây dựng nhiều tuyến đường kết nối, lưu thông thuận tiện.

Mừng Xuân Ất Tỵ 2025, bà Thạch Thị Sà Kha cũng như hàng trăm hộ dân (chủ yếu là đồng bào dân tộc Khmer) ở ấp Phú Bình, xã Phú Tâm, huyện Châu Thành rất vui mừng vì tuyến đường đất hàng chục năm qua đã được thay thế bằng con đường đal dài hơn 1.800m, ngang 3,5m được đưa vào sử dụng từ nguồn vốn Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số, với tổng kinh phí hơn 5 tỷ đồng. Bà Kha nói: Trước đây đường đất mưa xuống sìn bùn rất khó đi nhưng bà con cũng phải chịu. Giờ được Nhà nước làm lộ, bà con rất vui mừng.

Tuyến đường đưa vào sử dụng trước Tết trong niềm vui của người dân địa phương.

Tuyến đường hoàn thành đã nối ấp Phú Bình với ấp Sóc Tháo, đặc biệt, kết nối với tuyến huyện lộ 97 ra Quốc lộ 1 cũng đang được khẩn trương xây dựng, hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội phát triển cho người dân địa phương, tạo sự khởi sắc trong đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng đồng bào dân tộc huyện Châu Thành. Ông Lý Quang Bình (ảnh dưới) cũng ở ấp Phú Bình, nói: Nhà nước đầu tư lộ đal cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bà con rất là mừng, hiến đất để làm lộ giúp bà con đi lại, buôn bán dễ dàng, kinh tế của người dân phát triển hơn trước.

Châu Thành là huyện có hơn 50% dân số là đồng bào dân tộc Khmer, tập trung nhiều ở các xã Thuận Hòa, An Hiệp, Phú Tân và Phú Tâm. Những năm qua, huyện đã lồng ghép khá hiệu quả các nguồn vốn đầu tư. Ngoài đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, năm 2024, huyện cũng đã tích cực giải ngân các Dự án, Tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển đổi nghề và nước sinh hoạt phân tán, ưu tiên đối với ấp đặc biệt khó khăn. Dự án 1 hỗ trợ nhà ở cho hơn 50 hộ thụ hưởng, hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, nước sinh hoạt phân tán cho 54 hộ. Tiểu dự án 2 Dự án 3 hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế cộng đồng cho 17 hộ ở thị trấn Châu Thành, xã An Hiệp và Phú Tân với mô hình Chăn nuôi Bò sinh sản. Ngoài ra còn giải ngân nguồn vốn thuộc các Tiểu dự án, Dự án trong Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững cho hơn 150 đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo thông qua mô hình nuôi Bò Sinh sản, chăn nuôi Heo thịt với tổng kinh phí hơn 6 tỷ đồng. 

Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo.

Từ các nguồn vốn hỗ trợ đã giúp các hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện vươn lên làm kinh tế; nhiều hộ nghèo vừa được nhận nhà vừa được hỗ trợ mô hình sản xuất đã nỗ lực vươn lên. Theo đó, cuối năm 2024, huyện chỉ còn 1,25% hộ nghèo, giảm 1,2% so với năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc Khmer giảm còn 1,63%. Giờ đây, Châu Thành đã là huyện Nông thôn mới (NTM) của tỉnh Sóc Trăng. Ông Trương Hán Nghiệp - Trưởng Phòng Dân tộc huyện Châu Thành, cho biết: Trong những năm qua, đặc biệt là trong năm 2024, Chương trình MTQG vùng đồng bào dân tộc thiểu số được bà con khá quan tâm. Dự án 1 về nhà ở, nước phân tán, chuyển đổi ngành nghề đã được giải quyết dứt điểm. Nhìn chung, người dân rất phấn khởi và cam kết phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững trong thời gian tới.

Năm 2024, từ hơn 510 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư cho Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Sóc Trăng đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Đã triển khai xây dựng hơn 60 công trình, gồm 54 công trình giao thông nông thôn, 4 công trình nhà sinh hoạt cộng đồng nhiều công trình mạng lưới chợ, đặc biệt đã đầu tư nâng cấp, cải tạo 8 trường Phổ thông dân tộc nội trú, gồm trường DTNT Huỳnh Cương và các trường DTNT tại các huyện: Kế Sách, Châu Thành, Thạnh Trị, Mỹ Xuyên, Trần Đề và Long Phú. Cùng với đó là nhiều hoạt động nhằm nâng cao năng lực cho y tế tuyến cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề.

Năm 2024, nguồn vốn cũng đã hỗ trợ đất ở cho hơn 30 hộ, nhà ở cho hơn 840 hộ, chuyển đổi nghề cho hơn 1.000 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho gần 500 hộ; xây dựng 4 công trình nước tập trung, qua đó, đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con vùng đồng bào dân tộc, tạo nên diện mạo mới cho vùng nông thôn, nhiều hộ nghèo, cận nghèo  vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số đón năm mới trong niềm vui khi vừa được hỗ trợ nhà ở vừa được hỗ trợ Bò sinh sản, có cuộc sống khấm khá hơn và đã tự nguyện xin thoát nghèo.

Năm qua, tỉnh Sóc Trăng cũng đã giải ngân hơn 95 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Thị xã Ngã Năm là một trong những địa phương có tỷ lệ giải ngân cao nhất, đạt hơn 99%. Từ nguồn vốn hơn 7 tỷ đồng được phân bổ, Ngã Năm đã tập trung thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, tổ chức 8 Dự án chăn nuôi cho hơn 150 hộ nghèo, cận nghèo, đến nay, tất cả những hộ được hỗ trợ đều phát huy hiệu quả mô hình, vươn lên thoát nghèo. Ông Huỳnh Văn Lơ (ảnh dưới) - Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội thị xã Ngã Năm, cho biết: Năm qua, thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Thị uỷ, UBND thị xã Ngã Năm đã có Nghị quyết và Kế hoạch để thực hiện. Trên cơ sở kết quả các Dự án và Tiểu sự án, Ngã Năm triển khai thực hiện khá đầy đủ các quy định, qua đó trong năm 2024 đã có 218 hộ thoát nghèo; 777 hộ thoát cận nghèo. Hiện nay, Ngã Năm còn 150 hộ nghèo.    

Đến cuối năm 2024, tỉnh Sóc Trăng chỉ còn hơn 4.400 hộ nghèo, chiếm 1,32%, so với năm 2023 giảm 1,22%, trong đó có hơn 1.960 hộ nghèo đồng bào dân tộc Khmer, chiếm 1,91%, giảm 1,95% so với năm 2023. Hiện nay, tỉnh còn hơn 17.000 hộ cận nghèo, chiếm 5,08%, so với năm 2023 giảm 1,38%. Kết quả thực hiện giảm tỷ lệ hộ nghèo là vượt so với kế hoạch đề ra. 

Năm 2024, cũng đánh dấu bước khởi sắc toàn diện của nhiều vùng nông thôn trong tỉnh khi nhiều địa phương đã thực hiện hoàn thành và được công nhận xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu. Cụ thể đã có thêm 3 xã đạt chuẩn NTM, 6 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 1 xã đạt NTM kiểu mẫu, nâng tổng số đến nay, toàn tỉnh có 74 xã đạt chuẩn NTM, đạt 102% so với chỉ tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy đến năm 2025, hoàn thành sớm 1 năm so với lộ trình đề ra; có 29 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đạt 91% so với chỉ tiêu Nghị quyết; 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, đạt 38% so với chỉ tiêu Nghị quyết; 5 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM gồm, thị xã Ngã Năm, thị xã Vĩnh Châu, huyện Mỹ Xuyên, huyện Cù Lao Dung và huyện Châu Thành, đạt 83% chỉ tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy; đạt 100% chỉ tiêu Trung ương giao về huyện NTM giai đoạn 2021 - 2025, sớm hơn 1 năm so với kế hoạch. Kết quả này đã minh chứng cho sự đổi thay, phát triển không ngừng của các vùng quê, đưa nông thôn tiến gần hơn với thành thị. Tại huyện Châu Thành, ông Trang Minh Trí (ảnh dưới)  ở xã An Hiệp, nói: sau 13 năm xây dựng NTM thì đường, trường, trạm đều được xây dựng khang trang, sạch đẹp để con em được đi học dễ dàng, người dân được chăm sóc sức khoẻ tốt hơn. Người dân Châu Thành vui mừng, phấn khởi vì sự phát triển của địa phương.

Giảm nghèo bền vững gắn với phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung luôn được Đảng, Nhà nước ta xác định là chủ trương nhất quán, xuyên suốt. Vì vậy, việc lồng ghép các nguồn lực nhằm hỗ trợ mô hình, cơ sở hạ tầng, nhà ở, đất ở, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đầu tư cơ sở hạ tầng,… để người dân nông thôn được tiếp cận, có điều kiện lao động sản xuất, khơi dậy tinh thần vượt khó, phấn đấu vươn lên. Đến nay, nhờ lồng ghép hiệu quả 3 Chương trình MTQG mà nhiều vùng nông thôn Sóc Trăng đã được đầu tư xây dựng, kết nối thông suốt, khang trang tạo tiền để phát triển kinh tế, phát huy lợi thế, tiềm năng địa phương. Đến nay, 100% đường xã trên địa bàn tỉnh được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, 94% đường ấp và đường liên ấp được cứng hóa đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm; 100% ấp đã có lưới điện quốc gia về tới trung tâm. Trên địa bàn nông thôn, có hơn 85% trường học các cấp đạt chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu, trong đó, có 80% trường học các cấp đạt chuẩn cơ sở vật chất mức độ 1 trở lên; 68,42% trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 trở lên. 80/80 xã có Nhà văn hóa; 80/80 xã có Trạm Y tế đủ điều kiện khám, chữa bệnh Bảo hiểm Y tế, 6/10 Trung tâm Y tế cấp huyện đạt chuẩn quốc gia; 100% xã có điểm phục vụ bưu chính, 100% xã có dịch vụ viễn thông, internet, 100% xã có Đài Truyền thanh và hệ thống loa đến các ấp… tất cả đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số.

Trường đạt chuẩn quốc gia.

Với mục tiêu tổng thể là nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, thu hẹp dần khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, 3 Chương trình MTQG đã thực sự là đòn bẫy quan trọng, tạo động lực phát triển mới cho vùng nông thôn, để mỗi mùa Xuân về, làng quê Sóc Trăng lại không ngừng đổi mới, người dân có cuộc sống ấm no, đủ đầy; mọi người, mọi nhà đầm ấm, sung túc./.

Ánh Phúc, Bảo Quân  

Tag:

QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online