Sóc Trăng chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản khai thác (Lượt xem: 1591)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Nông nghiệp - Nông thôn >> Khuyến Nông - Khuyến Ngư

Cập nhật: 15/11/2022

Với thế mạnh là nghề nuôi thuỷ sản, ngư trường đánh bắt rộng lớn ở Biển Đông, nhiều năm qua, nghề khai thác thủy, hải sản của tỉnh Sóc Trăng cũng đã phát triển mạnh với sản lượng khai thác đạt gần 70.000 tấn/năm. Tuy nhiên do những yêu cầu gắt gao của Ủy ban châu Âu (EC) về việc cấp chứng nhận an toàn thực phẩm cho tàu cá nên ngành này đang tồn tại nhiều khó khăn.

Sóc Trăng chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản khai thác
Khu vực Cảng.

Xác định rõ, quản lý an toàn thực phẩm cho tàu cá là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để cùng cả nước tháo gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu, thời gian qua, Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng đã tăng cường công tác tuyên truyền, thường xuyên tổ chức kiểm tra, thẩm định để vừa chấp hành tốt khuyến nghị của Ủy ban châu Âu, vừa góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm khai thác.

Các chủ tàu cá vận chuyển sản phẩm đánh bắt từ hầm chứa của tàu lên Cảng.

Nếu như trước đây, người tiêu dùng chỉ cần thấy con cá, tôm, mực... còn tươi, nguyên là cho rằng đạt yêu cầu và yên tâm mua về chế biến các món ăn cho gia đình thì ngày nay, yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thủy sản khai thác rất khắt khe, cả trong và ngoài nước.  

Nhằm thúc đầy tiêu thụ sản phẩm thủy sản cả ở thị trường nội địa và quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư 01 năm 2022 sửa đổi, bổ sung một số Thông tư thủy sản, quy định hồ sơ kiểm tra tàu cá rời cảng phải có Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, nếu không thì tàu cá đó sẽ không được ra khơi khai thác. Từ các quy định cụ thể, rõ ràng trong các văn bản quy phạm pháp luật, thời gian qua, Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng đã quyết liệt triển khai công tác tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân thực hiện các quy định để được cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, tức là phải đảm bảo tuân thủ đầy đủ nhiều chỉ tiêu về: Thiết bị làm lạnh, Hầm bảo quản, Khu vực vệ sinh của thuyền viên,...

Ngành chuyên môn thông tin về đảm an toàn thực phẩm tàu cá cho anh Trịnh Minh Thuận (giữa).

“Trước khi tàu cá ra khơi, hầm chứa phải có nước đá đầy đủ và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Sản phẩm khi đánh bắt lên là cho ủ đá ngay để bảo quản nên đảm bảo luôn sạch, an toàn và giữ được độ tươi lâu hơn khi mang lên bờ”, anh Trịnh Minh Thuận - Người dân ở thị trấn Trần Đề, cho hay. 

Tại Cảng cá Trần Đề đã lắp đặt các Bảng quy định rõ về việc giữ gìn vệ sinh chung tại khu vực bốc dở hàng hóa qua Cảng và các điều kiện đảm bảo để tàu cá được cấp chứng nhận an toàn thực phẩm. Thùng chứa rác cũng được bố trí để phân loại rác thải sinh hoạt, rác thải tái chế và rác thải nguy hại. Sản phẩm khai thác từ hầm chứa chuyển lên Cảng đều được rửa bằng nước sạch trước khi đưa đến nơi tiêu thụ. Điều này đã nâng cao ý thức chấp hành tốt các điều kiện về an toàn thực phẩm cho chủ tàu cá và ngư dân trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm cho sản phẩm thủy sản khai thác.

“Khi tàu cập Cảng, tôi lót bạt dưới nền rồi mới chuyển cá lên. Cá được phân loại cũng cho hết vào khay. Lên hàng xong, tôi vệ sinh sạch nơi mình vừa lên hàng. Làm như vậy sản phẩm sẽ đảm bảo an toàn vệ sinh”, anh Trần Quốc Trọng (ảnh, áo thun đỏ) - Người dân ở thị trấn Trần Đề, cho biết thêm.

Chuẩn bị nước đá trước khi ra khơi.

Tính đến nay, Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng đã cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho 336/338 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên, đạt 99,4%. Chi cục sẽ tiếp tục rà soát, phân loại, vận động chủ tàu ký cam kết, khẩn trương thực hiện các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trên tàu cá. Đồng thời, tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật bảo quản hải sản sau khai thác, nhằm nâng cao chất lượng hải sản, đảm bảo an toàn thực phẩm trên tàu cá; khuyến khích ngư dân khai thác vùng biển xa thành lập các Tổ hợp tác để tương trợ nhau trong quá trình khai thác, bảo quản và tiêu thụ hải sản.

Bà Quách Thị Thanh Bình (ảnh) - Chi cục trưởng, Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng cho biết: Hướng tới về phía Chi cục Thủy sản sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để chủ tàu cá và ngư dân nhận thức rõ hơn về đảm an toàn thực phẩm cho tàu cá. Đồng thời, phối hợp tốt với Cảng cá và Chi cục Thủy sản của các tỉnh, rà soát lại các tàu cá đang hoạt động ngoài tỉnh để đảm bảo công tác kiểm tra an toàn thực phẩm cho tàu cá được thực hiện thường xuyên, liên tục, đạt 100%. Quan tâm tổ chức thêm các lớp tập huấn để chủ tàu cá và người dân nâng cao hiểu biết, nhằm giúp họ vừa khai thác vừa bảo quản được sản phẩm, đảm bảo an toàn, chất lượng theo hướng nhanh, lạnh, sạch, truy xuất được nguồn gốc.

Tính đến tháng 10/2022, Sóc Trăng có 998 tàu đánh bắt, trong đó có 338 tàu cá có chiều dài lớn nhất 15m trở lên hoạt động khai thác thủy sản xa bờ, thời gian bám biển dài hơn. Do đó, việc trang bị kiến thức cần thiết về an toàn vệ sinh thực phẩm thủy sản khai thác là điều rất quan trọng cho chủ tàu cá, giảm tổn thất cho ngư dân, đảm bảo truy xuất nguồn gốc thủy sản./.

Bình Trọng - Ngọc Thơ


QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online