Sóc Trăng chủ động ứng phó sạt, lở (Lượt xem: 234)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Nông nghiệp - Nông thôn

Cập nhật: 16/05/2025

Thời gian gần đây, tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long tình hình sạt, lở tiếp tục diễn biến phức tạp. Tại tỉnh Sóc Trăng, nhất là tại các địa phương nằm dọc theo sông Hậu, như các huyện Long Phú, Kế Sách, Cù Lao Dung có nguy cơ cao xảy ra sạt, lở. Trong điều kiện hạn chế về kinh phí để triển khai giải pháp công trình, từng địa phương đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để nâng cao năng lực ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại khi có sự cố xảy ra.

Sóc Trăng chủ động ứng phó sạt, lở
Người dân dùng biện pháp tạm thời để phòng, chống sạt, lở.

Với địa hình bốn bề sông nước cùng tuyến đê bao Tả Hữu có chiều dài hơn 80 km trải dài trên sông Hậu, do tác động từ sóng và xâm thực nên nhiều khu vực xung yếu ở huyện Cù Lao Dung thường xảy ra tình trạng sạt, lở nhất là ở xã Đại Ân 1 và xã An Thạnh Đông.

Trong điều kiện kinh phí hạn chế, để chống xói mòn, tạo bãi bồi ven sông và phát triển các mô hình sinh kế về sau, địa phương ưu tiên thực hiện giải pháp trồng cây chắn sóng tại khu vực ấp Đền Thờ, xã An Thạnh Đông với 10 ha cây Bần được trồng, chăm sóc, phát triển tốt đã hình thành nên “hàng rào sinh học” giúp hạn chế tác động của sóng đánh trực tiếp vào thân đê. Giải pháp này nhận được sự đồng tình, hưởng ứng tích cực từ người dân sinh sống ven khu vực.  

“Ngoài ra, đối với những điểm sạt, lở xung yếu có nguy cơ cao, địa phương cũng tiến hành cho gia cố tạm để hạn chế ảnh hưởng đến thân đê. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, cắm bảng cảnh báo, giăng dây để hạn chế phương tiện và người dân lưu thông trên những khu vực này. Địa phương cũng đã đề xuất tỉnh quan tâm, bố trí nguồn kinh phí làm kè đá để ứng phó sạt, lở trong thời gian lâu dài hơn...”, ông Nguyễn Văn Đắc - Trưởng Phòng NN và MT huyện Cù Lao Dung, cho biết thêm.

Trồng cây Bần chắn sóng đánh vào thân đê ở huyện Cù Lao Dung.

Tại huyện Long Phú, xã Phú Hữu có hệ thống sông ngòi chằng chịt, địa hình nằm ven sông Saintard, nền đất yếu. Khi lưu lượng dòng chảy mạnh kết hợp mưa lớn, các khu vực này có nhiều điểm tiềm ẩn nguy cơ sạt, lở rất cao. Để ứng phó hiệu quả trong mùa mưa, bão sắp tới, chính quyền địa phương đã tích cực vận động người dân sinh sống ven sông, kênh, rạch chủ động gia cố, bồi trúc, tận dụng các vật liệu sẵn có như cọc tràm, bao cát, đá,… để giữ bờ, bảo vệ đất. Đồng thời đốn hạ những cây lâu năm để tránh gió mạnh gây đổ ngã, kéo theo sạt, lở bờ sông. “Thời gian tới, Đảng uỷ xã sẽ chỉ đạo Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự địa phương tập trung tuyên truyền, nâng cao ý thức để người dân cắt tỉa cây to tán lớn nhằm hạn chế sạt; thường xuyên kiểm tra những nơi xung yếu để phát hiện những dấu hiệu, biểu hiện sạt, lở để khắc phục kịp thời, tạo điều kiện cho người dân sản xuất, vận chuyển hàng hóa, con em đi học dễ dàng trong thời điểm mưa, bão”, ông Nguyễn Văn Dễ (ảnh dưới) - Bí thư Đảng ủy xã Phú Hữu, huyện Long Phú, nói.

Trung bình mỗi năm, tỉnh Sóc Trăng ghi nhận hàng chục điểm sạt, lở nguy hiểm, nhất là khu vực từ ranh Bạc Liêu đến Cống số 4, khu vực K39 - K45 (thuộc tuyến đê biển Vĩnh Châu); các tuyến đê sông thuộc xã An Mỹ và Thới An Hội (huyện Kế Sách) và nhiều đê Cồn nằm trên Sông Hậu. Hiện nay, dưới tác động của biến đổi khí hậu thì điều đáng lo ngại là tình trạng sạt, lở đê sông, đê biển không chỉ xảy ra vào mùa mưa lũ mà cả trong mùa khô. 

Theo đó, Cơ quan chuyên môn của tỉnh đã rà soát, đánh giá hiện trạng, đề xuất triển khai các phương án ứng phó phù hợp với điều kiện ngân sách tỉnh cũng như nguồn lực thực tế của từng địa phương. Theo ông Phạm Tấn Đạo (ảnh dưới) - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng, cho biết hiện nay, trên tuyến đê biển Vĩnh Châu cần phải đầu tư thêm công trình cứng hóa mái đê và trồng rừng để khôi phục đai rừng phòng hộ nhằm đảm bảo an toàn thân đê ở khu vực K39 - K45. Riêng tại Kế Sách, tỉnh cũng đã kiến nghị Bộ NN&MT hỗ trợ kinh phí để thực hiện công trình chống sạt, lở ở khu vực sông Rạch Mọp và khu vực An Mỹ. Đối với các Cồn trên sông Hậu như là Phong Nẫm, An Tấn, An Công và Cù Lao Dung, Sở NN&MT đã tham mưu cho UBND tỉnh đề xuất cấp trên xây dựng kiên cố hóa, bồi trúc đê để đảm bảo an toàn cho diện tích sản xuất của người dân trong mùa mưa bão sắp tới.

Trước áp lực kinh phí để thực hiện giải pháp công trình có quy mô lớn, nằm ngoài khả năng của tỉnh, chính quyền địa phương và người dân đã chủ động thực hiện những “giải pháp mềm” trong ứng phó sạt lở, giảm nhẹ thiên tai trên tinh thần “lấy phòng ngừa là chính”. Đồng thời, tỉnh Sóc Trăng vẫn đang tiếp tục nỗ lực triển khai các giải pháp đồng bộ để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân trước diễn biến thời tiết cực đoan, góp phần chung tay cùng cả nước thực hiện thành công chiến lược quốc gia về phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050./.

 Trọng Phước, Ngọc Thơ

Tag:

QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - BÁO VÀ ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online