Rau an toàn- Khó khăn cho người sản xuất và tiêu dùng (Lượt xem: 2286)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Doanh nghiệp - Người tiêu dùng >> Người tiêu dùng

Cập nhật: 27/04/2016

Trước lo ngại về rau, củ, quả nhiễm hóa chất có hại cho sức khỏe, thì một nghịch lý là người tiêu dùng rất khó tìm nơi để mua rau an toàn, trong khi người trồng rau an toàn lại chật vật tìm nơi tiêu thụ. Qua tìm hiểu được biết, trong việc triển khai các mô hình trồng rau an toàn, thì chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn chỉ chú trọng xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, kỹ thuật nhưng lại chưa quan tâm nhiều đến việc tuyên truyền, vận động, tìm đầu ra cho sản phẩm, giúp người tiêu dùng biết và tìm đến sản phẩm rau an toàn được chứng nhận.

Rau an toàn- Khó khăn cho người sản xuất và tiêu dùng
Sản xuất rau an toàn - đang gặp khó khăn cho người sản xuất.

Trước mối lo ngại về rau, củ, quả nhiễm hóa chất, có hại cho sức khỏe, người tiêu dùng luôn tìm cách để mua được phẩm rau, củ “sạch” cho bữa ăn gia đình. Nhưng nếu ra chợ thật không dễ phân biệt được đâu là rau an toàn hay không an toàn. Ở Sóc Trăng, ngoài siêu thị Coopmart ra, thì không dễ tìm được cửa hàng rau an toàn ở các khu chợ.  

Theo báo cáo của Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, thực hiện đợt cao điểm hành động năm an toàn VSTP trong lĩnh vực nông nghiệp, năm 2015, các tỉnh, thành phố trong cả nước đã tiến hành kiểm tra và lấy mẫu kiểm nghiệm hơn 6.000 mẫu rau, quả, trái cây, trong đó có 326 mẫu bị nhiễm chất cấm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt giới hạn cho phép. Chính vì lẽ đó mà năm 2016 được chọn làm năm cao điểm an toàn vệ sinh thực phẩm, để thắt chặt việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên rau quả, giảm tỉ lệ tồn dư ở mức 10%. Ông Lâm Minh Hà ở ấp Đại Nghĩa Thắng, huyện Mỹ Xuyên, cho biết: “Nếu nông dân phun xịt đúng thuốc trừ sâu bệnh thì hiệu quả kéo dài trên 10 ngày mới phun xịt tiếp. Còn nếu sử dụng không đúng thuốc thì sâu bệnh không hết bắt buộc phải phun xịt liên tục. Lúc đó lượng thuốc tồn dư trong rau rất nhiều. Nên làm rẫy, nông dân phải nhận biết đúng loại sâu bệnh để sử dụng thuốc cho đúng, thì mới có thể giảm được chi phí đầu tư, sản phẩn rau mới tương đối an toàn”.

Mặc dù từ năm 2005, ngành Nông nghiệp Sóc Trăng đã rất chú trọng đến việc hướng dẫn, vận động nông dân trồng rau an toàn và đã xây dựng được một số mô hình trồng rau trong nhà lưới, trồng rau sạch theo hướng Vietgap, tổ chức theo Hợp tác xã, Tổ hợp tác. Tuy nhiên trong quá trình sản xuất, nhiều mô hình trồng rau an toàn gặp khó khăn, nhất là về giá cả và đầu ra. Còn về phía các cơ quan chuyên môn cũng chưa có giải pháp đầu ra cho các loại rau an toàn, mà chính họ là những người đã xây dựng. Vậy là rau an toàn mua ở đâu? Sao biết được đó là rau an toàn? Tất cả đều do người tiêu dùng tự quyết định bằng kinh nghiệm bản thân. Bà Trần Thị Thanh - Chủ cơ sở bán rau quả ở Chợ Phường 2, thành phố Sóc Trăng, cho biết: “Rau sạch là rau phải có thời gian cách ly phân, thuốc đúng quy định, nên đa số các sản phẩm rau sạch đều không có mẫu mã đẹp. Có nhiều người mua đến hỏi thì mình giải thích đây là rau sạch, nhưng khách chỉ coi rồi bỏ đi. Cái khó là mình chỉ giải thích mà không có gì để chứng nhận đây là rau sạch cho khách hàng tin tưởng”.

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng, hiện nay diện tích trồng rau an toàn của tỉnh không lớn lắm, nhiều nhất là huyện Châu Thành với 7 mô hình, Thạnh Trị 4 mô hình và để phần nào giúp cho nông dân trồng rau an toàn trong nhà lưới có được thị trường tiêu thụ, huyện Thạnh Trị đã cấp miễn phí 1 sạp bán rau an toàn cho các hộ trồng rau an toàn cung cấp. Tuy nhiên đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời, ông Tăng Thến ở ấp Trung Thành, xã Tuân Tức, cho rằng: “Cái khó của người trồng rau sạch là khi mang sản phẩm ra chợ bán không có gì để chứng nhận đây là rau sạch, nên giá bán cũng chỉ bằng với các loại rau khác. Nếu có thể, thì Ngành Nông nghiệp có biện pháp nào đó để xác nhận, giúp người tiêu dùng an tâm sử dụng và sản phẩm sạch của nông dân cũng dễ tiêu thụ và bán đúng giá hơn”.

Ngành chức năng đến kiểm tra quy trình sản xuất rau an toàn của hộ ông Huỳnh Thành Thế.

Ông Huỳnh Thành Thế ở ấp Phước Hòa A, huyện Cù Lao Dung, sau thời gian được học lớp trồng rau an toàn theo mô hình VietGap ở thành phố Hồ Chí Minh, ông về quê trồng 2 công màu theo mô hình này. Ông Thế cho biết, cách trồng theo mô hình VietGap là chỉ bắt sâu, làm cỏ, nhổ bỏ những cây bị sâu, chỉ dùng chế phẩm sinh học. Đây là mô hình duy nhất của huyện Cù Lao Dung. Để chứng minh cho rau mình trồng là tuyệt đối an toàn, không sử dụng thuốc trừ sâu, không dùng hóa chất cấm, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, ông Thế đã mời những bạn hàng đến tận rẫy rau xem để có thể nâng giá cao hơn chút ít so với các loại rau khác, nhưng cũng không thương lái nào chấp nhận, vì người tiêu dùng tại chợ cũng không tin, còn ông không có một chứng nhận nào để cho người ta tin mình. Ông Thế chia sẻ: “Gía rau sạch hiện nay cũng chỉ bán bằng với giá rau không an toàn, mình nói đây là rau sạch nên giá bán cao hơn nhưng người tiêu dùng lại không tin tưởng. Do đó cái khó của chúng tôi là về giá cả, vì nếu trồng rau sạch mà bán thấp quá thì không có lời”. Anh Trần Vĩnh Nghi - Phó Phòng Bảo vệ thực vật, Chi cục BVTV tỉnh cho biết: “Hiện nay chúng ta chưa có nhiều tổ chức, đơn vị quan tâm đến sản xuất rau an toàn. Hiện toàn tỉnh chỉ mới có 3 đơn vị đến xin và chúng tôi đã cấp giấy đủ điều kiện sản xuất rau an toàn cho các đơn vị trên. Về thủ tục cấp, thì khi các đơn vị, tổ chức có nhu cầu, chúng tôi sẽ thành lập đoàn đến khảo sát và đánh giá, khi nhận thấy đã đủ điều kiện thì chúng tôi tiến hành cấp giấy”.

Để rau an toàn phát triển bền vững, ổn định đầu ra cho nông dân, tỉnh Sóc Trăng cần có cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này; tăng cường công tác kiểm tra, hỗ trợ cấp chứng nhận cho mô hình rau sạch. Việc làm này vừa mang lại tính minh bạch cho người trồng rau sạch, vừa để bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng./.

  Tiến Sĩ


QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online