QUÊ HƯƠNG LÀ CÁNH ĐỒNG LÚA (Lượt xem: 12178)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Cuộc thi " Viết về cánh đồng Quê Hương"

Cập nhật: 04/07/2017

Cánh đồng quê tôi không mênh mông bát ngát, không màu mỡ phù sa, nhưng tại nơi đây, biết bao giọt mồ hôi đã đổ xuống để hạt giống lên mạ, những người nông dân nhọc lòng chăm sóc để cây lúa đơm bông và những đôi bàn tay nâng niu để bông lúa trĩu hạt, để tôi có được chén cơm đầy chan chứa yêu thương.

 QUÊ HƯƠNG LÀ CÁNH ĐỒNG LÚA
Quê hương là cánh đồng lúa

 

          Người ta hay bảo nhau rằng: “Quê hương là chùm khế ngọt, quê hương là con đò nhỏ,…”, với tôi quê hương cụ thể và đơn giản hơn: “Quê hương là cánh đồng lúa”.

Cánh đồng quê tôi không mênh mông bát ngát, không màu mỡ phù sa, nhưng tại nơi đây, biết bao giọt mồ hôi đã đổ xuống để hạt giống lên mạ, những người nông dân nhọc lòng chăm sóc để cây lúa đơm bông và những đôi bàn tay nâng niu để bông lúa trĩu hạt, để tôi có được chén cơm đầy chan chứa yêu thương. Cánh đồng gắn với bao kỷ niệm vui buồn của cả gia đình tôi. Với tôi, buồn vui nơi cánh đồng thì chỉ với mấy con diều, quả bóng, những trò chơi quê nghèo, nhưng với ba mẹ cánh đồng là những nụ cười được mùa, những giọt nước mắt khi lúa rớt giá, và những lo âu khi con nước lên, khi mùa mưa kéo đến lúc gần thu hoạch, khi dịch hại tấn công cây lúa. Còn nhớ mấy năm trước, lúa trúng mùa được giá làm dân đồng tôi ai cũng vui mừng, phấn khởi, nhưng chưa được bao lâu thì trời lại phụ lòng người, trước thu hoạch mấy ngày, cơn mưa lớn kéo dài đã làm cả đồng lúa vàng ươm tươi tốt ngã sập, rồi lên mầm, làm hi vọng của dân đồng tôi theo dòng nước mưa mà trôi đi mất, mấy ông thương lái cứ lắc đầu rồi kèo nài không chịu mua lúa, cha tôi giận lắm không thèm năn nỉ mấy ổng, người dân chỉ còn biết bán lúa cho mấy người nuôi vịt chạy đồng, giá rẻ như cho, ai cũng than trời trách đất, lại một mùa đói đeo bám.

Năm ấy, đốt đồng xong ai nấy đều lắc đầu buồn bã, khóe mắt cay cay, nói với nhau nhất quyết bỏ trồng lúa, trồng gì thì trồng chứ không trồng lúa nữa, cứ lỗ lã hoài ai chịu nổi đây, tôi thì chưa biết gì về buồn vui mùa lúa nhưng khóe mắt, sống mũi cũng cay vì làn khói đồng xông vào mặt, nhưng tôi hiểu được là năm sau đồng mình không trồng lúa nữa, tôi thấy vui vui, hay là trồng sen, trồng cam, cứ ra là có ăn chứ cây lúa ăn chả ngon lành gì lại khó trồng khó chăm, tôi nghĩ vậy một cách ngây thơ.

Rồi một vụ mùa lại tới, tôi chờ đợi ngày cây sen sẽ mọc khắp đồng nhưng lại thất vọng khi người ta lại trồng lúa, ba tôi cũng trồng lúa. Tôi không hiểu, sao cứ phải trồng lúa, cứ là cây lúa mãi, nhưng giờ thì tôi hiểu ra rồi. Đồng này từ bao đời nay ông bà để lại chỉ biết trồng lúa nếu bỏ lúa thì biết trồng cây gì, điều quan trọng là nghề trồng lúa đã ăn sâu vào tìm thức, máu thịt của người dân nơi đây, lỗ thì lỗ nhưng không ai bỏ được, với lại trồng lúa không được giàu sang nhưng không bấp bênh, năm nào cũng có gạo ăn khỏi phải mua vì lúa thì rẻ mà gạo thì mắc lắm, có ăn vậy là mãn nguyện rồi. Vậy là mặc kệ nhiều nơi người ta chuyển sang trồng màu, trồng sen, cây ăn trái,… dân quê tôi vẫn kiên trì với cây lúa. Sự kiên trì cần mẫn cuối cùng cũng được đền đáp, vài năm sau đó và đến tận bây giờ, giá lúa ổn định hơn, nhà nước thì quan tâm cho kỹ sư về vườn dạy dân cách trồng lúa, áp dụng các biện pháp sinh học, ruộng lúa bờ ao, thu hút thiên địch, giảm phân thuốc,cơ giới hóa việc gieo xạ và thu hoạch,… nhờ vậy năm nào đồng lúa quê tôi cũng bội thu, năng suất chất lượng tăng cao rõ rệt, đời sống người nông dân ngày càng được nâng cao, ai nấy đều vui mừng. Cha tôi thì trồng lúa lấy gạo ăn, phần lời thì cho mẹ nuôi heo với làm thêm mảnh vườn, ấy vậy mà nuôi được hai thằng con ăn học thành tài, nhà cửa sung túc. Cha tôi còn nghe đồn mấy nơi bỏ cây lúa chuyển sang trồng màu, trồng rẫy bị mất mùa, thất bại nặng do chưa nghiên cứu kỹ về giống cây và thị trường, thiếu kinh nghiệm canh tác, bụng bảo dạ may mà không bỏ cây lúa.

Nếu năm ấy mà đồng tôi bỏ trồng lúa thì chưa chắc gì hôm nay tôi có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc, dân nơi đây chắc còn chưa hết bị cái nghèo đói đeo bám, ai nấy đều rút ra được bài học: đất nào cây nấy, đừng thấy người khác canh tác hiệu quả lại làm theo, dù trồng cây gì đi chăng nữa thì cũng phải có kinh nghiệm, hiểu biết đặc thù về từng giống cây để canh tác có hiệu quả, dân nơi đây không bỏ cây lúa là vì niềm tin, sự kiên nhẫn chứ không phải bỏ đi cơ hội làm giàu. Và cũng từ những câu chuyện như vậy tôi đã biết quê hương mình là cánh đồng lúa xanh tươi. 


TIN LIÊN QUAN

QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online