Quê em mùa gặt (Lượt xem: 3174)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Cuộc thi " Viết về cánh đồng Quê Hương"

Cập nhật: 05/01/2017

Tuổi thơ tôi gắn liền với dòng sông quê xanh mát, với từng làn khói bếp cứ mỗi sáng, mỗi chiều mẹ bắt bếp thổi cơm, với những cây cầu khỉ cheo leo bắt tạm bợ qua từng con sông lớn, nhỏ và với những cánh đồng lúa bao la bất tận mà cứ tới chiều chiều tôi lại thích ra đó thả diều.

Quê em mùa gặt
Quê em mùa gặt
(Nguyên bản của tác giả)  
Chiều về ngắm cảnh đồng quê
Mênh mông cò lượn bốn bề xốn xang
Một màu thảm lúa dát vàng
Bồi hồi hoài niệm những trang sách đời
Tuổi thơ tôi gắn liền với dòng sông quê xanh mát, với từng làn khói bếp cứ mỗi sáng, mỗi chiều mẹ bắt bếp thổi cơm, với những cây cầu khỉ cheo leo bắt tạm bợ qua từng con sông lớn, nhỏ và với những cánh đồng lúa bao la bất tận mà cứ tới chiều chiều tôi lại thích ra đó thả diều.
Tuổi thơ của tôi cũng như những đứa bạn cùng trang lứa làm gì biết đến những cái điện thoại sành điệu hay các trò chơi điện tử thông minh như những đứa trẻ bây giờ. Phần là vì khi đó các loại đồ chơi vẫn còn chưa thịnh hành, phần là vì hoàn cảnh con nhà nghèo nên làm sao có đủ tiền để mua các loại đồ chơi đắt tiền như thế. Vì vậy mà đám trẻ chúng tôi ngoài giờ học ra là cứ long nhong ở suốt ngoài đồng, nhất là những lúc cánh đồng vừa mới gặt hái xong. Ngoài ruộng, từng đống rơm chất cao như núi đã trở thành một căn nhà rơm yêu thích của chúng tôi. Bọn tôi leo lên rồi tụt xuống không biết bao nhiêu lần mà vẫn không thấy chán, có lúc thì khoét lỗ rồi chui tuốt vào sâu bên trong để chơi trò nhà chòi. Rồi từ lúc nào cánh đồng lúa đã trở thành một người bạn thân thiết nhất của tôi cũng chẳng biết. 
Có thể nói quê tôi vui nhất là vào mùa gặt lúa. Có người còn so sánh ví von bằng những câu thơ thật đẹp.
Tháng mười về lúa chín cả đồng quê
Những thửa ruộng vàng ong như trải thảm
Tiếng máy chạy ầm vang cả thôn xóm
Bờ tre xanh mấy đám trẻ nô đùa
Không khí mùa gặt thật rộn ràng, tưng bừng cả xóm vì hồi đó chưa có máy gặt đập liên hợp, người dân thường gặt lúa bằng tay nên cần rất nhiều nhân công. Chính vì vậy mà cứ đến mùa lúa chín là lại có rất nhiều người từ nơi xa đến xin gia nhập vào đội cắt lúa mướn hay còn gọi là “dàn công”. Thấy vậy, chứ đội cắt lúa mướn lúc đó cũng bài bản lắm, có một người làm đội trưởng, có người cắt lúa, người gom lúa, máy suốt…….mỗi người, mỗi việc cứ như vậy mà thu hoạch xong từ cánh đồng này sang cánh đồng khác.
Không khí ngày gặt được bắt đầu từ lúc trời mới tờ mờ sáng, khi những giọt sương còn mải mê uốn mình trên những ngọn cỏ xanh rờn thì trên những bờ đê đã nghe giòn giã tiếng cười nói của những người đi cắt lúa. Đi sớm vậy thôi chứ khi đến ruộng thì trời cũng đã nhá nhem sáng. Mọi người ai nấy tay cầm lưỡi hái, đôi tay cứ thoăn thoắt cắt nhanh từng nhúm lúa vàng đang uốn mình trong nắng sớm. Mặt trời vừa nhô lên cao cũng là lúc mọi người gom lúa để suốt, tiếng máy suốt vừa nổ tục…tục…tục là vang dậy cả cánh đồng, người thì cố nhanh tay cắt cho xong những thảm lúa vẫn còn đang dang dở, người thì thoăn thoắt đôi tay ôm nhanh từng bó lúa để suốt cho kịp ngày, mấy em bé trong xóm cũng đua nhau bắt những con cá rô, cá sặc còn đang quẫy tung tóe trong những vũng nước nhỏ ở trên đồng. Tuy quần áo, đầu tóc lấm lem dính toàn bùn đất nhưng cái miệng lại cười hớn hở với những giỏ cá bắt được trên tay. Đám nhóc tụi tôi thì lại thích đi mót lúa hơn, chúng tôi nhặt từng cọng lúa còn sót lại trên ruộng, đến cuối ngày thì hợp lại rồi đem vò lấy lúa để đổi món bánh lọt nước cốt dừa của dì bảy.
Cánh đồng vừa gặt xong lập tức diễn ra cuộc thi bắt chuột đồng. Những con chuột đồng bị phá hang nên cứ chạy nhốn nháo trên khắp ruộng. Nhưng dù các chú ấy có chạy nhanh đến đâu thì cũng không thoát khỏi cảnh trở thành các món mồi nhậu đầy hấp dẫn của các anh “dàn công”.
Một ngày làm việc vất vả trên cánh đồng đến chập tối mọi người ngồi quây quần bên nhau vừa nhấm nháp món thịt chuột đồng chiên vừa cùng nhau kể chuyện đời thường. Bọn trẻ chúng tôi cũng tham gia góp mặt để nghe người lớn kể chuyện. Mặc dù cứ mỗi lần nghe xong là mấy đứa tôi lại không dám về nhà. Các chú kể toàn chuyện ma nhưng chuyện nào cũng hay hết và cứ mỗi lần có một cơn gió thổi qua cây đèn dầu nó cứ chớp tắt, chớp tắt là chúng tôi lại co rúm lại như những chú gà con cứ muốn cố nấp vào cánh mẹ. Cuộc trò chuyện kéo dài đến tận đêm khuya khi ông trăng đã nhô lên cao, tiếng cười nói giòn giã như làm sống động cả một không gian của miền quê yên tĩnh, những nụ cười luôn hé nở trên nét mặt của mỗi người dù cho ngày mai chắc chắn lại là một ngày mệt nhọc trên đồng ruộng, dù cho tận sâu thẳm trong lòng mỗi người là một nỗi nhớ nhà, nhớ quê đau đáu nhưng vì cuộc sống mưu sinh mà phải tha hương cầu thực nơi xứ người.
Thời gian cứ mãi thoi đưa, đã bao lần trăng tròn rồi lại khuyết giờ đây với cuộc sống hiện đại, trên đồng ruộng từng chiếc máy gặt đập liên hợp đã ra đời để thay thế sức lao động của con người, cánh đồng lúa vẫn vàng tươi, trĩu bông nặng hạt, mùa gặt hái vẫn diễn ra theo đúng các thời vụ nhưng duy nhất chỉ có âm thanh rộn ràng của mùa gặt hái ngày nào dường như đã dần dần theo cơn gió, theo những cánh chim mà bay đi xa mãi, xa mãi nơi cuối trời…

Họ và tên: Trà Thị Mỹ Yến
Địa chị: Trường Cao đẳng Sư phạm Sóc Trăng
 
 

TIN LIÊN QUAN

QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - BÁO VÀ ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online