Phú Lộc - Trần Huy Minh Phương (Lượt xem: 521)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Cuộc thi " Viết về cánh đồng Quê Hương"

Cập nhật: 23/02/2017

Tôi đi đâu cũng không quên mình là người con của Phú Lộc. Giấc ngủ đón tôi bằng thanh âm của những buổi trưa đồng nơi thị trấn ấy. Và chúng bắt đầu văng vẳng… để mai vàng đang bung xòe chào một mùa mới khai nguyên, chờ những đứa con xa trở về. Tôi chuẩn bị về nhà trong giấc mơ Phú Lộc bung ra trong ngần, trong ngần những mùa hoa…

Phú Lộc - Trần Huy Minh Phương
Cánh đồng quê hương

                    (Nguyên bản của tác giả) 

                  Tôi chưa thật sự rời khỏi thị trấn một phút giây nào.

Nơi tôi đã chào đời bằng tã lót của đoạn sông vắt ngang chợ lao xao tiếng người của xã giao, mua bán, tán dóc, nghe ngóng, học làm giàu, nông dân thứ thiệt, giàu kiểu nửa nạc nửa mỡ, dân trí chưa định danh bằng con số thật sự cụ thể mà có thể nghĩ nôm na nó đang trong buổi nửa thị nửa quê… Mặt đường nhựa nâng những vòng xoay đều của bốn bánh xe, tiếng cót két vặn vẹo của chúng ngỡ như mối ăn cột nhà ri rỉ trộn cùng mùi mồ hôi của ai đó đang dùng sức đạp chở chúng tôi về nhà. Chiếc xe đạp hai bánh được chế thêm cái thùng lõm phía sau có một trục xoay hai bánh to hơn hai bánh trước của chiếc xe đạp, đầu cái thùng lõm ấy được móc vào yên xe và nó dĩ nhiên được gọi tên: Xe Vua. Vậy mà tôi chỉ toàn nghe: “‘ê, xe vua’, ‘xe vua, đi Xẻo Tra’, ‘ới, xe vua… chở vô Ông Kho…’, ‘xe vua, ra Phú Lộc’”. Nhưng âm V [ua] đã biến thành âm D [ua] cả. Hai chân của ai đó đang cố đạp cho xe chạy nhanh hơn, tránh cái nắng đang xiên xẹo rát mặt chúng tôi. Những ngôi nhà hai bên đường như đang cố gắng trườn dài ra mặt lộ để chuẩn bị một cuộc mua bán, đón ánh sáng và nghe gần hơn âm thanh của những tiếng xe, mà lúc đầu không dễ nghe, không muốn nói là rất lấy làm khó chịu cho những ai, những nơi vốn dĩ đã từng yên tĩnh. Thế rồi, mẹ và tôi đã an toàn trở về mái nhà sau những ngày mẹ nằm phòng sản chờ phút giây đón tôi lần đầu tiên chiều thu năm 1979.

Bây giờ thì lưu lượng xe trên quốc lộ 1A đi ngang nơi tôi sống đã tạo thành dòng âm thanh đa chiều hơn, nó đang dần xóa đi sự buồn tẻ đến đơn điệu của những ngày mưa. Những bụi cỏ ven đường, ngoài bãi hoang chưa xây dựng, bờ đê của những mảnh ruộng chuyển mùa… đôi khi rất thú vị với tuổi thơ chúng tôi. Cọng cỏ gà được ai đó phát hiện và trở thành chủ đề cho cuộc chơi cỏ gà. Cọng cỏ có cái đầu tua lông ra và to đùng được chúng tôi tìm cọng dài óng mượt, dẻo dai. Rồi cứ thế lần lượt là những va chạm để làm sao cái “đầu cỏ gà” kia gãy lặt lìa “đầu cỏ gà” này thì thắng. Ngặt nỗi, có khi đứa em lại không dùng cỏ gà chặt cỏ gà mà nhiều lần em tôi đã nhầm cánh tay tôi đang cầm cỏ gà là cỏ gà, một vùng cổ tay cứ đỏ au và ran rát. Chúng tôi vẫn cười với nhau bằng mùi khét nắng, bằng những buổi trưa trốn ngủ, lén đi chơi keng, trốn tìm, đánh nhau, lội sình chỉ để thỏa cơn khát mộng tuổi thơ thị trấn.

Rồi một ngày chúng tôi phát hiện một thế giới kì bí sau những ngôi nhà đang cố trườn ra mép lộ. Đó là những con đường mòn dẫn ra ruộng, vườn cây, ao cá. Gió phía sau nhà mát rười rượi không như gió mặt lộ mang theo cả bụi khói và tiếng kèn inh ỏi ơi ới theo sau mỗi khi ai đó muốn làm sai luật khi đang lưu thông.

Mặc kệ tất cả, tôi cùng các em và chúng bạn cứ thụt lùi phía mặt sau những ngôi nhà kia mà nghe gió, nghe rơm rạ đang bay lên cùng tiếng cười răng sún, tiếng hò hét không sợ những cái bặm môi, suỵt miệng ra dấu giờ nghỉ trưa. Cánh đồng dang rộng tay ôm chúng tôi, cánh đồng nứt toạc lòng mình cho chúng tôi thấy nó rộng rãi và trong ngần. Cánh đồng bắt đầu lim dim kể về dòng sông, về những chuyến xe từ thị trấn tôi chở hàng lên tỉnh / thành, và ngược lại. Cánh đồng đã kể về cuốn rún của chúng tôi đã được mẹ, cha bện chặt và cất giấu đâu đó nơi góc rơm, bụi cỏ, bờ đê để chờ ngày chúng tôi lớn và chờ ngày gió đưa chúng tôi bay lên cùng thị trấn.

Chúng tôi cứ lớn theo năm tháng. Thị trấn nơi tôi sinh cũng lớn dần theo tháng năm. Nhà to và cao hơn, mặt người sáng hơn, những câu chuyện văn minh dần thay cho những câu chuyện cổ tích. Gió tưng bừng, lá me tả tơi nhưng vẫn cố rướn những ngón tay búp măng mắc cở nhìn bầu trời lần sau cuối khi nằm lại cánh đồng, yên tĩnh, dễ chịu, ngọt ngào lạ thường.

Những cá tôm, những lúa khoai, rau quả đang chất lên nhau từ những cánh đồng, vuông tôm sau nhà nối dài ra mặt lộ như hành trình của tuổi trẻ phải đến đích của những chiến thắng. Ngay phút này đây, dù cách xa gần ba trăm cây số, trong tôi vẫn in nguyên hình hài của thị trấn nửa thị nửa quê, mộc mạc có trát chút phấn son lên người đang vươn vai cho những giấc ngủ chập chờn sau lũy tre năm nào.

Tôi đi đâu cũng không quên mình là người con của Phú Lộc. Giấc ngủ đón tôi bằng thanh âm của những buổi trưa đồng nơi thị trấn ấy. Và chúng bắt đầu văng vẳng… để mai vàng đang bung xòe chào một mùa mới khai nguyên, chờ những đứa con xa trở về. Tôi chuẩn bị về nhà trong giấc mơ Phú Lộc bung ra trong ngần, trong ngần những mùa hoa…

 

.TP.HCM, 01.2017.

T.H.M.P

Địa chỉ: Tuần Báo Văn nghệ thảnh phố Hồ Chí Minh

Số 81. Trần Quốc Thảo, phường 7, quận 3, TP.HCM


TIN LIÊN QUAN

QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - BÁO VÀ ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online