Phòng bệnh cúm trên gia cầm (Lượt xem: 660)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Nông nghiệp - Nông thôn >> Khuyến Nông - Khuyến Ngư

Cập nhật: 14/02/2025

Hiện nay, tỉnh Sóc Trăng có gần 7 triệu con gia cầm. Nhờ chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa, những năm gần đây tình hình bệnh cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, ở Sóc Trăng, còn tới hơn 96% chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún… là nguyên nhân dễ dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh, nhất là trong giai đoạn giao mùa. Nhằm đảm bảo đàn vật nuôi phát triển khỏe mạnh, ngành chuyên môn và hộ chăn nuôi hướng dẫn, chia sẻ những biện pháp phòng bệnh hiệu quả, tránh gây thất thoát đến hiệu quả kinh tế.

Phòng bệnh cúm trên gia cầm
Tiêu độc, khử trùng chuồng rại và khu vực xung quanh.

Thời gian gần đây, huyện Kế Sách phát triển tổng đàn gà lên khoảng 810.000 con, đàn vịt gần 190.000 con. Chon chăn nuôi làm nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình nên so với trước đây, người nuôi gia cầm đã có ý thức hơn trong phòng bệnh trên đàn vật nuôi. Do đó, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại, áp dụng giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thực hiện tiêm phòng đầy đủ các bệnh thường gặp trên đàn vật nuôi. Nhờ vậy mà nhiều năm nay, tình hình dịch bệnh động vật tại địa phương được kiểm soát tốt, đặc biệt là bệnh dịch cúm gia cầm. Ông Lưu Minh Chí - Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Kế Sách, cho biết Trạm đã chỉ đạo cán bộ và nhân viên thú y phụ trách địa bàn kiểm tra giám sát chặt chẽ tình hình chăn nuôi, đồng thời tổ chức tiêm phòng cho đàn gia cầm đối với bà con trên địa bàn huyện.  

Tiêm vaccine cho Gà. 

Mỗi năm, với diện tích chuồng nuôi 750 m² ở ấp Nam Hải, xã Đại Hải, gia đình ông Nguyễn Minh Thiện nuôi khoảng 3.000 con Vịt thương phẩm. Để Vịt phát triển khỏe mạnh đến ngày đủ trọng lượng xuất bán thì ngay khi Vịt con mới được nhập về, ông Thiện đã xử lý nhiều bước trước khi đưa vào chuồng nuôi thương phẩm. Ngoài ra ông thiết kế chuồng nuôi theo hình thức nhà sàn để thuận tiện trong khâu vệ sinh, quét dọn, đồng thời trang bị kĩ màn che và hệ thống đèn sưởi để đảm bảo giữ ấm cho đàn Vịt vào những lúc thời tiết se lạnh. Theo kinh nghiệm của ông Thiện thì khi nhập Vịt con về trong vòng 3 ngày là phải tiêm phòng viêm gan; từ 3- 6 ngày phải tiêm phòng kháng thể ruột mỏ.

Những năm gần đây, tại huyện Thạnh Trị ở một số khu vực sản xuất không còn hiệu quả đã được nông dân thả nuôi Vịt chạy đồng từ kiểu sản xuất luân canh đã trở thành sinh kế chính của nhiều nông dân và đang phát triển với số lượng khá lớn. Nuôi Vịt chạy đồng (người nuôi và đàn Vịt thường xuyên di chuyển từ cánh đồng này sang cánh đồng khác, hoặc di chuyển sang nhiều vùng khác nhau) nên nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất cao (nếu vật nuôi không may mắc phải bệnh cúm gia cầm). Vì vậy, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Thạnh Trị đã phối hợp cùng UBND các xã thực hiện rà soát, nắm đầy đủ số hộ, số lượng thả nuôi vịt chạy đồng tại từng địa bàn để thực hiện giám sát dịch bệnh, cũng như triển khai công tác tiêm phòng hiệu quả. Theo ông Nguyễn Quang Vinh - Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Thạnh Trị, cho biết đối với chăn nuôi gia cầm, đặc biệt là thuỷ cầm thì hộ phải nuôi tập trung, có quần thể, số lượng đông, hạn chế nuôi nhỏ lẻ, phải nuôi xa khu vực dân cư, cộng đồng, không nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi; tiêu độc khử trùng thường xuyên mỗi ngày có 2 đợt chính; bổ sung một số khoáng chất như vitamin nhóm B, C để tạo sức đề kháng cho đàn gia cầm được tốt hơn.

Tiêm vaccine cho Vịt ít nhất 2 đợt chính/năm.

Trước đây, vào thời điểm không canh tác vụ lúa Thu Đông thì gia đình ông Nguyễn Văn Giảng ở ấp A2, xã Thạnh Tân thả nuôi Vịt trên đồng mang lại hiệu quả kinh tế khá. Giờ đây, gia đình ông quyết định tận dụng mặt ruộng sẵn có để thả nuôi Vịt quanh năm, đến nay đã phát triển được 1.900 con. Mỗi ngày thu được khoảng 1.200 trứng. Nuôi Vịt chạy đồng cới số lượng khá lớn và Vịt di chuyển tự do trên đồng nên nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất cao. Nhận thức được điều này, ông Giảng nói: Tôi luôn chủ động liên hệ với nhân viên chăn nuôi và thú y địa phương thực hiện tiêm ngừa đầy đủ vaccine ngừa bệnh cám và một số loại bệnh thường gặp trên đàn thủy cầm. Cứ 6 tháng là cán bộ thú y nhắc tôi tiêm ngừa cho đàn Vịt, đồng thời khử trùng, sát trùng chuồng nuôi đầy đủ.

Bệnh cúm gia cầm chủng độc lực cao hay còn gọi là bệnh cúm gà là một bệnh truyền nhiễm cấp tính rất nguy hiểm gây bệnh cho Gà, Vịt, Vịt xiêm, Ngỗng, Đà điểu, Chim cúc và các loại chim hoang dã… Hằng năm bệnh cúm gia cầm thường xảy ra và lây lan mạnh vào thời điểm giao mùa, khi thời tiết thay đổi nắng nóng, kết hợp với những trận mưa dông, các khu vực có nước lũ tràn về, mùa Chim di cư… cũng là cơ hội để dịch cúm bùng phát và lây lan trên diện rộng.

Ở Việt Nam, hiện nay đã xác định chủng virus gây bệnh cúm gia cầm thể độc lực cao là H5N1, H5N6 và một vài biến chủng khác nhưng ít nghiêm trọng hơn. Trong chăn nuôi, Gà thường bị mắc bệnh rất nặng, Vịt thường mang mầm bệnh nhưng ít khi có biểu hiện triệu chứng lâm sàng và là nguồn chủ yếu gieo rắc mầm bệnh ra môi trường.

Gia cầm khi mắc bệnh thường có biểu hiện sốt cao, khó thở, chảy nước mắt, chảy nước dãi ở mỏ, phù đầu và mặt, xuất huyết ở vùng da không có lông, đặc biệt ở chân, da tím tái, lông xù, đứng tụm một chỗ, khát nước, bỏ ăn và chết nhanh. Biểu hiện về thần kinh như đi lại không bình thường, loạng choạng, run rẩy, mệt mỏi. Vịt, Ngỗng nuôi trong gia đình có triệu chứng ủ rũ, ăn ít, ỉa chảy giống như ở Gà đẻ mắc bệnh thường thấy ở các xoang có hiện tượng sưng, tích nước.

Về bệnh tích bên ngoài: Mào và yếm sưng to, phù nề quanh mắt, chỗ da không có lông bị tím bầm, chân xuất huyết, vùng đầu bị xuất huyệt và thâm tím.

Về bệnh tích bên trong: Niêm mạc phế quản phù nề có chứa chất nhầy, viêm xoang bụng, viêm buồng trứng có dính sợi tơ huyết, xuất huyết toàn bộ đường tiêu hóa những con chết đột ngột thường không có bệnh tích gì rõ rệt.

Ông Nguyễn Văn Mười Hai - Phó trưởng Phòng Chăn nuôi và Thú y - Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng, khuyến cáo đối với vùng nguy cơ cao, ổ dịch cũ tiêm phòng vaccine H5N1 cho gà từ 14 - 21 ngày tuổi với liều lượng là 0,5 ml/con; có thể tiêm phòng nhắc lại lần 2 cách nhau là 21 ngày đối với Gà, đối với Vịt chạy đồng thì tiêm nhắc lại sau 6 tháng. Đồng thời phải tiêm phòng thêm một số loại vaccine như: Marek, Gumboro, đậu Gà, Newcastle (dịch tả Gà), tụ huyết trùng, cúm gia cầm H5N1, bệnh viêm gan.

Về chăm sóc nuôi dưỡng, ông Nguyễn Văn Mười Hai khuyến cáo người nuôi phải bổ sung đầy đủ khẩu phần thức ăn phải đảm bảo chất lượng, mua tại các công ty được cơ quan chuyên môn công nhận. Nước sử dụng cho Gà uống phải được lắng lọc, xử lý đạt yêu cầu để cho gà uống đảm bảo Gà khoẻ. Đồng thời bổ sung thêm các B complex, vitamin C để tăng sức đề kháng, khoẻ mạnh cho .

Về tiêu độc sát trùng, ông Nguyễn Văn Mười Hai (ảnh trên) đề nghị người chăn nuôi phải thường xuyên tiêu độc sát trùng khu vực xung quanh chuồng nuôi, khu vực nuôi để tiêu diệt vật chủ trung gian truyền bệnh (vi khuẩn, vi rút), đồng thời vệ sinh máng ăn, máng uống, dụng cụ có liên quan trong trang trại chăn nuôi. Đặc biệt nhất là phải bố trí hố sát trùng ở khu vực đầu trang trại và hàng tuần thay đổi thuốc tiêu độc sát trùng để người xa/vào trại tếp xúc được với thuốc sát trùng đó. Hiện nay trên địa bàn tỉnh, các trang trại nuôi Gà nuôi theo hình thức an toàn sinh học là hình thức nuôi phổ biến đang được cả thế giới áp dụng, do ngăn chặn được vật chủ trung gian (ruổi, muỗi, chuột, chim trời, chó, mèo)… đồng thời, ngăn chặn được con người (khách tham quan, phương tiện vận chuyển); trang trại phải cùng nhập - cùng xuất, cùng vào - cùng ra, trong 1 trang trại không được nuôi gà nhiều lứa tuổi; riêng đàn gà nuôi mới phải cách ly cách nhất là 14 ngày để theo dõi sức khoẻ đàn Gà.   

Trong những năm gần đây, tình hình chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tỉnh đang chuyển dịch theo hướng tích cực, như: giảm số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, phát triển chăn nuôi gia trại, trang trại gắn với đảm bảo thực hành an toàn sinh học trong chăn nuôi. Tuy vậy, dù ở bất kì hình thức, quy mô chăn nuôi nào, hộ nuôi cũng cần thực hiện tốt biện pháp quản lý dịch bệnh theo đúng khuyến cáo của cơ quan chuyên môn để đạt hiệu quả kinh tế như mong muốn. Ngành chuyên môn cũng lưu ý hộ nuôi cần báo ngay cho cơ quan thú y gần nhất khi phát hiện gia cầm mắc bệnh nhằm đảm bảo phát hiện, xử lý lý triệt để ổ dịch để tránh lây lan trên diện rộng, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho các hộ lân cận, quan trọng là tránh trường hợp lây lan dịch bệnh sang người./.

Ngọc Thơ, Trọng Phước  

Tag:

QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online