NHỚ LẮM…MÙA CÁ LÊN ĐỒNG - Lưu Hồng Tài (Lượt xem: 1242)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Cuộc thi " Viết về cánh đồng Quê Hương"

Cập nhật: 25/04/2017

Từ dạo đặt chân lên thành phố Sóc Trăng để nhận công tác, tôi mang theo bên mình hành trang là một trái tim nóng hổi của tuổi chập chững bước vào đời, ít có dịp được về thăm nhà, thăm quê. Quê tôi bây giờ đã thay đổi nhiều, từ những con đường, hàng cây và…không còn nhiều những cây cầu khỉ như năm nào nữa. Dù sự thay đổi ấy nhanh đến mức như những vòng xoay tít của cái chong chóng nhưng tôi vẫn cảm nhận được đâu đó một sự quen thuộc, có lẽ do hình ảnh quê nhà tuổi ấu thơ đã dồn nén hằng bao năm trước, nay bùng lên theo hoài cảm yêu thương.

NHỚ LẮM…MÙA CÁ LÊN ĐỒNG - Lưu Hồng Tài
Nhớ lắm mùa cá lên đồng
 (Nguyên bản của tác giả)

 

Thạnh Trị nơi tôi sinh ra, nhờ phù sa Sông Hậu bồi đắp nên màu mỡ lắm. Những năm đầu của thập niên 1990 quê tôi rất ít người sử dụng máy cày, chỉ dùng sức trâu, nhưng phần đông “trục thả” rồi cấy, vậy mà lúa trúng, lúa chứa đầy bồ. Tôi cũng không nghe nói tới thuốc trừ sâu hay phân bón. Những năm đó bà con làm ruộng theo kinh nghiệm dân gian cổ truyền chứ chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật như ngày nay. Có lẽ nhờ vậy mà đất đai màu mỡ tự nhiên chớ không bị "chai sạn", hay bị "xuống cấp" do tác động của phân bón hoá học, thuốc trừ sâu gây nên!

Những tháng mùa khô, cánh đồng sắp cạn nước thì cá theo con nước ra sông rạch hoặc mương đìa để sống, bởi cá sống nhờ nước. Khi có những cơn mưa đầu mùa, đặc biệt là những cơn mưa rào, những trận mưa rất to xối xả xuống đồng ruộng, phần thấm vào đất làm bung vỡ từng thớ đất, lấp kín những vết nứt nẻ kéo dài suốt mùa hạn để có thể còn tích tụ lại mặt đất trũng một số nước ở những cơn mưa sau; phần còn lại trôi tắp xuống các đìa, mương rồi đổ ra sông rạch. Chính những vị trí đổ ra này là tụ điểm cho các gia đình họ nhà cá lên đồng, sản sinh ra những lứa cá tiếp theo.

Cứ sau mỗi trận mưa, anh em chúng tôi quảy giỏ hăm hở chạy ra đồng, men theo các nơi có dòng nước đổ... để tranh nhau bắt cá. Cá đồng có đủ loại, đủ cỡ, đặc biệt cá rô, cá sặc, cá lóc, cá trê vàng...theo ngược dòng nước đổ, lách lên cạn "lách tách, rọt rẹt". Con nào bụng cũng no căng bởi chùm trứng đến hồi gần sinh nở. Cá lách lên đồng để tìm chỗ đẻ. Lứa cá này sẽ lớn lên vào mùa nước của tháng Bảy, tháng Tám, lúc bà con "đông ken” cấy lúa. Chúng tôi mặc sức bắt những chú cá chẳng may lọt vào đôi mắt trẻ thơ của mình. Lúc đó chúng tôi nghĩ rằng bắt được nhiều cá là giỏi, là có tay sát cá, chứ đâu hiểu bắt cá vào thời điểm này là tự hủy diệt đi sản lượng lớn của đàn cá mùa sau! Nói gì thì nói, việc bắt cá lên đồng của chúng tôi cũng không gây ảnh hưởng gì cho sự sinh sản của nhiều loại cá, bởi bọn trẻ chúng tôi ở xóm lưa thưa không thể tóm gọn hết được số cá tìm lối lên đồng để đẻ. Thực tế năm đó, cá vẫn sinh sôi liên tục cung cấp cho người dân quê tôi lượng cá ăn chẳng những đủ đầy, mà còn dư giả để làm mắm, xẻ phơi khô cho Tết Nguyên đán...

Khi cá lên đồng tìm chỗ đẻ một thời gian là nông dân bắt đầu phát cỏ để cấy lúa. Lúa cấy được ít ngày là bắt đầu bén rễ và bắt đầu đẻ nhánh mập ra... người ta có thể lội qua những đám lúa non đó để giăng câu hay soi bắt cá. Bọn anh em tụi tôi cứ chờ, sau một cơn mưa lớn buổi chiều, khoảng chạng vạng thì chúng tôi vài đứa rủ nhau đi soi cá. Mỗi đứa một cái đèn dầu, hay đốt vỏ xe đạp mà đi, phía tay cầm đèn có đeo thêm một cái nôm để chụp bắt cá lóc, một cây chỉa mài bén, bên thắt lưng hông quảy một cái giỏ tre băng ra đồng. Soi cá phải bước từng bước rất chậm, nhẹ để đừng gây tiếng động. Ban đêm cá thường trườn lên mé nước cạn để ngủ, chúng tôi cứ bước từng bước soi đèn phía trước mặt, gặp bất cứ cá nào là giơ chĩa đâm ngay cổ rồi rút chĩa lên bỏ cá vô giỏ. Gặp cá lóc thì chụp nôm rồi thò tay vô bắt sống. Ðêm đó, một đêm sau cơn mưa nhưng bầu trời vẫn âm u khác thường, tôi đã "trúng mánh lớn" khi gặp nhiều cá trê vàng, cá lóc. Không đầy một tiếng đồng hồ, cái giỏ đeo bên hông của tôi nặng chịch, tôi mừng thầm nhưng do ham thích, tôi cứ bước theo cặp mé đường mương, càng đi càng gặp lươn mà không còn gặp cá nữa...

Giờ đây đồng ruộng quê tôi mỗi năm làm hai, ba vụ. Ðất được khoanh vùng, chia thửa manh mún, mỗi người làm một thời vụ khác nhau, trên đồng lúc nào cũng có lúa chín, mới ngậm đòng, mới cấy, mới gieo mạ... hay mới làm đất. Cá tôm ngày càng hiếm đi, có lẽ bị ảnh hưởng đến hoá chất xuất phát từ phân bón, thuốc trừ sâu... và một nguyên nhân nữa là do thâm canh, tăng vụ, khiến môi trường sinh nở của các loại cá không được bình thường.

Dù cho quê tôi giờ thay đổi nhiều, nhưng bản thân chưa bao giờ cảm thấy yêu quê mình đến thế. tôi yêu những con người hàng ngày tôi gặp, yêu con đường trải dài mênh mông, yêu dòng sông, yêu từng cây dừa, bụi mía, yêu cả cây ổi sau hè, đìa cá của ba, cậu út, yêu tất cả những thứ thuộc về quê nhà của tôi. Bây giờ, cho dù có ai đó cho nó một núi tiền đi nữa thì cũng vẫn không thể lay chuyển được trái tim tôi, vì tôi biết hai chữ "quê hương" chiếm vị trí quan trọng đến dường nào. Tôi yêu quê tôi tha thiết lắm! và nhớ lắm…mùa cá lên đồng.

 

 

Họ và tên: Lưu Hồng Tài

Địa chỉ: Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng, số 5, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.

 


TIN LIÊN QUAN

QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - BÁO VÀ ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online