Ngày mùa (Lượt xem: 814)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Cuộc thi " Viết về cánh đồng Quê Hương"

Cập nhật: 02/11/2016

Tôi trở về quê vào một ngày chiều thứ bẩy, cửa nhà đã khóa và chỉ có mấy bao thóc vẫn còn tươi nằm vắt vẻo giữa sân. Tôi chợt nhớ ra đang là ngày mùa, mùi lúa non đang ngào ngạt khắp nhà, có lẽ giờ này cả gia đình đang phơi mình dưới cái nắng chang chang ngoài đồng.

Ngày mùa
Ngày mùa

   (Nguyên bản của tác giả)

   Hương lúa chín như đánh thức tuổi thơ trỗi dậy, tôi nhanh chóng thay quần áo và men theo con đường đê mà hồi nhỏ chúng tôi hay thả diều để đi ra đồng. Ngoài đồng không khác nào ngày hội, từ xa xa những chỏm đen cứ lúc nhúc cặm cụi với công việc của mình. Nhưng so với những năm trước thì giờ đã có thêm những máy phụt, máy gặt làm cho những người nông dân cũng bớt phần cực nhọc.

       Mẹ tôi nhìn thấy tôi từ xa liền giơ tay làm hiệu, đúng là cả nhà đang có mặt trong cái ngày hội mùa màng này. Trời bắt đầu dịu nắng, cái nắng vàng mùa thu cũng không quá gay gắt như mùa hạ, thi thoảng lại có những cơn gió cái làm bật cả chiếc nón mẹ đang đội đầu. Tích nước trà xanh vẫn còn ấm, tôi rót ra dòng nước sóng sánh trên miệng cốc, nhớ ngày trước khi còn ở nhà, mỗi vụ mùa đến đều phải đi cắt cỏ dự trữ cho trâu ăn rồi tối lại om nồi nước trà xanh để mang ra đồng, mùi khói rơm mới thơm ngào ngạt nhưng cũng làm nước mắt ứa ra từ từ.

       Ruộng nhà tôi là ruộng trũng, máy cắt lúa không tới được nên bố vẫn phải mang chiếc máy dận chân ra đồng, chắc cả cái làng này chỉ còn nhà tôi còn máy dận chân. Bố vào làm một hơi thuốc lào thật sâu và cố gắng trú tạm nắng dưới những cây lúa chưa cắt để lấy lại sức. Còn mẹ và anh trai đang tranh thủ lõm bõm ôm những gồi lúa tới chân máy, tí chốc mẹ lại dừng lại để nhặt những bông lúa vương vãi, mẹ thường bảo hạt gạo là hạt ngọc thực nên không được lãng phí.

       Tôi nhớ lại quãng mười năm trước, khi cả nhà đi cắt lúa, tranh thủ lúc nghỉ tôi và anh trai thường đi bắt châu chấu, hôm nhiều cũng được dăm bẩy lạng, rồi về rang giòn lên mà bố mẹ tôi gọi là món “tôm bay” cả nhà ngồi ăn tối dựa lưng vào mấy bao thóc còn ẩm và nghe tiếng cuốc kêu ngoài bụi tre. Bây giờ thì chẳng còn tôm bay nữa, mà bụi tre và cuốc cũng không thấy đâu, không biết chúng đã đi đâu hết hay sợ mùi thuốc trừ sâu mà bay đi hết từ hồi nào rồi chăng?

       Cũng vào ngày đó, ruộng nhà tôi trải dài khắp khu này lên đến hơn một mẫu Bắc Bộ, tôi còn nhớ đến hết cái cột điện sừng sững phía trước kia, đó đều là ruộng bố mẹ đi đấu thầu lại của những hộ không cấy, nay thì họ vẫn không cấy nhưng bố mẹ tôi vẫn trả ruộng chỉ cấy ruộng nhà mình. Ở xa xa, chiếc máy cắt lúa đi như một cỗ xe tăng, nó đi đến đâu là “ngoặm” hết lúa đến đó, mấy bác nông dân thì cứ tấm tắc cười vì không những được mùa mà còn tiết kiệm sức lao động, nhiều bác còn nói vui rằng ngày xưa nhà tôi có cái máy này chắc giờ giầu nhất làng.

       Trước kia, cắt lúa xong mẹ còn tranh thủ bó rơm, rồi dựng thành hình người nhưng giờ mọi người toàn vun thành đống rồi đốt, khói bay mù mịt cay xè mắt, nước mắt ứa ra phải chăng là nước mắt của sự tiếc nuối. Những tổ chim non giờ cũng không còn nữa có lẽ cũng vì tổ rơm không còn chỗ cho chúng sinh sôi.

       Nhiều ngày xa quê, tôi đã quen với những buổi chiều ồn ào, đông đúc ở công viên hay những dòng xe nườm nượp lao ra đường để về nhà, mùi xăng xe khói bụi cứ phần nào cướp mất tuổi thơ của những đứa trẻ ở phố thị. Những buổi chiều thong dong ngoài đồng thả diều cùng lũ bạn, rồi cùng nhau vẽ nên bầu trời đầy những hình thù khác nhau, tiếng gió cứ rít rít đem theo mùi rơm rạ cứ ngào ngạt mãi trong tôi.

       Nhiều lúc tự hỏi tại sao phải xa quê, tại sao cứ lớn lên con người lại phải tìm đến những nơi phố thị, phồn hoa? Để rồi mỗi lần khi về quê lại cảm thấy nghẹn ngào, thương xót và tự hỏi mình đã làm gì được cho quê hương hay chỉ là những niềm vui ích kỷ rồi đem ra khoe mẽ với người khác. Chúng ta đều lớn lên từ những bông lúa kia, những bông lúa do những người nông dân làm ra nhưng sao người nông dân vẫn cơ cực, phải chăng họ chưa được bù đắp xứng đáng với những công sức mình bỏ ra?

       Lâu lắm rồi tôi lại có một ngày mùa, vài mùa gặt trước đều rơi vào những ngày tôi không được nghỉ học, nghỉ làm, thậm chí lần này tôi về cũng không hề báo trước. Mẹ cứ nghĩ tôi đi làm trên thành phố đã lâu giờ chắc ngại ra làm đồng, nhưng chính vì lần về nhà tình cờ vào trúng mùa gặt tôi mới được trở lại tuổi thơ của mình.

       Xế chiều, thóc đã đóng bao, cả nhà cùng nhau đẩy chiếc xe thồ về nhà trong khi màn đêm đang kéo xuống. Cánh đồng lại trở về với sự yên ả vốn có ban đầu.

 

Nguyễn Văn Công

Địa chỉ: Văn Phú - Thường Tín - Hà Nội


TIN LIÊN QUAN

QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - BÁO VÀ ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online