MÙA MƯA XA TRÊN CÁNH ĐỒNG XƯA - Nguyễn Ngọc Đào Uyên (Lượt xem: 3507)
>> TIN TỨC
>> Cuộc thi " Viết về cánh đồng Quê Hương"
Quay qua quay lại… những ngày ấy đã vụt trôi về hơn hai mươi năm trước. Thời gian! Anh em giờ dạt trôi tứ xứ. Nhớ lắm những mùa mưa trên cánh đồng xưa mà chẳng thể nào tìm lại được.

Mưa trên cánh đồng xa
Nhớ… những năm một ngàn chín trăm hồi đó… cái hồi mình còn là con nít…
Hồi đó còn có – mùa – mưa. Mình với mấy anh, chị trong xóm thường rủ nhau ra đồng mỗi khi trời vừa dứt trận mưa rào để bắt cua, bắt ốc, bắt cá rô rạch đất lên bờ. Người lớn có bữa cho đi, có bữa không, vì sợ trời còn sấm chớp, sợ “cục vàng” nhiễm lạnh. Những lúc không đi được một cách đường hoàng thì “cục vàng” thành “cục lì”, chỉ đợi ba má sơ hở là xách thùng lủi mất. Trốn qua khỏi hàng tre, dưới hàng gáo đã có bốn, năm “chiến hữu” đang nhấp nhổm đợi chờ. Đủ mặt rồi, lên đường thôi. Mặc cho trên đầu còn ì ầm sấm chớp, mặc cho trời chưa vén sạch mây đen, kệ lời má dặn “mưa gió đừng ra đồng, coi chừng sét đánh”, kệ lát nữa về ba cho mấy roi quắn đít. Mưa, mát trời, lòng đứa nào cũng hớn hở. Mưa, mát đất, tụi cá rô phởn chí rạch đất “leo” lên. Một, hai, ba chụp! “Con này của tao”. “Không, em thấy trước, của em” “Ừ, thôi, của mày, con đằng kia của tao, không giành đó”. Mấy anh em đi cùng nhau, cũng có lúc giành lộn nhưng chẳng mấy khi giận hờn nhau vì chuyện “chim trời cá nước”. Hồi đó, ruộng chưa xài thuốc nhiều như giờ, cua ốc cứ nhởn nhơ mà sống. Và tụi con nít đi bắt chúng cứ nhởn nhơ mà bắt. Cua đi dạo trên bờ đê, ung dung bò từ hốc này sang hang khác dưới những giọt mưa lất phất dư âm. Nhát thấy bóng người, chúng vội lủi tìm chỗ trốn, nhưng muộn rồi, làm sao thoát được “mấy anh”! Nhiều bữa hứng chí, “mấy anh” hè nhau thọc hang bắt cua, bắt ếch, anh lớn còn bắt được cả cá lóc rúc trong hang. Cua kẹp, miễn ốc cắt, đạp gai, xước da, “tróc nước sơn” là chuyện bình thường. Còn ốc, ốc quắn, ốc gạo, ốc đá bám đầy gốc lúa, nổi trên mặt vũng. Anh lớn đã dặn: “Bắt con lớn thôi nghe bây” mà cái tụi “bây” thấy ham quá cứ ra sức mà “vơ vét”. Để khi nào nồi ốc luộc sả bưng ra, anh lớn sẽ rầy “Đã biểu bắt ốc bự mà hốt cho dữ… Tụi bây không ăn hết thì biết tay”. Kết quả, đứa nào cũng “no cành hông”, tụi ngỗng, vịt được ké một bụng. Anh lớn chốt: “Thấy chưa? Mai mốt không cho bây đi bắt ốc nữa”. Lời đã nói ra như đinh đóng cột… chuối. Tạnh đám mưa sau, ruộng lại thấy bầy em lẽo đẽo theo anh lớn ra đồng. Chán chê việc bắt ốc cua thì rượt đuổi nhau trên bờ đê. Ừ thì trơn trợt, ừ thì “chụp ếch” nguyên con, mình mẩy đầy sình bùn mà chẳng đứa nào bận tâm “xíu về má la”. Chán rượt đuổi thì chia phe đánh trận, đóng tuồng, lội đua… Nhiều bữa về nhà trời đã sụp tối. Chiến lợi phẩm đem về là mớ ốc lộn xộn, mấy con ếch bị buộc ngang lưng, bọn cá rô búng nước rèn rẹt, là lũ cua càng bò ngang dọc tìm lối thoát khỏi thùng… Má nhìn “cục vàng” môi tím tái vì lạnh, xót ruột biểu nhanh vô tắm rửa. Bà hầm hầm nhìn “cục lì” lem luốc, rút cây roi dắt trên chái bếp dứ dứ: “Lẹ rồi ra cúi xuống”. Bị
“hành hình” xong, vừa xoa mông vừa dặn má ngày mai nấu canh rau đắng cá rô đồng. Tối thêm xíu nữa đã cùng “đồng bọn” xúm xít quanh nồi ốc, cua bốc khói thơm lừng lá sả và chén muối tiêu chanh, giả bộ không nghe má nhắc “Tối rồi, ăn ít thôi kẻo Tào Tháo rượt”; không phải tại lì.
Quay qua quay lại… những ngày ấy đã vụt trôi về hơn hai mươi năm trước. Thời gian! Anh em giờ dạt trôi tứ xứ. Nhớ lắm những mùa mưa trên cánh đồng xưa mà chẳng thể nào tìm lại được. Thỉnh thoảng, mình có về lại những cánh đồng cũ. Vẫn ruộng đồng. Vẫn cây lúa. Ngày xưa thì đã mất. Tại ốc bươu vàng xua đuổi ốc đá. Tại thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu diệt ốc bươu vàng. Chuyện ra đồng bắt ốc sau mưa giờ thành cổ tích. Có lần đọc báo, báo kể có nhóm bạn trẻ thành phố thiết kế tua du lịch về miền Tây, ra đồng bắt cua để về làm bánh canh cua. Tua ấy “phá sản” vì không tìm ra cua ốc. Chị chủ nhà miền Tây tốt bụng làm sẵn bữa cơm đợi nhóm bạn đói meo ấy trở về. Nhóm bạn ấy buồn một, dân miền Tây buồn trăm. Đọc mà muốn khóc, thương cánh đồng, thương con cá con cua.
Giờ, thời tiết đỏng đảnh, thất thường, quanh năm có mưa làm người lẩn thẩn thấy mùa mưa hình như cũng đã mất rồi. Không còn mùa mưa là không còn mưa đầu mùa với những hồi sấm rung chuyển đất trời, là không còn những đứa trẻ nôn nao chờ mưa tạnh để ra đồng. Giờ, sau mưa ra đồng, biết tìm đâu cua ốc?
Ơi cánh đồng, ơi cua, ơi ốc, ơi ấu thơ đã mất…
Tạnh mưa rồi, có ai thèm ra đồng bắt ốc với mình không?
Họ và tên: Nguyễn Ngọc Đào Uyên
Địa chỉ: trường THPT Nguyễn Hiền, TP. Long Xuyên, An Giang
TIN LIÊN QUAN
- Tin địa phương
- Học và làm theo gương Bác
- Lễ hội Oóc-om-bóc - Đua Ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng
- Tin trong nước
- Đời sống - Xã hội
- Tin thế giới
- Doanh nghiệp - Người tiêu dùng
- Giáo dục - Khoa học & Công nghệ
- Nông nghiệp - Nông thôn
- Pháp luật - Cải cách hành chính
- Lực lượng vũ trang
- Đoàn thể
- Thông báo
- Góc doanh nghiệp
Trần Đề hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, dột nát cho người có công
Ương Nauplius thẻ chân trắng theo quy trình sinh học
Sóc Trăng đảm bảo duy trì tín hiệu thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá
Trần Đề: Người dân đồng thuận cao với Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã
Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng tiếp xúc cử tri xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề; cử tri phường 2, TX. Ngã Năm
Trailer Những hoạt động chính Lễ hội Óoc Om Bóc Đua ghe Ngo khu vực ĐBSCL lần thứ VI và tuần lễ VHTT&DL lần thứ I - 2024
Đài PT-TH Sóc Trăng thông báo tuyển hợp đồng lao động (17-09-2024)
HĐND tỉnh Sóc Trăng thông báo Kỳ họp thứ XXIII (Chuyên đề) HĐND tỉnh Sóc Trăng, Khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026
Công văn số 1963 - CV-TU về Lễ Quốc tang Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Công Văn 1633-CT-TU về việc thực hiện nghiêm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - BÁO VÀ ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều.
Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.
Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.
Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.
® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.