Mùa lúa chín - Nguyễn Hoàng Lâm (Lượt xem: 821)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Cuộc thi " Viết về cánh đồng Quê Hương"

Cập nhật: 28/11/2016

Chim cu là một loài chim đã đi vào ca dao đồng nội. vì đó là loài chim thích ăn lúa lại có tiếng gáy rất hay. Hàng năm thường tụ hội về đồng trong mùa lúa chin vào những ngày giáp

Mùa lúa chín - Nguyễn Hoàng Lâm
Mùa lúa chín

 (Nguyên bản của tác giả) 

“Cu kêu ba tiếng cu kêu

Cho mau tới Tết dựng nêu ăn chè”

 

     Chim cu là một loài chim đã đi vào ca dao đồng nội. vì đó là loài chim thích ăn lúa lại có tiếng gáy rất hay. Hàng năm thường tụ hội về đồng trong mùa lúa chin vào những ngày giáp

Tết. Tuổi thơ của tôi được sinh ra và lớn lên ở miền quê Đồng Tháp, hàng năm phải chịu ảnh hưởng bởi cơn nước lũ từ thượng nguồn sông Cửu Long đổ về ngập cả cánh đồng đấm chìm trong biển nước mênh mông, nên chỉ sản xuất giống lúa mùa như: Nàng Tây, Tàu Hương, thường thì gieo sạ khoảng tháng hai đến hết tháng ba âm lịch, lúa trổ chín thu hoạch từ tháng 11 đến hết tháng chạp vào những ngày giáp Tết.

     Cây lúa lên rồi không bón phân, không phun thuốc trừ sâu rầy, chỉ nhờ nước mưa nuôi dưỡng. Rồi mùa nước lên tràn đồng cây lúa vượt theo nước lũ suốt mấy tháng nước lên, khi nước giựt cây lúa trổ bông ngã ngọn theo chiều gió. Thời đó máy móc còn hạn chế con trâu hoặc là bò được coi là phương tiện gắn liền với nhà nông trong sản xuất. Vì vậy nông dân có diện tích ruộng lớn thì họ sấm trâu, có diện tích ruộng hẹp thì họ sấm bò để làm phương tiện trong canh tác.

     Ba tôi thì sấm đôi bò lai xiêm rất tuyệt vừa đẹp lại vừa khỏe. Ba tôi tranh thủ làm xong hết ruộng nhà, rảnh rổi thì đi gom hoặc kéo lúa cho bà con hàng xóm có them chút đỉnh tiền dành cho má tôi đi chợ mua sấm Tết.

      Khi mùa mưa đã hết và nước cũng vừa rút cạn trên đồng thì ngoài đồng ruộng, lúa đang trổ chin vàng mơ, lúa ăn giáp hạt trong bồ thì đã cạn, nên dân gian có câu: “Ngoài đồng lúa trổ vàng mơ, ở nhà đói mờ con mắt”. Mùa lúa chín thật sự đã về, quê hương tôi bỗng trở nên rộn ràng, náo nức giữa các chàng trai cô gái hội tụ về đồng trong mùa gặt lúa đông vui như ngày hội. Mỗi mùa gặt dài từ 45 ngày những người gặt giỏi có thể được từ 50-60 giạ lúa, họ trữ lúa đó vào bồ trước khi Tết đến, khi ra giêng xay giả mà ăn dần trong suốt năm. Những ngày lao động vất vả của những người nông dân tay lắm chân bùn làm ra hạt lúa trong mùa lúa chín đó làm một ngày có lúa đủ ăn cho cả tháng nên họ gọi những ngày ấy là “ngày làm tháng ăn”.

     Bây giờ thì hình ảnh đó chỉ còn trông thấy đôi khi ở một vài nơi như ở vùng Long An, Bình Chánh. Có lần về quê ăn Tết khi đi ngang qua khỏi cầu Bến Lức, tôi thường dõi mắt nhìn theo những ruộng lúa chin vàng hai bên đường như để tìm về ký ức. Lúc còn nhỏ, nhớ nhất và gây ấn tượng sâu đậm, tôi được theo Ba đi ruộng được ngồi cộ đi gom lúa hoặc được cởi cặp bò kéo trục đạp lúa cho ra hạt thật thú vị, lúc cho trâu nghĩ tắm mát xả hơi để chờ “xốc bả đáy” thằng Tèo rủ tôi xuống đìa mò cua, bắt óc đốt rơm ăn dã bữa trưa. Tôi ăn rất nhiều cua, thằng Tèo nó cảnh giác tôi nó nói: “Bi! Mày ăn cua nhiều quá coi chừng mày bị say “mỡ gà” đó nghe Bi (chóng mặt).”

     Thằng Tèo lớn hơn tôi có ít tuổi, nó là con nhà nghèo tiếp giữ trâu cho bác Hai tôi nên nó rất rành việc đồng áng, còn tui thì bù tịch! Năm đó nhờ trời mưa thuận gió hòa ruộng lúa Ba tôi trúng lớn hơn các năm. Sau khi mùa vụ kết thúc, Ba gửi tôi cho người Bác họ ở Châu Đốc cho tôi đi học. Nhờ cố gắng học, sau này tôi làm giáo viên, sống với nghề “Gõ đầu trẻ” và cũng tạo điều kiện cho tôi nuôi dạy con cháu tôi thành đạt như hôm nay. Hiện tại con cháu trong gia đình tôi có năm thành viên kế thừa tôi làm nghề “Gõ đầu trẻ” sống trong gia đình ba thế hệ con cháu hiếu thảo với cha mẹ, ông bà thật hạnh phúc.

     Từ khi xa quê mới thấu hiểu nỗi trăn trở và kỳ vọng được về ngồi chung nhau bên mâm cơm ngày Tết trong không khí mát dịu của gió đồng. Tết năm nay gia đình cùng về quê với chú em Út cho đầm ấm mái nhà xưa, đốt nén hương lên bàn ba má và cho con cháu làm tuổi ông bà. Miền quê bây giờ đã đến lúc phải đổi mới đã qua thời làm lúa một vụ, ngày nay làm lúa hai ba vụ để đủ gạo ăn cho cả nước và dư để xuất khẩu.

     Tết này về quê, hàng cau lão trước sân nhà vẫn còn đó và đang đơm hoa kết trái, buồng cau lão già chin đỏ còn sót lại trên cây, làm cho tôi nhớ lại hình ảnh ngày xưa má tôi thường dùng cây mốc dài để thử cau, tìm buồng “cau dầy” đi chợ bán để đổi thức ăn làm mâm cơm gia đình với những món ăn ngon mà Ba tôi ưa thích , nhưng làm sao tìm lại được mâm cơm đầm ấm như ngày ấy!!!.

 

 

Người dự thi: Nguyễn Hoàng Lâm

Địa chỉ: 188, tổ 9, ấp Phú Hoà B, xã Phú Thuận A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.

                                              

 


TIN LIÊN QUAN

QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - BÁO VÀ ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online