Mùa lũ cuối - Hồ Thị Linh Xuân (Lượt xem: 636)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Cuộc thi " Viết về cánh đồng Quê Hương"

Cập nhật: 21/03/2017

Mấy năm nay lũ chẳng còn đầy như trước. Thủy điện và sự trừng phạt của tự nhiên đã mang con nước đi xa. Cánh đồng nhớ phù sa, kênh, rạch, sông suối nhớ cá tôm, còn con nhớ thiết tha dáng cha chống xuồng, thằng Út kéo côn, mẹ khom lưng chao mắm. Mùa nước nổi đâu rồi, hay đã là mùa cuối từ hôm qua?

Mùa lũ cuối - Hồ Thị Linh Xuân
Người nông dân thu hoạch Hoa Súng trong mùa lũ

     (Nguyên bản của tác giả)

     Bỏ lại thị thành, con về ngồi dưới quê hương, thơ thẩn chụm ấm nước pha chén trà buổi sớm. Cha ngồi chéo chân, nhắc, con nước mấy năm liền về muộn. Lúa lỡ mùa giờ mới xanh đồng ruộng, chắc chừng hơn tháng nữa mới thu hoạch, khiến đứa con hay xa nhà bổng nhớ mùa nước lớn, cá về, no đủ bữa cơm chiều. Chạnh lòng hỏi mãi, còn mùa nào đẹp hơn mùa điên điển trổ trong nỗi nhớ năm xưa?

     Nhớ năm mười lăm tuổi, lần đầu biết mùi thị trấn. Như nhà quê được ra thành thị, cứ chăm chú mãi nhìn những ngôi nhà hai, ba tầng mà nghĩ đó là những tòa nhà cao nhất thế giới.Nhớ chiếc xe đạp cũ cha mài mò ngồi sửa, gắn từng con ốc vít, lắp từng chiếc căm vào hai bánh nhỏ, xuôi ngược bằng triệu vòng quay. Nhớ con sông, là cánh đồng mùa lũ lớn nhất trong tiềm thức tuổi thơ hồi đó. Dù mười mấy năm đã qua đi,vẫn ngỡ chỉ mới hôm qua còn ngồi trên chiếc xuồng ba lá cha đem lên ruộng mùa nước nổi, đưa con vào trường cấp ba hồi đó.

     Dáng cha hao gầy, cong cong. Mái tóc cha khi ấy hãy còn đen, chứ không như bây giờ, đã hoa râm cùng với tuổi đời chất chồng theo những ngày con lớn. Thời gian thì luôn sòng phẳng với người. Khi con trưởng thành cũng là lúc cha già đi. Năm tháng cư thế trôi nhanh, không gì có thể níu kéo được.Bùi ngùi bâu níu chút kỷ niệm,đợi chờ một dịp để được sống lại khoảnh khắc của quá khứ, ngọt ngào như cọng rau dừa mùa nước, bùi bùi như mớ bông điên điển đem nấu canh chua.

     Xóm nghèo.Bọn trẻ con không được đi học. Ai cũng lo bươn chải cùng với cuộc mưu sinh. Trên cánh đồng chơi vơi con không có bạn đồng hành, mà bước chân chưa bao giờ từ bỏ khát khao chinh phục. Mùa đồng lúa cấy, cao đến tận hông. Con xách dép trên tay, cột áo dài hình cánh bướm. Miệng ai cười mai mỉa, “nghèo mà lo con chữ, chắc bỏ bụng được mà no.”

     Cha im lặng chăm chỉ, im lặng băng qua cánh đồng nước lớn, hằng ngày đưa con ra thị trấn, cho con thỏa ước mơ trên giảng đường đại học sau này.

     Chiếc xuồng cũng cong cong như cha. Con ngồi trên mũi, chống cằm, nhìn cha cầm sào chống xuồng thoăn thoắt. Đến đoạn nào đất gò đồng cạn, cha phóng xuống nước đẩy con đi.Cứ mường tượng mãi về hình ảnh người lái đò, đưa sĩ tử lai kinh ứng thí. Tự nhủ, rồi sẽ ăn học thành tài để bái tổ vinh quy.

     Đồng tháng mười không có bờ. Những ranh giới phân biệt đất nhà này, nhà kia giờ cũng chìm sâu dưới nước. Cha đưa con qua những mênh mông mà nếu không phải mùa lũ sẽ là những miếng đất thẳng đều hình chữ nhật. Mồ hôi cha đổ xuống, hòa vào con nước mang lại phù sa, tôm cá cho đồng bằng. Chiếc áo cũ sờn cha mặc, lau luôn giùm những giọt cần lao.

     Ở chỗ đất này, hằng ngày hai anh em bác Hòa vẫn dao mác đòi chém giết nhau, chỉ để tranh giành cái đường mương nhỏ xíu.Cha vừa chống xuồng vừa kể, đôi mắt vẫn hiển hiện nét buồn. Chỉ có riêng con cười khúc khích, cảm ơn mùa nước lớn đã xóa sạch những ân oán đời thường. Dù chỉ bằng một mùa lũnhỏ cho nông nhàn, nhưng biết đâu đã đủ cho hai con người ngồi lại, chuyện trò, hóa giải hiềm khích bằng lý lẽ của tình thương.

     Cha lại chỉ tay, xa xa hàng điên điển vàng bông là của nhà chú Khởi. Cứ đến mùa này là nhà chú lại có thêm thu nhập từ mớ điên điển trổ, chú hái cho thím ngồi bán dưới chợ trời. Nước nổi miệt mình không được cá linh, người ta nấu canh chua bằng cá trê, cá trốt. Nhưng mùi vị từ món ăn quê nhà vẫn là số một. Cha nói ai ở miền đồng bằng, đều có chung một quê hương.

     Chị hai nấu cơm bằng bếp củi sau hè, gọi với ra ngoài ruộng, chỗ thằng Út đang kéo côn, thả lưới. Chị biểu em bơi xuồng lên lộ cái rước con kẻo trời tối. Chị đang nấu món canh cua đồng, ăn với cá bống kho tiêu. Làn khói tỏa bốc lên từ chái bếp, hòa vào những tán lá dừa bà nội trồng hồi những năm kháng chiến cho con thiết tha yêu thứ hạnh phúc dân dã, đời thường. Thằng Út vừa bơi xuồng, vừa khoe mớ cá mây mẩy trắng vừa giăng lưới được, chiều nay đem về cho mẹ giành làm mắm, ăn vào những lúc thắt ngặt. Mẹ giỏi nghề làm mắm, mùa nước nổi là mùa mẹ kiếm được nhiều tiền nhờ con mắm sặc, mắm lóc, mẹ chao rồi bán sỉ cho chợ mối. Mẹ biểu người đồng bằng ai cũng ưa mắm, không biết ăn mắm là chớ phải người miệt sông nước cửu long. Con nhớ hoài món mắm sặc mẹ làm trộn với cơm dừa, mấy chị em ăn cùng cơm nguội mà xuýt xoa, có món ăn nào ngon hơn đến thế.

     Mấy năm nay lũ chẳng còn đầy như trước. Thủy điện và sự trừng phạt của tự nhiên đã mang con nước đi xa. Cánh đồng nhớ phù sa, kênh, rạch, sông suối nhớ cá tôm, còn con nhớ thiết tha dáng cha chống xuồng, thằng Út kéo côn, mẹ khom lưng chao mắm. Mùa nước nổi đâu rồi, hay đã là mùa cuối từ hôm qua?

 

Hồ Thị Linh Xuân

Thạnh Trị, Sóc Trăng


TIN LIÊN QUAN

QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - BÁO VÀ ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online