Mùa đay ven sông - Nguyễn Văn Đương (Lượt xem: 380)
>> TIN TỨC
>> Cuộc thi " Viết về cánh đồng Quê Hương"
Đay khá dễ trồng. Đất bãi làm thành từng luống đều đặn, bón ít phân rồi gieo hạt xuống. Một thời gian ngắn hạt nảy mầm và phát triển thành cây đay. Chăm đay cũng nhàn. Nhà nào cẩn thận thì làm cỏ sạch sẽ, vun luống. Có nhà thì cứ để cho cây tự lớn. Thời tiết khô hạn thì tưới cho cây chút ít thôi

Mùa đay ven sông
(Nguyên bản của tác giả)
Nhiều năm làm ăn xa, trở về thăm quê, đi qua bến đò, không còn thấy lại hình ảnh những ruộng đay xanh mướt ven đê nữa.
Có lẽ cái loại cây gắn với những tháng ngày khổ cực những năm 1990 hiện người ta không còn chuộng, mà chuyển sang trồng những giống cây khác, đỡ vất vả và có thu nhập cao hơn. Trồng đay lấy sợi, lúc gieo hạt và chăm sóc thì khá nhàn, nhưng thu hoạch thì rất cực, mà nghĩ lại, nhiều người đã từng trải qua không khỏi lắc đầu ngán ngẩm.
Đay khá dễ trồng. Đất bãi làm thành từng luống đều đặn, bón ít phân rồi gieo hạt xuống. Một thời gian ngắn hạt nảy mầm và phát triển thành cây đay. Chăm đay cũng nhàn. Nhà nào cẩn thận thì làm cỏ sạch sẽ, vun luống. Có nhà thì cứ để cho cây tự lớn. Thời tiết khô hạn thì tưới cho cây chút ít thôi.
Vài ba tháng sau đay đã um tùm xanh mướt, che kín hết cả bãi. Đay cao hơn đầu người lớn rất nhiều, từng hàng, từng luống đều tăm tắp nhìn rất thích mắt. Đám ong và chim thường khoái làm tổ ở đây. Thế là tụi trẻ con chúng tôi lại được dịp chui vào bãi đay để tìm bắt tổ chim, tổ ong. Đứa nào cẩn thận, chui rúc khéo thì đỡ, chứ đứa nào ẩu, chui khỏi ruộng đay là chân tay trầy xước do bị gai đay cào, có thằng dị ứng còn nổi ngứa khắp người mà quê tôi hay gọi là lở đay.
Đến ngày thu hoạch, sáng sớm cả xóm dậy sớm, mang theo dao rựa, xe thồ đi chặt và chở đay về. Những cây đay to dần bị chặt hạ xếp ngổn ngang ngoài bãi, được bó lại thành từng bó gọn gàng, chất lên xe thồ chở về. Có nhà thì chặt đay bỏ phần gốc, có nhà thì nhổ luôn cả cây để lấy phần gốc đay về làm củi đun.
Đến công đoạn tuốt vỏ đay ra khỏi thân. Ngày đó quê chưa có máy móc gì cả. Mọi người chế dụng cụ tuốt đay. Dùng một cây gỗ lớn, có đế là mấy cây gỗ nhỏ hơn để giữ cho nó nằm ngang, ngang với tầm ngực người lớn. Có nhà thì buộc cây gỗ đó vào 2 cái cây mọc gần nhau cho tiện. Trên cây gỗ đóng vài cái đinh dài để định vị cây đay cho chắc chắn. Bộ phận chủ yếu nhất để tách vỏ đay ra khỏi thân là cái vòng bi. Vòng bi to, lấy từ bánh xe bò, xe ba gác, lắp cố định vào cây gỗ.
Trước khi tuốt đay, cây đay được chặt bỏ gốc, và bóc một đoạn vỏ khoảng một gang tay như bóc chuối. Cây đay bỏ lên bàn tuốt, người ta quấn nửa vòng đoạn vỏ đay đã bóc sẵn vào chiếc vòng bi theo chiều ngược kim đồng hồ rồi giật một cái thật lực. Vòng bi quay tròn thế là vỏ đay dần tách hết ra khỏi thân. Thường thì tuốt từng cây một. Thanh niên trai tráng khỏe mạnh, có người để hai ba cây lên tuốt một lượt luôn. Vỏ đay vẫn cầm trên tay, đến lúc tuốt được nhiều thì bó lại, còn cây đay tuốt hết vỏ nhìn trắng toát, do lực xoay vẫn còn lên phóng về phía trước như một mũi tên. Thân đay tuốt vỏ được gom lại thành từng bó đem phơi khô, làm củi, làm bờ rào .
Vỏ đay tuốt ra, bó thành bó lớn rồi bắt đầu ngâm xuống nước. Quê tôi hồi đó mương máng khá nhiều, nên mọi người tận dụng ngâm luôn xuống mương máng trước cửa nhà mình hoặc mang lên cánh đồng xa. Ngâm cỡ nửa tháng lớp vỏ ngoài thối mục và tách ra khỏi vỏ đay, để lại lớp sợi tơ trắng thì cũng là lúc một mùi hôi thối nồng nặc bốc khắp con mương, bờ máng. Nước ngâm đay đen ngòm, bốc mùi, tôm cá chịu không nổi. Lũ cá ngoi hết lên mặt nước để thở. Bọn tôm cua thì nổi lên dạt hết vào bờ. Tất nhiên là mọi người không bỏ qua món hời này rồi. Người thì vó, người thì đinh ba, người thì rổ to đi bắt tôm cua cá. Cá tôm cua nhiều, đi nửa buổi là được bữa rất hoành tráng.
Đay ngâm xong, người ta đem giũ (như kiểu giũ, đập quần áo cái thời chưa có bột giặt, xà phòng) cho sạch hẳn lớp vỏ ngoài, chỉ còn lại sợi đay. Sau đó đem phơi khô rồi chở đi bán.
Để có được bó sợi đay đem bán, người nông dân phải thu hoạch rất vất vả. Tay chân bị gai đay cào rách. Nhựa đay dính đầy quần áo mỗi khi vác những bó đay dài và nặng trịch trên vai để mang chất ra xe. Tuốt đay cật lực, kéo đau hết cả tay. Rồi ngâm mình dưới nước đay hôi thối để giũ đay…. Vất vả là thế nhưng hồi đó mọi người đều chăm chỉ, vui vẻ lạc quan, vì dù sao, so với thời chiến hay thời bao cấp thì được như vậy đã là hạnh phúc lắm rồi.
Trên cánh đồng sau thu hoạch, chỉ còn trơ lại gốc đay của mấy nhà chặt gốc, cùng vài khóm đay người ta chọn giữ lại để lấy hạt gieo. Những bông hoa đay bung nở trắng trắng, tim tím đung đưa trong gió, gọi mời lũ ong bướm đến thụ phấn, kết quả để chờ đợi mùa sau, đay sẽ lại mọc xanh mướt cả bãi sông……
Tạm biệt bãi đay ven sông của những ngày xưa… mà chẳng biết bao giờ sẽ còn được gặp lại – những kỷ niệm của một thời thơ ấu, được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất quê hương.
Nguyễn Văn Đương
Địa chỉ hiện tại : thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương
TIN LIÊN QUAN
- Tin địa phương
- Học và làm theo gương Bác
- Lễ hội Oóc-om-bóc - Đua Ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng
- Tin trong nước
- Đời sống - Xã hội
- Tin thế giới
- Doanh nghiệp - Người tiêu dùng
- Giáo dục - Khoa học & Công nghệ
- Nông nghiệp - Nông thôn
- Pháp luật - Cải cách hành chính
- Lực lượng vũ trang
- Đoàn thể
- Thông báo
- Góc doanh nghiệp
Trần Đề hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, dột nát cho người có công
Ương Nauplius thẻ chân trắng theo quy trình sinh học
Sóc Trăng đảm bảo duy trì tín hiệu thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá
Trần Đề: Người dân đồng thuận cao với Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã
Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng tiếp xúc cử tri xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề; cử tri phường 2, TX. Ngã Năm
Trailer Những hoạt động chính Lễ hội Óoc Om Bóc Đua ghe Ngo khu vực ĐBSCL lần thứ VI và tuần lễ VHTT&DL lần thứ I - 2024
Đài PT-TH Sóc Trăng thông báo tuyển hợp đồng lao động (17-09-2024)
HĐND tỉnh Sóc Trăng thông báo Kỳ họp thứ XXIII (Chuyên đề) HĐND tỉnh Sóc Trăng, Khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026
Công văn số 1963 - CV-TU về Lễ Quốc tang Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Công Văn 1633-CT-TU về việc thực hiện nghiêm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - BÁO VÀ ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều.
Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.
Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.
Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.
® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.