Miền Ngân Sơn thương nhớ - Lưu Thị Hương Lan (Lượt xem: 1275)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Cuộc thi " Viết về cánh đồng Quê Hương"

Cập nhật: 21/03/2017

Tuổi thơ in hằn trong trí nhớ, với một miền trang trại mênh mông, mà những đêm thiếu thời Bắc một mình ngủ lại, không điện đài, tivi, không bóng người, tiếng nói. Mỗi mùa vụ tới, Bắc sẽ được gặp gỡ những bà cô, bà chị. Họ tới giúp nhà Bắc cày bừa, làm đất và gieo sạ

Miền Ngân Sơn thương nhớ - Lưu Thị Hương Lan
Miền Ngân Sơn thương nhớ

   (Nguyên bản của tác giả)

       Từ nhỏ Bắc đã khác với mọi người nên cứ mỗi lần đổi mùa là mỗi lần thích thú. Từ cái nắng phừng phực qua se se lạnh, hay những ngày mưa ẩm ướt hé nắng lên Bắc lại thấy tâm hồn thư thái. Hôm nay nhớ hơn 20 mùa lạnh ở quê nhà quá đỗi. Về không??? Về chơi chút, về gặp nhau chút chứ? Về ru nhau lại trong câu hò bên bến sông quê, để nghe ai hát

       À ơi…Hôm nay tôi về

       Về trong thương nhớ…

       Đó là những năm chín mấy, hai ngàn khi Bắc mười hai, mười lăm tuổi:

       Vùng quê ấy, à không - đúng hơn là vùng trang trại ấy, giờ trong trí nhớ của Bắc đẹp như tranh vẽ, nhất là khi những thứ nhà Bắc trồng đang thì con gái, xanh tơ mơn mởn vừa tầm mắt. Hồi đó, Bắc hay ngẩn ngơ nhìn sóng lúa, sóng mía gờn gợn theo từng cơn gió nhẹ, đôi lúc những gợn sóng ấy tạo thành hình dạng đẹp đến mê người, từ lúc đó Bắc biết vẽ đẹp của tự nhiên, mọi thứ như là vô tình, độc lập nhưng đều hòa quyện, mà sau này khi ra phố Bắc mới biết có rất nhiều thứ bắt chước tự nhiên nhưng tiếc cho Bắc không bao giờ tìm lại cảm giác ngẩn ngơ hồi nhỏ.

       Vùng trang trại mỗi nhà cách nhau vài hecta, thưa người và yên ả đến mức cứ gặp được người qua đường là Bắc vui và bắt chuyện. Người Bắc hay bắt chuyện là những bà ở khác vùng, lên trang trại tìm mua nông sản để về chợ bán, gọi họ là người đi buôn thì đúng hơn là thương lái. Họ đi cùng nhau khoảng ba người, với những chiếc xe đạp cũ đến mức chẳng nhìn thấy màu sơn nhưng chắc chắn, có thể tải nặng kha khá. Phải công nhận là họ khỏe, họ thu mua bất cứ nông sản gì có thể bán được, số lượng bất kể ít nhiều, và chở hết tất cả những thứ mua được trên chiếc xe đạp màu sắt ấy về chợ bán. Bắc nhớ như in đường xá ngày đó nhỏ xíu và ổ gà, đường nhiều khi là bờ đê ruộng nhỏ xíu, hay là những khe nước phải lội qua, hay là những con dốc cao cao, đạp xe lên không nổi mà khi xuống dốc cũng không dám ngồi trên xe.

       Tuổi thơ in hằn trong trí nhớ, với một miền trang trại mênh mông, mà những đêm thiếu thời Bắc một mình ngủ lại, không điện đài, tivi, không bóng người, tiếng nói. Mỗi mùa vụ tới, Bắc sẽ được gặp gỡ những bà cô, bà chị. Họ tới giúp nhà Bắc cày bừa, làm đất và gieo sạ. Bộ quần áo trưng dụng vào đầu mùa gieo cấy sẽ được họ mặc cho đến khi hết người thuê mướn:

-          Hôi không?

-         À không, không nghe hôi.

       Vì nó kiểu như “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” vậy. Vì một chân bước xuống ruộng, là cả một con người chỉ chừa đôi mắt là không dính bùn; vì trên đôi chân bước đi dưới bùn hàng hecta ruộng ấy là năm, sáu đứa con cần ăn, học, cần đổi nghề.

       Gieo lúa rồi, làm kỹ càng lắm nhưng lúa lên nơi dày nơi mỏng, nơi không lên. Nhiều lý do lắm đại loại như không đủ nước, nước ngập, hay giống lúa không tốt, hay trời lạnh quá giống không lên nổi, hay nhờ Trời… – thế là đến mùa Dặm lúa. Dặm lúa là nhổ lúa từ nơi mọc dày sang trồng dặm vào những nơi ít để cho lúa lên đều và đẻ nhiều nhánh. Bắc nhớ như in những mùa khô cạn thiếu nước, đất ruộng khô cứng, nơi lúa dày nhổ bị đứt gốc, nơi lúa mỏng cắm đến chảy máu tay. Mà khi có nước cũng cực, nước lấy từ hồ nuôi vịt, hoặc trên cánh đồng vụ thu hoạch trước người ta thả vịt, y như rằng  sau khi dặm lúa, chân tay Bắc sung phù và ngứa ngáy, mụt nước nổi đầy, đó là một trong những cảm giác Bắc không muốn nhớ tới nhất sau này. Ngày đó, Bắc được mấy bạn cùng lớp khen là có đôi bàn tay, bàn chân đẹp, qua mùa dặm lúa này, móng tay chân Bắc phủ phèn vàng gợn gợn, sưng vù, hết sưng, hết ngứa là sẹo thâm thâm…. Nhưng vẫn làm, vẫn dặm, vẫn nói cười vô tư.

       Những mùa thu hoạch lúa mà khi sức người có giới hạn Bắc đã rơi nước mắt, hoặc ba mẹ Bắc phải mang nợ thêm vì mất mùa, thất thu. Tất cả có đủ hết, cảm xúc rõ ràng như mới hôm qua, trải bạt phơi cả mấy tấn lúa, lội cày, lật trở để cho mau khô mà bán thì trời đổ mưa, mưa ào ào – Lúa trôi đi đâu? Trời mưa làm gì? Vì sao Bắc bé nhỏ??? Tất cả ký ức đó rõ ràng với Bắc lắm…

       Hay những mùa bội thu, vui mừng chưa rõ ràng mà lái buôn trả giá rẻ mạt chèn ép đủ đường, có những hôm Bắc cũng như bao người khác trong đêm tối, với tấm vải nilon trải ra đường ngủ để canh chừng nông sản thu hoạch mà không ai mua. Vô vàn những ký ức về quê hương, về tuổi thơ gắn với mãnh đất này. Hồi đó có biết sao là cực cho nên vẫn thấy sướng. Giờ nghĩ lại cũng đâu có thấy cực, chỉ thấy nhớ miên man. Quê hương là nơi Bắc vẫn thường nhớ, nhưng không phải là nơi Bắc về. Lý do Bắc nói là vì mưu sinh.

       À ơi…tôi về…

       Ru tôi ở lại miền quê….

       À ơi……..À ời….

 

Thông tin liên hệ:

Họ tên: Lưu Thị Hương Lan

Địa chỉ: 197/13/29/14 TL15, Phường Thạnh Lộc, Quận 12, TPHCM

 


TIN LIÊN QUAN

QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - BÁO VÀ ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online