MẸ TÔI LÀ NÔNG DÂN - Nguyễn Thị Bích Nhàn (Lượt xem: 1651)
>> TIN TỨC
>> Cuộc thi " Viết về cánh đồng Quê Hương"
Tôi nhớ những buổi trời đông lạnh quéo quắt, mẹ mặc áo tơi ra đồng. (Mẹ tự lên núi kiếm lá về làm áo tơi cho cả nhà). Vụ lúa Đông Xuân nên phải cuốc góc, chải bờ trong những ngày trời còn rả rích mưa. Đằng nào chiều mẹ cũng đem về một giỏ cua, rồi lui cui xuống bếp nấu canh với đu đủ nêm lá gừng cho chị em tôi. Mùa đông, được ăn món canh ấy do chính tay mẹ nấu là tuyệt nhất. Tôi và bé Út cứ lom lom nhìn mấy con cua bò lổn ngổn trong giỏ để xí con cua có cái càng to mà không hay, đôi tay mẹ dày lên, chai sần nhưng vẫn bị cua kẹp tướm máu. Đó là kết quả của việc mẹ thọc tay vô hang, ráng chịu đau để bắt những con cua to, đem những cái càng béo múp về cho chị em tôi.

Mẹ quê
(Nguyên bản của tác giả)
Mẹ tôi làm nông, thời gian ở ngoài đồng nhiều hơn ở nhà. Cày, sạ, be bờ cuốc góc, vãi phân nhổ cỏ, cấy dặm, cắt lúa, phơi rơm… Tất tật. Việc gì của nhà nông mẹ cũng đều làm được, làm giỏi nữa là đằng khác. Một mình với năm đứa con cùng mấy sào ruộng khoáng, mẹ quanh năm bươn bả, gò lưng trên đồng cạn, lặn lội dưới đồng sâu. Ai khen giỏi thì mẹ cười: Không giỏi cũng phải giỏi, không làm lấy gì nuôi con…
Chỉ cần nhìn mẹ là biết lúa đồng đang ở kì nào. Trên người mẹ lúc nào cũng hiện diện những “sản phẩm” của đồng ruộng. Trên đầu luôn thường trực chiếc nón cũ kĩ, khi thì sợi rơm khô trên tóc, lúc trong túi áo rớt ra mấy hạt thóc, móng tay móng chân vàng khè, màu của phèn. Mẹ “tự trào”, làm nông khỏi cần đi sơn móng chân ! Lưng áo mẹ luôn mướt mồ hôi. Vác cày vác bừa, trên vai kẽo kẹt đôi quang gánh, khi cầm cuốc, lúc cầm liêm… Nhưng nỗi cơ cực không làm cho mẹ … bớt đẹp. Không hề ! Mẹ đậm người, khỏe khoắn, tóc dài bới cao, khuôn mặt háp nắng vẫn đôn hậu. Tôi nhiều khi nghĩ, mẹ đẹp hơn bất cứ một thiên thần nào với hình ảnh vừa đưa tay quẹt mồ hôi vừa cười – vẻ đẹp tảo tần, chịu thương chịu khó.
Hồi ấy tôi còn nhỏ, chỉ thấy đặc biệt tự hào mỗi khi nghe người trong xóm trầm trồ, má tụi bây làm lở núi lở non chứ chưa thấu nỗi cơ cực của mẹ. Giờ ngồi kể chuyện này, thấy mủi lòng muốn khóc! Mồ hôi mẹ mầy ướt cả cánh đồng!
Tôi nhớ những buổi trời đông lạnh quéo quắt, mẹ mặc áo tơi ra đồng. (Mẹ tự lên núi kiếm lá về làm áo tơi cho cả nhà). Vụ lúa Đông Xuân nên phải cuốc góc, chải bờ trong những ngày trời còn rả rích mưa. Đằng nào chiều mẹ cũng đem về một giỏ cua, rồi lui cui xuống bếp nấu canh với đu đủ nêm lá gừng cho chị em tôi. Mùa đông, được ăn món canh ấy do chính tay mẹ nấu là tuyệt nhất. Tôi và bé Út cứ lom lom nhìn mấy con cua bò lổn ngổn trong giỏ để xí con cua có cái càng to mà không hay, đôi tay mẹ dày lên, chai sần nhưng vẫn bị cua kẹp tướm máu. Đó là kết quả của việc mẹ thọc tay vô hang, ráng chịu đau để bắt những con cua to, đem những cái càng béo múp về cho chị em tôi.
Ruộng sạ rồi thì mẹ đi cấy dặm. Tôi từng theo mẹ đi cấy một buổi sáng chủ nhật. Khom đầu cấy tới trưa là nổ đom đóm luôn. Bước lên tới bụi tre giữa đồng ăn cơm, nằm ngửa ra nghỉ mệt thì có cảm giác như cái lưng bị uốn cong giờ bất ngờ được kéo thẳng. Con gái mười chín thở than, ngồi đấm lưng thùm thụp. Vậy mà mẹ đi cấy ròng rã. Làm ruộng nhà xong là te te đi cấy mướn. Chỉ có ra đồng mới thấu hết nỗi cực của nhà nông, nghĩ thương mẹ gớm!
Rồi khi ruộng vào mùa gặt, mẹ đi cắt lúa mướn, bất kể ngày đêm, ai kêu lúc nào đi lúc nấy (quê tôi hồi ấy, vào vụ lúa gặp trăng thì người ta thường tổ chức cắt lúa đêm). Cắt lúa đêm, nghe thôi đã thấy hấp dẫn. Tôi ham vui nên nhiều lần xin theo, mẹ gắt, lo ở nhà học đi...
Người ta bảo làm nông thì rảnh rỗi nhiều nhưng mẹ tôi thì không bao giờ hết việc.
Sau mùa gặt, mẹ sẽ đi mót lúa. Mót lúa bằng cách tới ruộng người ta xin được phụ cắt, chủ nhà sẽ trả công bằng một bó lúa. Rồi mẹ thức trắng đêm giũ rơm, nhặt lại từng hạt lúa sót. Ruộng cắt xong thì mẹ lội hết đám này đến đám ruộng khác, lùng tìm trong rạ những gié lúa bị rớt, khom nhặt những hạt lúa rụng trên kẽ đất.
Lúa nhà làm, hạt tròn mẩy thì bán lo tiền học, lo chạy chợ. Còn lúa mót có lẫn nhiều cát sạn thì để lại ăn. Tôi có lần nhăn nhó vì nhai phải hạt sạn, mẹ rớm nước mắt xin lỗi con gái. Từ bữa đó, cả nhà ăn cơm, gặp phải sạn thì “giấu nhẹm”, vui vẻ ăn.
Rời xa cánh đồng làng. Tôi đi học xa nhà, thi thoảng đem bạn về chơi, bắt gặp cảnh mẹ đi mót lúa. Thấy “mất mặt” với bạn bè, tôi năn nỉ mẹ đừng đi mót lúa nữa. Mẹ vẫn xách thúng ra đồng. Mẹ bảo, một hạt lúa trên đồng là mười hạt mồ hôi của người nông dân, phải nhặt cho bằng hết./.
Nguyễn Thị Bích Nhàn
Trường THCS và THPT Võ Văn Kiệt, Sơn Giang, Sông Hinh, Phú Yên
TIN LIÊN QUAN
- Tin địa phương
- Học và làm theo gương Bác
- Lễ hội Oóc-om-bóc - Đua Ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng
- Tin trong nước
- Đời sống - Xã hội
- Tin thế giới
- Doanh nghiệp - Người tiêu dùng
- Giáo dục - Khoa học & Công nghệ
- Nông nghiệp - Nông thôn
- Pháp luật - Cải cách hành chính
- Lực lượng vũ trang
- Đoàn thể
- Thông báo
- Góc doanh nghiệp
Trần Đề hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, dột nát cho người có công
Ương Nauplius thẻ chân trắng theo quy trình sinh học
Sóc Trăng đảm bảo duy trì tín hiệu thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá
Trần Đề: Người dân đồng thuận cao với Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã
Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng tiếp xúc cử tri xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề; cử tri phường 2, TX. Ngã Năm
Trailer Những hoạt động chính Lễ hội Óoc Om Bóc Đua ghe Ngo khu vực ĐBSCL lần thứ VI và tuần lễ VHTT&DL lần thứ I - 2024
Đài PT-TH Sóc Trăng thông báo tuyển hợp đồng lao động (17-09-2024)
HĐND tỉnh Sóc Trăng thông báo Kỳ họp thứ XXIII (Chuyên đề) HĐND tỉnh Sóc Trăng, Khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026
Công văn số 1963 - CV-TU về Lễ Quốc tang Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Công Văn 1633-CT-TU về việc thực hiện nghiêm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - BÁO VÀ ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều.
Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.
Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.
Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.
® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.