Lối về ấu thơ - Hồ Thị Linh Xuân (Lượt xem: 786)
>> TIN TỨC
>> Cuộc thi " Viết về cánh đồng Quê Hương"
Mỗi người đều có chung một quê hương lớn. Và từ hồi “mang gươm đi mở cõi”, văn hoá nghìn năm là bắt nguồn từ những cánh đồng quê. Chúng ta đang ngày càng giàu lên nhờ công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Nhưng thầm trong thâm tâm mỗi người, tin chắc, chưa bao giờ quên xuất thân của cha ông mình cũng từ dòng dõi Thần nông.

Lối về ấu thơ
Là con của một người nông dân bao đời gắn chặt với cánh đồng quê hương, sinh ra từ nỗi vất vả với ao sâu ruộng cạn, ký ức về cánh đồng, về tuổi thơ êm đềm với cánh diều, mùi khói đốt đồng, mùa cày cấy, mùa gặt hái, bão giông với những trận lũ, những cơn mưa, tấm thân cơ cực, lam lũ... thực sự là nhiều vô kể. Để viết về một kỷ niệm đã qua, nhiều lúc khiến mình xúc động nghẹn ngào. Nhưng hơn hết, những kỷ niệm đó đã luôn đi cùng mình, ít nhiều đã góp phần dung dưỡng tâm hồn mình, để trở thành mình của hôm nay, yêu thương đồng loại, đón nhận và giữ gìn những điều tốt đẹp mà cuộc sống mang tới, biết trân trọng công sức lao động, tôn trọng và yêu quý những người chấp nhận gian khổ, dù nghèo khó vẫn thuỷ chung với cây lúa như máu thịt mình.
Mình có nhiều cảm xúc khi viết cho quê hương, muốn qua những dòng dung dị, bạn đọc có thể mường tượng về một mảnh đất nhiều đau khổ nhưng nghĩa khí và chân tình. Điều mình có thể trao trọn cho quê nhà luôn là một tấm lòng. Chia sẻ, để mỗi người đều thấy thêm yêu quê hương. Đọc, để cảm nhận tình yêu đó không hề khác nhau trên mọi miền đất nước.
Mỗi người đều có chung một quê hương lớn. Và từ hồi “mang gươm đi mở cõi”, văn hoá nghìn năm là bắt nguồn từ những cánh đồng quê.
Chúng ta đang ngày càng giàu lên nhờ công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Nhưng thầm trong thâm tâm mỗi người, tin chắc, chưa bao giờ quên xuất thân của cha ông mình cũng từ dòng dõi Thần nông.
Lối về ấu thơ
“Ai biểu mày là con nông dân…thì khổ”. Mỗi lần trộm nhìn về thơ ấu là lại nhớ câu nói châm chọc năm nào của thằng Giới, cái thằng đã béo ụ mà còn được cái…hay vênh mặc tự cao.
Âu cũng là nết trời cho. Bảy tuổi đã biết khi người. Thân đứng một mét nhưng sự kiêu căng đã chạm đến mốc mười mét. Cha nói “trẻ con mà, chưa biết trời cao thì làm sao hiểu lớn lao cái chuyện ai làm nên no ấm”. Mà cũng phải, cha nói thì chớ sai, bởi nhà thằng Giới quá giàu. Tiền nhà nó mà đem mua sô cô la thì tất cả bọn trẻ con trong xóm có ăn đến sún hết răng cũng không đời nào mà hết.
Cha là nông dân. Cha thằng Giới là doanh nhân. Vậy mà chẳng hiểu lẽ gì hai con người như hai thế giới ấy lại trở thành đôi bạn thân thiết. Hồi đó chưa biết nghĩ nhiều, giờ lớn rồi, chợt ngờ ngờ, phải chăng ngoài kia chợ đời man trá lọc lừa, nên ai cũng thiết tha thèm cái gì bình dị, chân chất, giản đơn như tình bạn của một bác nông dân, thật thà, phóng khoáng và nhân nghĩa?
Trẻ con không thỏa hiệp. Dù cha đã dạy nên mở rộng trái tim mình thì vẫn kiên quyết muốn “bo xì” cái thằng Trư Bát Giới xấu tính, thân hình đã không được đẹp mà tính tình còn hợm hĩnh khó ưa. Suốt thời thơ ấu ghét thằng Giới. Ghét cay ghét đắng thằng tép con hay giật xoăn đôi bím tóc điệu đà, trêu chọc làn da đen và cười đứa con gái nhà quê chê sô cô la dở ẹc. Ghét lắm cái thằng công tử bột, sợ như sợ hủi chút bùn đất trên miếng ruộng của quê nghèo.
Cho đến sau này, khi công việc làm ăn của cha thằng Giới rơi xuống vực thẳm, đến nỗi người đàn ông trụ cột của gia đình phải treo cổ tự vẫn để lấy tiền bảo hiểm, thằng Giới mồ côi, mới nhận ra những hờn mác khi xưa chẳng còn mải mai đi dạo trong tâm trí. Nghe lời cha, “tha thứ là một món quà”. Thấy thương thằng Giới nhiều. Tuổi thơ nó tưởng là sung sướng lắm nhưng hóa ra lại là điều tiếc nuối khi sau này nó phải gai góc lớn khôn.
Bao năm rồi bặt tin. Ký ức của hồi năm bảy tuổi thì vẫn nằm yên, hiền hoà ở quá khứ. Bây giờ thậm chí không hình dung được gương mặt thằng Giới, nhưng vẫn ước được gặp lại nó, để tâm tình vài ba chuyện vụn vặt mà nó đã bỏ lỡ, là những điều tuyệt diệu nhất thế gian.
Giới à, để tao kể cho mày nghe…
Chiếc xuồng ba lá mà mày chê đi chậm hơn con Dream II nhà mày một trăm lần rưỡi là con tàu vĩ đại chở đám mạ non cấy đủ một khoảng đồng rộng bao la. Còn lâu mày mới dám ngồi trên xuồng, đu đưa chân mày xuống ruộng để…bị đĩa đeo giống như tao. Mày đừng cười chuyện tao khóc ré lên, thì trẻ con mà, đứa nào không nhát gan sợ mấy loài sinh vật lạ. Nhưng cha tao hồi năm tuổi đã biết ngồi vắt vẻo cưỡi trâu, nên cũng có chút kinh nghiệm bắt cái loài hút máu. Mày nghe rồi cái câu “dai như đĩa” thì chắc cũng tưởng tượng ra cái con vật dợm gớm ghiếc ấy đã đeo ai thì đeo chặt đến thế nào. Nhưng cha tao chỉ cần bôi cho nó chút nước bọt là nó đã chun lại buông tha tao. Mày chắc đang nghiêng đầu ngửa cổ thắc mắc hỏi tại sao ba tao chơi thân với con trâu mà hiểu nằm lòng con đĩa. Vì mấy con đĩa loại này, tên cúng cơm chính xác của tụi nó là đĩa trâu. Sở dĩ được danh giá mang tên người bạn thân thiết của người nông dân vì tụi nó được sinh ra ở những trũng trâu nằm, mà hồi đó xứ mình người ta nuôi trâu rất nhiều để cày ruộng. Giấc ngủ trưa của mày hẳn là thiếu những lời ru ca dao tha thiết của bà, của mẹ như tao, nên mày không thuộc đâu cái câu à ơi, chứ “Trên đồng cạn, dưới đồng sâu/Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa”.
Bây giờ mày có về quê, lặn ngụp nát đồng chắc cũng chẳng thể tìm đâu ra mấy con đĩa đói. Trâu đã không còn thì lũ đĩa cũng mất tăm. Giờ người dân quê cày xới toàn bộ bằng máy móc, các bác trâu cui cần mẫn bị cho lui về trang trại, được nuôi nấng để cung cấp thịt cho ngành thực phẩm, thay vì lấy sức bừa sức kéo như xưa.
Tao hơi ngậm ngùi vì thấy mình giống như đã bội hứa với người bạn thuở hàn vi. Cái lời hứa rằng “Bao giờ cây lúa còn bông/Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn” hồi xưa ấy. Nhưng tao cũng phải thực tế mà chấp nhận rằng, thế giới loài người cần những cải tiến để trở nên tốt đẹp hơn.
Có bao giờ mày trở lại quê xưa? Tao có còn ghét mày đâu, sẽ kể mày nghe rất nhiều về những trò ấu thơ mà mày chưa biết. Tao sẽ chỉ mày đặt lờ, nơm cá và hớt cá lia thia. Liệu có một ngày nào là của ngày mai để cho tao dắt mày trở về thời thơ ấu, chân trần tung tăng ca hát, chặt mấy cây trúc sau hè làm thành những cần câu. Rồi thêm những buổi chiều ngắm cánh diều mỏi mắt trên nền trời thăm thẳm, tao tin mày sẽ yêu những điều dung dị giữa đời thường.
Mày à, về với tuổi thơ không?
Hồ Thị Linh Xuân
Thạnh Trị - Sóc Trăng
TIN LIÊN QUAN
- Tin địa phương
- Học và làm theo gương Bác
- Lễ hội Oóc-om-bóc - Đua Ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng
- Tin trong nước
- Đời sống - Xã hội
- Tin thế giới
- Doanh nghiệp - Người tiêu dùng
- Giáo dục - Khoa học & Công nghệ
- Nông nghiệp - Nông thôn
- Pháp luật - Cải cách hành chính
- Lực lượng vũ trang
- Đoàn thể
- Thông báo
- Góc doanh nghiệp
Trần Đề hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, dột nát cho người có công
Ương Nauplius thẻ chân trắng theo quy trình sinh học
Sóc Trăng đảm bảo duy trì tín hiệu thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá
Trần Đề: Người dân đồng thuận cao với Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã
Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng tiếp xúc cử tri xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề; cử tri phường 2, TX. Ngã Năm
Trailer Những hoạt động chính Lễ hội Óoc Om Bóc Đua ghe Ngo khu vực ĐBSCL lần thứ VI và tuần lễ VHTT&DL lần thứ I - 2024
Đài PT-TH Sóc Trăng thông báo tuyển hợp đồng lao động (17-09-2024)
HĐND tỉnh Sóc Trăng thông báo Kỳ họp thứ XXIII (Chuyên đề) HĐND tỉnh Sóc Trăng, Khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026
Công văn số 1963 - CV-TU về Lễ Quốc tang Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Công Văn 1633-CT-TU về việc thực hiện nghiêm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - BÁO VÀ ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều.
Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.
Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.
Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.
® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.