LÀNG TÔI NGÀY ẤY - Trần Thị Kim Oanh (Lượt xem: 394)
>> TIN TỨC
>> Cuộc thi " Viết về cánh đồng Quê Hương"
Tôi đã từng nghe ai đó định nghĩa rằng “ Nghề nông là nghề đầu tắt, mặt tối, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho Trời…”. Thế nhưng, tuổi thơ của tôi cũng đã từng chứng kiến, mẹ tôi làm nông, cha tôi làm nông và cả chị tôi cũng làm nông…Thỉnh thoảng, tôi cũng vắt vẻo trên lưng trâu theo cả nhà ra đồng trong những ngày mùa rộn rã như ngày hội.

Làng tôi ngày ấy
(Nguyên bản của tác giả)
Làng tôi nằm tựa lưng bên chân Núi Giáng Hương, chỉ cách thành phố biển Nha Trang hơn 3 cây số.
Những thập niên 80, làng tôi nổi tiếng với thương hiệu gạo Thành. Hầu như gạo Thành cung cấp cho cả thành phố Nha Trang, gạo Thành đánh bật các loại gạo khác về độ dẻo cơm và mùi thơm đặc biệt.
Tôi nhớ những ngày mùa đông, mưa phùn rả rích, cả nhà tôi hớn hở quây quần bên nồi cơm gạo mới còn bốc khói, chỉ với độc nhất một chén nước mắm có vài lát ớt đỏ au hay một đĩa cá rô đồng chiên giòn. Chỉ cần thế thôi, tôi gọi đó là hạnh phúc.
Ngày ấy, làng tôi được bao bọc bằng những cánh đồng bạt ngàn, xanh thẫm. Sáng sớm, cả làng í ới gọi nhau ra đồng. Chiều tối, cả làng lại í ới gọi nhau lùa trâu về chuồng. Cuộc sống cứ thế trôi đi thanh bình, êm ả.
Tôi đã từng nghe ai đó định nghĩa rằng “ Nghề nông là nghề đầu tắt, mặt tối, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho Trời…”. Thế nhưng, tuổi thơ của tôi cũng đã từng chứng kiến, mẹ tôi làm nông, cha tôi làm nông và cả chị tôi cũng làm nông…Thỉnh thoảng, tôi cũng vắt vẻo trên lưng trâu theo cả nhà ra đồng trong những ngày mùa rộn rã như ngày hội.
Tôi nhớ mãi không quên, đôi mắt sáng rỡ và nụ cười tươi như hoa của mẹ tôi khi gánh những gánh lúa vàng rực, kĩu kịt về nhà. Cha tôi, ông biểu lộ niềm vui bằng những buổi chiều khề khà cùng bạn bè , chòm xóm bên nồi rượu nếp cẩm vừa mới cất. Với chị Hai của tôi, cánh đồng lại là nơi nảy nở một câu chuyện tình yêu lãng mạn, đẹp hơn tất cả những câu chuyện tình yêu trong phim Hàn Quốc mà hiện tại nhiều người mê mẩn. Còn lũ trẻ chúng tôi…Thôi thì có đủ thứ trò để chơi, để nhớ, để khắc vào trong ký ức… Tôi làm sao quên được, những trưa nắng trốn mẹ ra đồng đào hang, bắt dế… rồi nằm bò ra ruộng, thi thố với nhau xem dế của đứa nào gáy to nhất, đá hăng nhất…Hết mùa dế, lại rủ nhau ra đồng thả diều, đứa nào cũng tranh nhau chạy dọc bờ ruộng, thả làm sao cho con diều phất phới, bay thật cao trên bầu trời, rồi dõi mắt nhìn theo hí hửng cười. Những hôm trời mưa tầm tã, lũ trẻ chúng tôi cũng rủ nhau ra đồng vừa tắm mưa, vừa đi chụp ếch để đêm về cả nhà sum vầy bên nồi cháo ếch húp xì xụp, nghe hơi ấm lan tỏa đến từng chân tóc…
Rồi một ngày nọ làn sóng đô thị hóa tràn về, những ngôi nhà xây mọc lên nuốt dần những cánh đồng xanh thẫm. Sáng sáng, không còn những tiếng gọi nhau í ới. Chiều về, cũng không còn cảnh cha tôi với bạn bè, chòm xóm rôm rả nói cười, mời nhau cùng thưởng thức những bình rượu mới nấu. Thương hiệu gạo Thành đi vào quên lãng, chị Hai của tôi và ông anh rể, những nhân vật chính trong câu chuyện tình yêu ngày ấy, mỗi người mỗi ngã, anh ra thành phố làm thợ hồ, chị ở nhà lầm lũi với vườn rau và đàn gà, cả tuần mới được hội ngộ với nhau ngày chủ nhật.
Chúng tôi, lũ trẻ của thập niên 80, 90, 2000… lớn lên, nhiều người cũng bỏ làng đi tìm kế mưu sinh ở khắp nơi…Làng bây giờ còn lại những ông già bà lão như cha tôi, mẹ tôi… họ sống lặng lẽ sau những cánh cổng sắt nặng nề, khép kín vì sợ môi trường ô nhiễm, sợ bọn trộm cướp đột nhập…bên cạnh là những đứa cháu, cả ngày sau giờ đến trường trở về nhà là chúi mũi vào màn hình điện thoại, vi tính…Có đứa còn không biết con dế nó gáy thế nào, có đứa lại nhầm con ếch là con cóc…
Thỉnh thoảng tôi cũng về làng, làng bây giờ đã là phố với con đường to đầy ổ voi, ổ gà và những đoàn xe tải lũ lượt kéo nhau ra vào núi Giáng Hương mang theo khói bụi mịt mù. Trong đám bụi mù trời ấy, tôi lại nhớ mùi hương đồng gió nội của xóm Núi Giáng Hương ngày nào…
Vẫn biết rằng, xã hội phải càng ngày càng phát triển, nhà tranh, nhà đất…phải dần dần được thay thế bằng nhà lầu, nhà ngói… với máy điều hòa, máy vi tính có những trò chơi điện tử…Nhưng sao tôi vẫn thèm, chén cơm gạo Thành, chén cháo ếch làm ấm lòng người trong những đêm mưa lạnh. Đôi khi, tôi vẫn thầm ước, thời gian quay lại, cho tôi được cùng với cha mẹ, chị Hai và lũ nhóc trong làng tung tăng ra đồng…Chỉ cần thế thôi, tôi gọi đó là hạnh phúc…
Kim Oanh
Đ/c: 53 Nguyễn Hữu Huân – Nha Trang
TIN LIÊN QUAN
- Tin địa phương
- Học và làm theo gương Bác
- Lễ hội Oóc-om-bóc - Đua Ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng
- Tin trong nước
- Đời sống - Xã hội
- Tin thế giới
- Doanh nghiệp - Người tiêu dùng
- Giáo dục - Khoa học & Công nghệ
- Nông nghiệp - Nông thôn
- Pháp luật - Cải cách hành chính
- Lực lượng vũ trang
- Đoàn thể
- Thông báo
- Góc doanh nghiệp
Trần Đề hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, dột nát cho người có công
Ương Nauplius thẻ chân trắng theo quy trình sinh học
Sóc Trăng đảm bảo duy trì tín hiệu thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá
Trần Đề: Người dân đồng thuận cao với Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã
Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng tiếp xúc cử tri xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề; cử tri phường 2, TX. Ngã Năm
Trailer Những hoạt động chính Lễ hội Óoc Om Bóc Đua ghe Ngo khu vực ĐBSCL lần thứ VI và tuần lễ VHTT&DL lần thứ I - 2024
Đài PT-TH Sóc Trăng thông báo tuyển hợp đồng lao động (17-09-2024)
HĐND tỉnh Sóc Trăng thông báo Kỳ họp thứ XXIII (Chuyên đề) HĐND tỉnh Sóc Trăng, Khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026
Công văn số 1963 - CV-TU về Lễ Quốc tang Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Công Văn 1633-CT-TU về việc thực hiện nghiêm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - BÁO VÀ ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều.
Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.
Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.
Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.
® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.