Kỹ thuật trồng cây Na Thái sử dụng gốc ghép từ giống Na địa phương (Lượt xem: 3036)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Nông nghiệp - Nông thôn

Cập nhật: 03/12/2023

Cây Na dai hay còn gọi là Mãng Cầu dai, là loại cây trồng dễ tính, thích nghi tốt với thời tiết nên tại tỉnh Sóc Trăng, nông dân đã lựa chọn để phát triển, hiện được gần 100 ha, tập trung chủ yếu tại TX. Vĩnh Châu. Tuy được thị trường ưa chuộng, nhưng thời gian bảo quản trái Na dai vẫn một số hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng thịt trái,… Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như chất lượng sản phẩm, Trung tâm giống nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã thử nghiệm trồng cây Na Thái từ gốc ghép là giống Na địa phương.   

Kỹ thuật trồng cây Na Thái sử dụng gốc ghép từ giống Na địa phương
 Trái Mãng Cầu dai (Trái Na).

Cây Na dai ưa đất thoáng, chống hạn tốt, chống úng kém. Khi thời tiết khô hạn, cây rụng lá, mùa mưa vào tháng 4 - 5, cây ra lá, ra hoa tạo quả. Tại Sóc Trăng, cây trồng này thích nghi tốt với vùng đất cát ven biển. Những năm 80 của thế kỷ trước, nông dân thị xã Vĩnh Châu đã trồng giống cây Na dai vì điều kiện thổ nhưỡng đáp ứng yêu cầu để trồng và phát triển giống cây ăn trái này. Ưu điểm nổi trội cây Na dai trồng ở Vĩnh Châu là thịt trái có độ cát và dai, hương thơm, vị ngọt, thị trường tiêu thụ rộng khắp tại các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, khoảng 1-2 thập niên gần đây năng suất và phẩm chất trái thấp hơn so với trước đây (trái nhỏ đi, méo mó, vỏ trái bị đen và thịt trái có nhiều hạt) nên đã giảm diện tích trồng, hiện chỉ còn khoảng 40 ha.

Nguyên nhân được bà Thạch Thị Thu Hiền (ảnh trên) - Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TX. Vĩnh Châu, cho biết: Điều kiện thổ nhưỡng của TX. Vĩnh Châu rất phù hợp để trồng cây Mãng Cầu dai và nông dân thị xã cũng đã trồng cây này trên 20 rồi nên cây đã bị già cỗi. Mặc dù chất lượng trái rất ngon nhưng năng suất thấp hơn so với trước đây. Định hướng sắp tới là tuyên truyền nông dân để lồng ghép đưa giống Na dai Thái Lan vào, nhất là những vườn sản xuất không còn hiệu quả trước.

Hiện tại TX. Vĩnh Châu, đã có nhà vườn chuyển sang trồng giống Na dai Thái Lan là giống cho trái lớn nhất trong các giống Na dai (tính tới thời điểm hiện tại). Nếu chăm sóc tốt, cây trồng từ 16-18 tháng tuổi đã bắt đầu cho trái và có thể ra hoa, ra trái quanh năm. Trái ít hạt hoặc không có hạt, có vị ngọt thanh, thơm, thịt dai nên được nhiều người ưa chuộng; ít bị nứt bể khi chín nên thuận lợi khi thu hoạch và vận chuyển. Cây kháng bệnh tốt, dễ chăm sóc, năng suất và chất lượng trái đều đạt hơn so với giống Na dai địa phương.

Vườn trồng Na Thái của ông Tăng Na Ry (áo thun).

Ông Tăng Na Ry ở xã Lai Hòa, TX. Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, đã chuyển sang trồng Na Thái, bước đầu mang lại hiệu quả, ông nói: Hồi trước tôi có trồng giống Na địa phương nhưng không hiệu quả nên phá bỏ vườn để trồng hoa, màu được vài năm. Tìm hiểu trên mạng thấy ở Tiền Giang, Đồng Tháp trồng giống Na Thái hiệu quả nên mới đi mua giống về trồng đến giờ. So với giống Na địa phương thì trồng giống Na Thái hiệu quả cao hơn rất nhiều lần. Hiện trái Na giống địa phương giá 20.000đ/kg, còn giống Na Thái thương lái cân 57.000/kg.

Từ nhu cầu chuyển đổi này, thay vì phá bỏ toàn bộ diện tích trồng giống Na địa phương sẵn có để trồng trực tiếp cây giống Na Thái, Trung tâm giống Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã tiến hành ghép cải tạo cây Na giống địa phương sang giống Na Thái Lan bằng phương pháp ghép cây giống Na Thái Lan trên gốc ghép Na dai địa phương để cho ra những trái Na lớn mang lại giá trị cao gấp 2 đến 3 lần. Thời gian từ trồng đến khi cho trái của cây sẽ được rút ngắn, chất lượng trái khi thu hoạch vẫn giữ được độ dai, ngon như giống Na địa phương. 

Gốc ghép Na Thái và giống Na địa phương.

Để việc chuyển đổi mang lại hiệu quả tối ưu nhất, nhà vườn cần lưu ý một số vấn đề kỹ thuật liên quan đến thời điểm trồng, mật độ trồng, kỹ thuật chuẩn bị đất, đào hố, bón lót trước khi trồng, kỹ thuật chăm sóc, cắt tỉa, bón phân đến thu hoạch, chọn cây giống tốt; thời gian ghép thích hợp để tỷ lệ ghép thành công cao, cây sinh trưởng, phát triển tốt; đồng thời, kết hợp các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để gia tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Thạc sĩ Hứa Thanh Xuân (ảnh dưới) - Trưởng Phòng Kế hoạch Nghiệp vụ, Trung tâm giống nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng lưu ý một số vấn đề kỹ thuật như sau: Trong mùa nắng phải đậy gốc tưới nước đầy đủ, mùa mưa phải đào rảnh thoát nước tốt để hạn chế rễ bị ngập úng làm cây suy kiệt. Quản lý phòng một số đối tượng sâu bệnh phổ biến như: Bệnh thán thư, bệnh thối rễ, rệp sáp gây hại trái, sau đục cành. Ở giai đoạn xử lý ra hoa, nhà vườn cần tỉa cành, tạo tán để xử lý ra hoa theo đúng thời gian mong muốn. Sau khi ra hoa khoảng 2 tháng thì tiến hành bao trái để hạn chế sâu bệnh như sâu đục trái, rệp sáp tấn công gây hại làm giảm phẩm chất trái.

Với những ưu điểm tốt hơn về trong lượng, thời gian bảo quản và chất lượng trái, việc phát triển cây Na Thái bằng gốc ghép địa phương sẽ mở ra cho bà con nông dân Vĩnh Châu nói riêng và các địa phương khác trên địa bàn tỉnh nói chung những định hướng mới trong quá trình lựa chọn đối tượng cây trồng có giá trị kinh tế cao để chuyển đổi sản xuất. Điều này cũng phù hợp với mục tiêu cơ cấu lại ngành Nông nghiệp mà tỉnh Sóc Trăng vẫn đang nỗ lực thực hiện nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ở từng địa phương.

Hoàng Phong, Ngọc Thơ


QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online