Hương vị quê nhà - Hoài Hương (Lượt xem: 877)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Cuộc thi " Viết về cánh đồng Quê Hương"

Cập nhật: 25/04/2017

Nhớ ngày còn bé, tôi và các anh chị thường hay tay cuốc, tay liềm theo mẹ ra đồng. Ruộng nhà tôi không rộng, gia đình lại đông người, một năm tiết kiệm cũng chỉ vừa đủ gạo ăn. Ngày ấy, mỗi lần thấy chiếc máy cày kềnh càng với những cái chảo to tròn, ồn ào đi khắp xóm là tôi biết sắp vào vụ mùa. Cả xã chỉ có một chiếc, nên mỗi lần muốn cày ruộng, cày đất thì phải đi thuê mướn sớm.

Hương vị quê nhà - Hoài Hương
Hương vị quê nhà
 (Nguyên bản của tác giả)

Chuyến xe sớm đưa tôi qua cánh đồng lúa bạt ngàn ven quốc lộ 1A. Trước mắt tôi là màu xanh mạ non tràn đầy sức sống trải rộng tới tận đường chân trời. Những lá lúa bé xinh khẽ cười trước gió như những đứa trẻ hồn nhiên vẫy gọi nhau. Bao ký ức tuổi thơ lại ùa về...

Nhớ ngày còn bé, tôi và các anh chị thường hay tay cuốc, tay liềm theo mẹ ra đồng. Ruộng nhà tôi không rộng, gia đình lại đông người, một năm tiết kiệm cũng chỉ vừa đủ gạo ăn. Ngày ấy, mỗi lần thấy chiếc máy cày kềnh càng với những cái chảo to tròn, ồn ào đi khắp xóm là tôi biết sắp vào vụ mùa. Cả xã chỉ có một chiếc, nên mỗi lần muốn cày ruộng, cày đất thì phải đi thuê mướn sớm.

Những công đoạn đầu tiên như chọn giống, ủ mầm, gieo sạ là một tay mẹ tôi cáng đáng vì mẹ cẩn thận, tỉ mỉ và có thâm niên làm nông mấy chục năm trời. Chúng tôi thường phụ mẹ nhổ mạ, cấy lúa, đắp lại con đê nhỏ, có lúc làm cỏ, bón phân. Rồi mỗi lần ra thăm đồng, thấy được màu xanh tươi mát, thấy cánh cánh cò trắng muốt bay lả chập chờn tôi lại cảm nhận được sự bình yên, thanh thản đến lạ. Khi lúa trổ đòng, mùi hương sữa ngọt ngào lan tỏa, vừa dịu nhẹ vừa nồng nàn theo từng nhịp thở. Thứ mùi hương đầy mê hoặc ấy cứ vấn vương mãi trong hồn, khiến cho con người ta say đắm, không thể nào quên.

Thích nhất vẫn là những ngày gặt lúa. Công sức bao ngày dồn hết vào những hạt lúa vàng ươm. Những tay liềm thoăn thoắt cắt lấy phần thân, để lại gốc rạ lấm lem bùn đất với lũ cua đồng tìm nơi lẫn trốn. Các anh trai của tôi hì hục đập lúa bên chiếc máy suốt thủ công cũ kỹ - thứ mà giờ đây được thay bằng máy gặt đập liên hợp hiệu quả hơn nhiều.

Nhớ khi mùa gặt vào những ngày nắng như nung, bao giọt mồ hôi mặn đắng lăn dài trên má. Ba, mẹ và mấy anh chị em tôi chia nhau từng ngụm nước mát lành, chia nhau phần thức ăn mang vội. Trúng ngày mưa bão thì vừa làm vừa chạy, sợ gió mưa làm ngã oằn bông lúa chín, sợ gió mưa làm ướt hạt lúa thơm. Lúa về nhà phải phơi nắng cho khô, tránh ẩm ướt để dành xay thành gạo.

Có từng trải qua mới biết làm ra được hạt gạo khổ như thế nào. Vậy mới trân quý những thứ đổi bằng mồ hôi, nước mắt. Để có được những hạt ngọc trắng trong, người nông dân đã phải dầm mưa dãi nắng, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Có những ngày họ mất ăn mất ngủ, canh cánh lo âu vì sâu bệnh hại, có những ngày họ mòn mỏi trông trời, trông đất, trông mây...

Sau những ngày thu hoạch, mảnh ruộng nằm yên chờ đợi vụ mùa sau. Trên mặt ruộng in đầy những dấu chân nông sâu xen lẫn giữa những gốc rạ xơ xác. Những chú cò cũng tranh thủ tìm cua tìm ốc. Thân rạ được phơi khô trên bờ để rồi sau này chất thành từng ụ rơm cao chót vót, dành cho bò bê ăn qua những tháng khô hạn. Còn bờ đê kia sẽ nâng đỡ những bước chân trẻ thơ tung tăng với cánh diều căng gió trong buổi chiều quê êm ả, thanh bình...

Có đi xa mới nhớ những người thân, nhớ cánh đồng quê hương da diết. Có lẽ, cánh đồng ấy trong ký ức của mỗi người mỗi khác nhưng nó đều thân thương và gần gũi vô cùng.

Dù là hương sữa thơm ngạt ngào hay sắc vàng rực của những bông lúa chín nặng trĩu, dù là sự mênh mông mùa nước nổi với vị ngon đậm đà của món cá linh nấu bông điên điển hay hương khói đốt đồng làm khóe mắt cay cay, dù là hình ảnh tất bật chạy bão mùa thu hoạch hay nụ cười hạnh phúc khi mành lưới đầy ắp cá tôm tươi... thì đó đều là hình ảnh đẹp không bao giờ phai trong dòng chảy ký ức của mỗi người chúng ta. Ở nơi ấy có những người thân yêu, có giọt mồ hôi của ba, có mái tóc điểm màu sương gió của mẹ, có cả hy vọng về một cuộc sống đủ đầy, no ấm. Đó cũng là nơi dạy cho ta bài học về giá trị của lao động và sự quý trọng thành quả lao động.

Con người ta có đi đâu, làm gì hay bao nhiêu tuổi thì đồng quê vẫn mãi là thứ hương vị không bao giờ quên được. Người rời xa quê mang theo hoài bão, còn người nhớ quê mang cả nỗi khát khao da diết khôn nguôi. Và như lời của một bài hát tôi vẫn thường nghe:

“Nơi bền lâu là nơi lắng sâu,

Thiếu quê hương, ta về... ta về đâu?”

Cánh đồng quê hương sẽ mãi mãi là nơi lưu giữ, ấp ôm, dưỡng nuôi tâm hồn của mỗi người. Một mai khi bước chân ta đã mỏi, nơi ấy vẫn luôn đón chờ ta!

Hoài Hương

Địa chỉ: Tổ 6, ấp Cẩm Đường, xã Cẩm Đường, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai

 


TIN LIÊN QUAN

QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - BÁO VÀ ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online