Hạt thóc nhọc nhằn (Lượt xem: 936)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Cuộc thi " Viết về cánh đồng Quê Hương"

Cập nhật: 02/11/2016

Mỗi mùa lúa chín, nhìn từ xa hay trên máy bay, những cánh đồng bạt ngàn, tít tắp như một tấm thảm khổng lồ đẹp tuyệt và trù phú. Nhưng đằng sau bức tranh ấy là bao mồ hôi nước mắt của người nông dân lao động vất vả trên từng thửa ruộng tạo ra. Chiều cuối thu, những cơn gió xào xạc thổi lay động những bông lúa vàng như từng lớp sóng dào dạt, đó là thành quả có được sau cái nắng tháng sáu cháy da và của cái rét tháng giêng buốt giá

Hạt thóc nhọc nhằn
Hạt thóc nhọc nhằn

           (Nguyên bản của tác giả)

           Nông nghiệp và nông thôn vốn là vấn đề có quá nhiều điều để mà nói, những điều từ bao năm nay khi nền nông nghiệp còn lạc hậu đến lúc hiện đại như bây giờ thì có nhiều thứ đã thay đổi, nhưng có những thứ dường như vẫn “dậm chân tại chỗ” như một hiện tượng lạ trong cuộc sống mới.

          Cuối tháng sáu, thời điểm nắng nóng cực độ của mùa hè năm 2016, cái nắng như thiêu đốt đến cháy da thịt, cả cỏ cây cũng cháy theo. Hơn 9 giờ sáng, nắng đã bắt đầu đứng bóng, ngồi một chỗ mà không có quạt thì cũng đã toát mồ hôi chứ chưa nói đến việc phải ra ngoài đường. Thời tiết gần 40 độ nhưng những người nông dân miền Bắc vẫn phải còng lưng ngoài đồng để  nhổ mạ và cấy lúa.

Nhiều người từng chia sẻ rằng: kiểu thời tiết của miền Bắc và Bắc Trung Bộ  Việt Nam thuộc hàng khắc nghiệt nhất khu vực châu Á thì cũng không sai. Mùa hè thì nắng gắt như đổ lửa, mùa đông thì rét buốt đến cắt da cắt thịt, sáng mưa, chiều nắng, tối lại giông bão ầm ầm là điều bình thường của mùa hè. Nhiều người ở miền Nam không chịu được kiểu thời tiết “ngày nắng đốt theo đêm mưa dội” này nhưng những người sinh ra và lớn lên trên quê hương mình thì đã quen, đã yêu và thích nghi theo thời gian.

Ở miền Bắc, việc cấy, gặt diễn ra vào hai mùa mưa nắng khắc nghiệt ấy, vụ đông xuân và hè thu, là hai mùa có hai kiểu thời tiết hoàn toàn trái ngược nhau. Vụ đông xuân, vào tiết trời đông ngoài Bắc, gió rét tê tái, nước lạnh buốt chỉ 10 độ và người nông dân vẫn phải lội xuống bùn sâu để cắm từng cây mạ xuống ruộng. Vẫn chân trần và tay không, họ cấy hàng mẫu ruộng vụ hè thu khi nắng cháy rát lưng, mồ hôi đầm đìa chảy từng giọt xuống ruộng. Cái nắng nóng ấy đã được Trần Đăng Khoa diễn tả 45 năm về trước cũng vô cùng gay gắt: “nước như ai nấu, chết cả cá cờ, cua ngoi lên bờ, mẹ em xuống cấy”. Gần nửa thế kỷ trôi qua, ngành nông nghiệp của nước ta nói chung và của miền Bắc nói riêng đã hiện đại hơn, được cơ giới hóa nhiều nhưng nhiều công việc lao động chân tay cực nhọc chưa được giảm đi. Trên nhiều cánh đồng ở Bắc Bộ, những chiếc liềm để gặt tay vẫn là phổ biến, máy móc chỉ hỗ trợ trong quá trình tuốt lúa để mang hạt thóc về nhà. Từ lúc cày ruộng đến lúc có được hạt thóc mang về là cả một quá trình lao động cực nhọc, vất vả từ be bờ, tát nước, gieo mạ…. Cho đến nay, khi nói đến sự vất vả của người nông dân người ta vẫn dùng những từ ngữ quen thuộc như: một sương hai nắng; bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Những người nghèo khổ nhất, lam lũ nhất vẫn là những người nông dân quanh năm ngày tháng gắn bó với mảnh ruộng, với cánh đồng quê hương

Mỗi mùa lúa chín, nhìn từ xa hay trên máy bay, những cánh đồng bạt ngàn, tít tắp như một tấm thảm khổng lồ đẹp tuyệt và trù phú. Nhưng đằng sau bức tranh ấy là bao mồ hôi nước mắt của người nông dân lao động vất vả trên từng thửa ruộng tạo ra. Chiều cuối thu, những cơn gió xào xạc thổi lay động những bông lúa vàng như từng lớp sóng dào dạt, đó là thành quả có được sau cái nắng tháng sáu cháy da và của cái rét tháng giêng buốt giá.

Dọc đường cao tốc Hà Nội- Lạng Sơn là những  đồng lớn vào mùa cấy vụ hè thu, chủ yếu là phụ nữ đang đội nón và che khăn để cấy lúa trong thời tiết nắng nóng. Từ lúc đất nước còn gian khó trong thời chiến tranh, đến lúc thiếu thốn hậu chiến tranh và đến bây giờ là thời kỳ công nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ khắp mọi nơi thì việc cấy hái như thế gần như không thay đổi. Điều đó dường như ăn sâu vào nếp của người dân Việt khi định nghĩa về lao động nông nghiệp và cây lúa của nước ta. Vậy mà một nhóm khách du lịch người nước ngoài đã xuống ô tô, đứng vào lề đường và ghi lại toàn bộ hình ảnh cấy hái này của người dân. Đẹp đấy bởi có hình ảnh những chiếc nón trắng nhấp nhô ở đầu bờ và những hàng lúa xanh rì chạy thẳng tắp. Nhưng điều để chúng ta và cả những người đến Việt Nam đều ngạc nhiên rằng cho đến bây giờ chúng ta vẫn “sở hữu” một nền nông nghiệp vô cùng lạc hậu và người nông dân luôn là những thân phận thấp kém trong xã hội.

           Bao giờ người nông dân mới thực sự hết khổ, đến khi nào họ mới thực sự giàu có và sung sướng trên mảnh đất của mình. Cánh đồng quê hương luôn tươi xanh, có khi là kỷ niệm đẹp của tuổi ấu thơ hồn nhiên bên gia đình, làng xóm nhưng đằng sau đó là muôn vàn giọt mồ hôi mặn chát. Ngành nông nghiệp vẫn còn lạc hậu và chậm cải biến thì những cánh đồng lúa vẫn tươi xanh, còn người nông dân thì chưa hết cực nhọc, lam lũ./.

 

Nguyễn Thị Minh

Trung tâm Lưu trữ tỉnh Bắc Ninh, Số 1 Lý Thái Tổ, Tp. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh

 


TIN LIÊN QUAN

QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - BÁO VÀ ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online