HẠT NGỌC TRONG TÀN TRO - Bùi Ngọc Anh (Lượt xem: 1626)
>> TIN TỨC
>> Cuộc thi " Viết về cánh đồng Quê Hương"
Người dân quê tôi chăm chỉ với ruộng đồng quanh năm, chẳng biết trồng cây lúa từ bao giờ nhưng sinh ra là chúng tôi đã thấy cha mẹ mình tất tả với ruộng lúa, ngày xuống giống ngày cấy mạ, sạ phân, làm cỏ rồi thu hoạch cho đến đem phơi. Có chứng kiến cách để tạo ra hạt lúa thời bấy giờ người ta mới thấm câu ca dao

Hạt ngọc trong tàn tro
(Nguyên bản của tác giả)
Mặt trời ngả về đằng Tây gom lại đủ một vùng sáng, rặng tre trên con đường quê vươn mình đón vội những tia nắng còn sót lại, mùi khói đồng phảng phất cay cay làm tôi nhớ đến tuổi thơ cất trong ký ức của một đứa trẻ con nhà quê. Hồi ấy, cứ nghe mùi khói đốt đồng là đám con nít trong xóm kéo nhau ra bờ đê tụ tập, trông cho đám tro rụi tàn là bọn tôi ùa nhau ra nhặt “hạt bỏng” nằm phơi trắng ngần trong bụi tro, ai nhanh tay lẹ mắt thì nhặt được nhiều, thứ quà trời cho đó ngon một vị rất riêng.
Người dân quê tôi chăm chỉ với ruộng đồng quanh năm, chẳng biết trồng cây lúa từ bao giờ nhưng sinh ra là chúng tôi đã thấy cha mẹ mình tất tả với ruộng lúa, ngày xuống giống ngày cấy mạ, sạ phân, làm cỏ rồi thu hoạch cho đến đem phơi. Có chứng kiến cách để tạo ra hạt lúa thời bấy giờ người ta mới thấm câu ca dao
“Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”
Bao nhiêu lời lỗ người dân quê tôi cũng trông cậy cả vào hạt lúa và chuyện học hành của chúng tôi cũng vậy. Thuận một nỗi vùng chúng tôi nằm trên đất đồng bằng, đón phù sa sông Cái Sắn mỗi mùa lũ về nên năng suất lúa cũng khá, nhưng kỹ thuật thu hoạch và bảo quản ngày ấy chưa tiến bộ nhiều, thất thoát sau thu hoạch khiến không ít người xót xa, bao nhiêu công chăm bón lại chỉ để nhìn hạt lúa rơi rớt quá nhiều trên đồng mà không làm gì được. Cũng có khi máy suốt loại ra ngoài thân mạ chưa được tuốt sạch hạt, nhà nào đông người thì có thể mót lại những đống rơm kiếm thêm hạt nào hay hạt đấy nhưng mà cực. Cũng có nhà không kịp mót rơm thì đành bỏ phế để nhìn cả cánh đồng đốt gốc mạ chuẩn bị cho vụ sau. Cứ được dịp cuối vụ là chúng tôi lại có đợt ra đồng chơi, coi đốt gốc ra và nhặt bỏng gạo, chỉ là thú vui trẻ con để nhặt cho thật nhiều hạt bỏng chứ đâu biết mình cũng đang nâng niu thu lượm lại công sức và mồ hôi của cha mẹ mình bị bỏ quên.
Trẻ con ngày ấy cũng không có nhiều điều kiện như bây giờ, chúng tôi chơi những trò chơi đồng quê và ăn những thứ quà quê, đứa nào khá một chút đi học mới được cho 200 đồng để mua được 1 bịch cốm nhào đường ngon hoặc 4 cục kẹo xi – rô thơm ngọt. Nhưng ngon hơn mọi thứ cốm và kẹo tôi đã từng ăn, thứ hạt bỏng rơi rớt trên đồng sau những trận đốt gốc rạ là món khoái khẩu mà tôi và bọn con nít hồi ấy thích mê mệt. Trong đám lửa thiêu cháy những tàn dư của mùa vụ, tôi nghe tiếng tí tách của hạt lúa được bung tách do nhiệt, mùi bùn đất nung hòa với mùi khói, bỏng gạo ẩn sau màng bụi đen, lấy tay nhặt lên trắng ngần, thơm nứt mũi vị bỏng mới nổ, thưởng thức ngay cũng giòn và hậu ngọt của hạt gạo, tôi gọi đó là “hạt ngọc trong tàn tro”. Còn bé quá để phân biệt nó có vệ sinh không nhưng cả bọn hào hứng lắm, mặt đứa nào đứa nấy lấm lem khói bụi, tàn tro mà cười khanh khách thi nhau tìm hạt bỏng trong cái nóng hừng hực sau một trận lửa ….Phải mà cha mẹ biết chúng tôi trốn ra đồng kiểu ấy chắc đứa nào cũng no đòn vì nghịch bẩn và chơi nguy hiểm. Tuổi thơ của chúng tôi đã đi qua như thế, mải mê theo lũ bạn với cuộc truy tìm thứ quà trời cho cho đến khi trời nhá nhem tối thì nhặt cho lẹ bỏ vào túi, kéo nhau ngồi vắt vẻo trên bờ đê rồi so đứa nào nhặt nhiều hơn. Bọn tôi chia nhau những mảnh bỏng này đơn giản như thành quả thu lượm được, nhưng đằng sau đó, chúng tôi chia nhau một tuổi thơ thật đẹp và chia nhau thứ hạt mang tên “lúa” đang từng ngày giúp quê hương đổi mới.
Ngày hôm nay vẫn là những cánh đồng bạt ngàn lúa như thế nhưng cuộc sống sung túc hơn, kỹ thuật canh tác từ gieo sạ đến lúc thu hoạch đều phòng ngừa rủi ro và thất thoát, người làm ra hạt lúa chẳng còn phải xót xa nhìn hạt rơi vãi như công sức mình bỏ rơi. Lũ bạn tôi cũng mỗi đứa mỗi nơi lo cho tương lai và xây dựng cuộc sống, chẳng còn đám trẻ con nào đi nhặt “bỏng” như chúng tôi ngày ấy. Nhưng mỗi lần nghĩ đến, tôi lại thấy nhớ, thấy thương những kỷ niệm chiều quê trên cánh đồng. Cảm ơn hạt lúa đã giúp cha mẹ tôi nuôi chúng tôi khôn lớn, cảm ơn hạt lúa chịu tách bóc thành hạt bỏng thơm lừng để tôi và đám bạn chia sẻ tuổi thơ cho nhau. Hôm nay vẫn thế, mai này cũng thế, nhưng với những điều kiện sản xuất tốt hơn, hạt lúa quê tôi vẫn còn đang nâng niu bao nhiêu lớp trẻ thành tài và tiếp tục vun vén xây dựng quê hương.
Tác giả: BÙI THỊ NGỌC ANH
Địa chỉ: 3375, Phụng Quới B, TT. Thạnh An, H. Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ
TIN LIÊN QUAN
- Tin địa phương
- Học và làm theo gương Bác
- Lễ hội Oóc-om-bóc - Đua Ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng
- Tin trong nước
- Đời sống - Xã hội
- Tin thế giới
- Doanh nghiệp - Người tiêu dùng
- Giáo dục - Khoa học & Công nghệ
- Nông nghiệp - Nông thôn
- Pháp luật - Cải cách hành chính
- Lực lượng vũ trang
- Đoàn thể
- Thông báo
- Góc doanh nghiệp
Trần Đề hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, dột nát cho người có công
Ương Nauplius thẻ chân trắng theo quy trình sinh học
Sóc Trăng đảm bảo duy trì tín hiệu thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá
Trần Đề: Người dân đồng thuận cao với Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã
Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng tiếp xúc cử tri xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề; cử tri phường 2, TX. Ngã Năm
Trailer Những hoạt động chính Lễ hội Óoc Om Bóc Đua ghe Ngo khu vực ĐBSCL lần thứ VI và tuần lễ VHTT&DL lần thứ I - 2024
Đài PT-TH Sóc Trăng thông báo tuyển hợp đồng lao động (17-09-2024)
HĐND tỉnh Sóc Trăng thông báo Kỳ họp thứ XXIII (Chuyên đề) HĐND tỉnh Sóc Trăng, Khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026
Công văn số 1963 - CV-TU về Lễ Quốc tang Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Công Văn 1633-CT-TU về việc thực hiện nghiêm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - BÁO VÀ ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều.
Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.
Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.
Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.
® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.