GÒ TRAO TRẢO MÙA NƯỚC NỔI - NGUYÊN HẠ (Lượt xem: 887)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Cuộc thi " Viết về cánh đồng Quê Hương"

Cập nhật: 04/07/2017

Là người dân Tây Ninh mấy ai lại không biết hoặc không nghe nhắc đến bưng Trao Trảo. Đây là đồng bưng nằm bên quốc lộ 22B, chỉ cách trung tâm thành phố Tây Ninh khoảng mười bảy cây số. Gio đây con đường ngang qua đồng bưng đã được nâng cấp và xây thêm cây cầu mới thay cho phà Bến Đình. Từ con đường này, cách cây cầu mới một đoạn, băng qua bờ ruộng giữa dồng lúa mênh mông là đến gò cũng mang tên Trao Trảo.

GÒ TRAO TRẢO MÙA NƯỚC NỔI - NGUYÊN HẠ
Mùa nước nổi

(Nguyên bản của tác giả)

         

          Theo lời kể của những lão nông nơi đây thì cái tên Trao Trảo được hình thành từ câu chuyện dân gian, là nơi trú ngụ của loài chim trao trảo. Dù ban ngày có đi ăn chốn nào, chiều đến cũng lũ lượt bay về, làm tổ và sinh sôi nẩy nở tại đây. Cũng có người cho biết, vùng gò nầy có loài cây trao trảo mọc hoang, cao khoảng 3-4 mét. Lá giống lá quít, hình dáng và màu sắc của trái rất đẹp mà không ăn được. Nhưng cho dù cái tên gọi theo sự tích nào thì Trao Trảo vẫn là một trong những đồng bưng nổi tiếng của Tây Ninh. Trong đó có Gò Trao Trảo rộng chừng 4 ha, là địa danh đi vào lịch sử của vùng đất Tây Ninh trung dũng kiên cường. Cách đây 44 năm (1973) một đơn vị bộ đội chuyển quân từ Bến Cầu, qua sông Vàm Cỏ để vượt lộ đến Thạnh Đức ( Gò Dầu) nhận nhiệm vụ mới. Do gặp trở ngại trong lúc qua sông nên khi tới Gò Trao Trảo trời đã gần sáng, đơn vị đành ém quân nằm lại chờ tối, chẳng may bị địch phát hiện, chúng cho bom pháo nổ dồn dập. Qúa bất ngờ không trở tay kịp, khoảng 60 chiến sĩ trong đơn vị đã hy sinh vào sáng ngày 05/10/1973 âm lịch. Người dân xã Cẩm Giang và họ đạo Cao Đài liên hệ với chính quyền lúc bấy giờ xin được chôn cất cho các anh. Bọn chúng giằng co, làm khó dễ, hai ngày sau mới cho phép mai táng. Mặc dù Gò Trao Trảo rộng nhưng chúng không cho chôn từng người mà buộc phải chôn tập thể. Sẵn có hố bom gần đó bên cạnh cụm cây thốt nốt, các anh được an nghỉ tại đây. Năm nào người dân địa phương  và chính quyền xã Cẩm Giang cũng tổ chức lễ giỗ cho các chiến sĩ vào ngày 07/10 âm lịch. Sau này có nhiều gia đình từ miền Bắc vào tìm kiếm, phát hiện thêm vài hài cốt nữa quanh các chân ruộng gần đó. Gio đây, hài cốt của các anh đã được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ Trà Võ và Tân Biên.

Từ năm 2001, miếu thờ của các liệt sĩ được hình thành với tám chữ vàng:   “ Vì nước quên thân. Vì dân phục vụ”. Như vậy hiện nay tại Gò Trao Trảo có các miếu thờ: Binh gia Tà Thần, Thần Nông đại đế ( Ông Đồng Bà Điền), Chiến sĩ trận vong, miếu Tà thần. Về mặt tâm linh, tuy hài cốt được đưa về các nghĩa trang nhưng ban quý tế của xã – đại diện nhân dân địa phương có nguyện vọng xây bia tưởng niệm nhỏ để tưởng nhớ các chiến sĩ đã hy sinh. Sở Văn hóa thể thao và du lịch đã đồng ý và cho cán bộ chuyên môn về khảo sát địa hình.

          Ngày giỗ của các chiến sĩ năm qua, lũ về nước trắng đồng, những tưởng không tổ chức được. nào ngờ những người dân gần đó dùng phà chở máy gặt đập liên hợp đưa mọi người đến nơi. Lễ vật tuy không phong phú như những năm trước nhưng cũng đủ các món rượu thịt, cơm canh, các món xào, đĩa bún, đĩa xôi, trà quả…Ngày giỗ chính hôm ấy là của các liệt sĩ nên lễ vật được bày ở miếu chiến sĩ trận vong. Ông tư Nghề - chủ lễ hôm ấy, cũng là người từng tham gia chôn cất các liệt sĩ hơn 40 năm trước trân trọng nhắc laị kỷ niệm một thời. Hơn hai mươi người có mặt trong ngày giỗ giữa đồng bưng hình như ai cũng nhớ rõ sự việc liên quan đến ngày bi thương ấy. Thật là một ngày giỗ trận ấm áp giữa đồng bưng, bốn bề nước trắng xóa dưới vòm trời mây áp thấp.

          Là người dân Cẩm Giang, tôi rất tự hào. Bởi người dân quê tôi đã dang rộng vòng tay đón nhận, đấu tranh với bọn ngụy quyền tới cùng, để những chiến sĩ có được nơi an nghỉ  trong vùng địch tạm chiếm. Ngay từ những năm chưa dựng miếu, các cụ trong ban quý tế, nhân dịp cúng tà thần cũng đã thỉnh mời các anh về “ phối hưởng”. Lúc đó cũng chưa biết cụ thể các anh ở đơn vị nào. Qua nhận định của ông Ba Siêu, nguyên chính trị viên Tiểu đoàn 14 Tây Ninh, sau năm 1973 về D16 cho biết đó là đơn vị D1, Đoàn C50.

          Cho dù các anh ở binh chủng nào, đơn vị nào…Khi đã hy sinh trên mảnh đất này thì mọi người có nhiệm vụ chu toàn mọi thứ, để các anh yên lòng chờ ngày đoàn tụ với đồng dội, với người thân trong gia đình. Tổ chức ngày giỗ trận giữa đồng bưng của người dân Cẩm Giang  là việc làm đầy ý nghĩa, đậm tính nhân văn sâu sắc. Bởi trên mảnh đất này, nơi nào cũng là quê hương.

                                                                             NGUYÊN HẠ

Họ và tên: LÊ THỊ XI – KP1/141A Nội ô Thị Trấn, Gò Dầu -  TâyNinh

 


TIN LIÊN QUAN

QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - BÁO VÀ ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online