GẶT LÚA ĐÊM – Y Nguyên (Lượt xem: 3017)
>> TIN TỨC
>> Cuộc thi " Viết về cánh đồng Quê Hương"
Đêm trăng giữa đồng, trời trong veo, trăng vằng vặc dãi vàng. Cái thảm vàng lúa/vàng trăng cứ sóng sánh, lung linh như thực như mơ giữa bóng núi tứ bề đen sẫm. Đồng khô, đất nẻ, rắn đanh dưới bước chân người thậm thịch. Lao xao cười nói tứ bề đông vui như hội. Soàn soạt, soàn soạt, những tấm lưng khom quơ liềm mải miết. Trời đêm dịu mát khiến công việc dường nhẹ nhàng hơn. Cảnh sắc nên thơ khiến tâm trạng con người hóa phấn chấn, say sưa, làm hoài không biết mệt.

Gặt lúa đêm
(Nguyên bản của tác giả)
1.
Làng tôi xưa chuyên làm ruộng, dân được nuôi sống bởi hai cánh đồng: đồng Ngoài và đồng Trong. Đồng Ngoài gần khu dân cư, canh tác thuận tiện sáng đi chiều về không có gì đáng nói. Cực nhọc là đồng Trong: nằm bên kia sông, hướng Tây Nam, cách làng đến vài chục cây số đường chim bay, lọt thỏm trong thung lũng bốn bề vây núi. Vào đồng Trong phải lội sông, theo đường mòn vượt qua con đèo hiểm trở có tên đèo Tổng Đạo. “Vô Đồng” (thành ngữ dân xóm nói tắt, chỉ chuyện vào đồng Trong) phải 2- 3 giờ đêm dậy đi. Lỉnh kỉnh đồ lề, thêm cơm ăn cơm dỡ mà… cuốc bộ. Tảng sáng tới nơi. Tranh thủ cuốc, cày, bừa, sạ… quáng quàng sao cho kịp lưng lửng xế rời đồng. Vậy mà cũng xẩm đen xẩm đỏ mới tới nhà. Xưa, đèo Tổng Đạo nổi tiếng nhiều cọp; không ai dám qua đèo ban đêm hay qua một mình sợ cọp đón đường. Sau này có bớt, nhưng cái “oai danh” cũ vẫn còn, khiến qua đèo chen vắng vẻ vẫn thấy “lạnh lưng”, sờ sợ! Xa xôi, canh tác cực; nhưng đất đai màu mỡ nên dân làng vẫn cố lặn lội đi làm để kiếm thêm cái ăn…
Làm ruộng đồng Trong cực nhất mùa gặt. Thường phải gặt lúa đêm.
2.
Nhà tôi có mấy mảnh ruộng đồng Trong. Vụ gặt, cả nhà sắp bao tải thúng gióng liềm hái trang cào chiều lên đường sớm kéo vô đồng tập trung thu hoạch. Đường xa, gặt đêm cho kịp sáng còn lo đập, giũ, rê, chuyển lúa hột về trong ngày. Lựa những đêm trăng, cả làng kéo nhau đi gặt. Tôi nghe “cắt lúa đêm trăng” thì ham lắm, một hai xin đi. Mẹ hét: Trong đồng có… ma, vô đó ngồi khóc ai rảnh đặng dỗ? Chị Hai nạt bồi: cái thân gặt được nửa bó là đứng chống nạnh ẹo tới ẹo lui mà đi chi cho vướng cẳng? Kệ, tôi cứ nhèo nhẹo không buông (còn phải hỏi: ở nhà một mình mới… sợ ma; đi đông mà ma gì…). Ba với anh Tư phải giảng hòa: kệ, cho nó đi. Không gặt được thì làm “đài phát thanh” cho vui! Mẹ lườm…
Đêm trăng giữa đồng, trời trong veo, trăng vằng vặc dãi vàng. Cái thảm vàng lúa/vàng trăng cứ sóng sánh, lung linh như thực như mơ giữa bóng núi tứ bề đen sẫm. Đồng khô, đất nẻ, rắn đanh dưới bước chân người thậm thịch. Lao xao cười nói tứ bề đông vui như hội. Soàn soạt, soàn soạt, những tấm lưng khom quơ liềm mải miết. Trời đêm dịu mát khiến công việc dường nhẹ nhàng hơn. Cảnh sắc nên thơ khiến tâm trạng con người hóa phấn chấn, say sưa, làm hoài không biết mệt. Bé con tôi gặt thì ít, loăng quăng chạy lại chạy đi, cái mồm tép nhảy “phát thanh” đủ thứ chuyện trời ơi đất hỡi thì nhiều. Chẳng hiểu tôi nói gì mà ai nghe cũng thích. Ba chốc chốc lại ngừng, bật lửa châm thuốc, vừa cười vừa ho khù khụ. Chị Hai thì rúc rích. Anh Tư ha ha. Mẹ cũng phì cười: cái con! Có yên cho người ta làm không nè? Anh Tư “biểu tình” ngay: kệ mẹ, tiếp đi, Út! Thì tiếp! Tôi hứng chí, càng “phát” tía lia hơn. Gì lạ đâu, ở nhà, tôi được mẹ “dán” cho cái biệt danh “nói không để miệng làm da non”. Cấm nói là cực hình đối với tôi. Vậy nên mỗi khi tôi phạm lỗi, mẹ chẳng thèm roi vọt lôi thôi; chỉ cần bắt tôi đứng góc nhà, ngậm miệng im ru non tiếng đồng hồ là đủ để tôi… bật khóc!
3.
Gặt được phần ba khoảnh ruộng thì cái đài phát bắt đầu díu mắt, ậm ừ; sau đó ngáp dài rồi… lăn kềnh ra mặt rạ! Mẹ càm ràm: thấy khổ chưa! Vậy cứ đòi theo…. Mẹ ngừng tay gặt quơ đòn gánh, cắm sào trở rơm hậm hụi dựng tạm cái lều. Mái lều lợp bao tải. Nền lều bao tải lót lưng. Chưa yên tâm, mẹ còn cởi manh áo khoác ngoài phủ kín từ đầu xuống chân con gái phòng xa muỗi đốt. Tôi cuộn tròn dưới mái lều yêu thương, hít hít hương mồ hôi chua tỏa từ áo mẹ, yên tâm thiếp ngủ trong khi tiếng gặt lúa đêm của cả nhà vẫn soàn soạt đều đặn, nhịp nhàng, cần mẫn bên tai như khúc nhạc yên bình ru tôi vào tận giấc mơ…
Y.N
NGUYỄN VĂN DANH (Y NGUYÊN)
Khu phố 2 – Thị trấn Hòa Vinh
Huyện Đông Hòa – Tỉnh Phú Yên
TIN LIÊN QUAN
- Tin địa phương
- Học và làm theo gương Bác
- Lễ hội Oóc-om-bóc - Đua Ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng
- Tin trong nước
- Đời sống - Xã hội
- Tin thế giới
- Doanh nghiệp - Người tiêu dùng
- Giáo dục - Khoa học & Công nghệ
- Nông nghiệp - Nông thôn
- Pháp luật - Cải cách hành chính
- Lực lượng vũ trang
- Đoàn thể
- Thông báo
- Góc doanh nghiệp
Trần Đề hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, dột nát cho người có công
Ương Nauplius thẻ chân trắng theo quy trình sinh học
Sóc Trăng đảm bảo duy trì tín hiệu thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá
Trần Đề: Người dân đồng thuận cao với Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã
Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng tiếp xúc cử tri xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề; cử tri phường 2, TX. Ngã Năm
Trailer Những hoạt động chính Lễ hội Óoc Om Bóc Đua ghe Ngo khu vực ĐBSCL lần thứ VI và tuần lễ VHTT&DL lần thứ I - 2024
Đài PT-TH Sóc Trăng thông báo tuyển hợp đồng lao động (17-09-2024)
HĐND tỉnh Sóc Trăng thông báo Kỳ họp thứ XXIII (Chuyên đề) HĐND tỉnh Sóc Trăng, Khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026
Công văn số 1963 - CV-TU về Lễ Quốc tang Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Công Văn 1633-CT-TU về việc thực hiện nghiêm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - BÁO VÀ ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều.
Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.
Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.
Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.
® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.