Đi để trở về (Lượt xem: 824)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Cuộc thi " Viết về cánh đồng Quê Hương"

Cập nhật: 04/07/2017

Giờ đây, tôi chỉ có một mong mỏi là mang kiến thức mà mình đã học được từ trường lớp-nơi mà nhiều đứa trẻ như tôi ngày xưa luôn ước mơ được đặt chân đến, truyền đạt lại cho những người nông dân quê tôi và bản thân mình cũng có thể tự tay vun trồng trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn, làm giàu cho quê hương yếu dấu. Đi để trở về, để mang đến một cuộc sống tươi mới hơn có bao giờ là sai.

 Đi để trở về
Đi để trở về

 

Ngày nhỏ tôi thích nhất là được ra đồng giúp ba mẹ vào mùa thu hoạch. Nhà tôi trồng nhiều lúa, ngô khoai sắn nên ruộng đồng cũng là người bạn thân thiết của tôi. Nhìn những bông lúa vàng trĩu hạt, những bắp ngô to bằng cổ chân người lớn, những ruộng lạc xanh rờn, những bãi đậu nặng quả đung đưa trước gió… mà thấy sao yêu quê hương mình đến thế!

Tôi yêu quê hương tôi

Nhiều người bảo trong các nghề nuôi sống con người thì nghề nông là vất vả nhất; làm lụng quần quật trên đồng cái nắng như cháy da cháy thit, mưa gió, bão bùng đủ thứ phải nghĩ suy mà chẳng có tiền dư dả như bao nghề khác. Thế nhưng đâu có ai ở quê tôi bỏ đất, bỏ ruộng bao giờ. Dù nền kinh tế đất nước đang phát triển, các nhà máy xí nghiệp mọc lên như sao sa, người người đi công ty, đời sống cải thiện lên đáng kể nhưng ruộng đồng luôn xanh tốt bởi có những bàn tay vẫn cần mẫn chăm chỉ, vẫn có những con người muốn bám trụ trên mảnh đất quê hương, yêu cái nghề mà người ta gọi là “nghèo hèn, thấp kém”. Nếu không có những con người ấy thì những hạt gạo để ta nấu cơm, thịt cá, mớ rau...v.v chúng ta lấy ở đâu?

Bố mẹ tôi sinh được ba anh em, hai anh lớn học xong cấp ba đều đi làm xa quê, có tôi là út trong nhà ham học nên ba mẹ hy vọng nhiều. Mẹ tôi vẫn căn dặn:

-          “Con cố gắng học cho tốt rồi thi vào một trường đại học nào đó để thoát khỏi cái nghèo, chứ làm nông dân như ba mẹ thì suốt đời sống trong cảnh khổ”.

Tôi thì chẳng nghĩ thế bởi khi bước chân vào cổng trường đại học mơ ước, sống trong cảnh phố phường tấp nập, đông vui tôi lại muốn mình bé như ngày nào để được ở trong vòng tay ba mẹ, về với ruộng đồng, con trâu, cái cuốc... Những mùi khói bụi, rác thải, sự bon chen ồn ào của phố xá, cuộc sống toan tính của con người thành thị khiến tôi ớn lạnh; càng làm tôi thấy nhớ những phút giây yên bình của quê hương, sự tĩnh lặng của những ngày mưa đông giá rét; tôi thèm cơn gió mát lành của những trưa hè có dư vị quê hương. Tôi sợ cuôc sống mà nơi tôi đang sống: “Thịt cá toàn đồ tăng trọng, rau xanh dùng kích thích, hoa quả sử dụng hóa chất để bảo quản”…v.v. còn biết bao thứ khác nữa, người người cứ bán và nhà nhà cứ mua. Tại sao trẻ con ngày nay bị dị tật nhiều đến thế, tại sao bệnh ung thư ngày một lại gia tăng, tại sao người ta lại tìm thấy rất nhiều nơi sản xuất thực phẩm bẩn đưa vào thành phố, nhà hàng. Khi mà sau những ngày tháng vất vả chăm sóc, người nông dân thu hái thành quả của mình mang bán nguồn nông sản cho những thương lái với giá rẻ mạt thì những kẻ vì tiền lại biến tướng những thực phẩm tươi ngon ấy: “Gạo thì hồ để nặng hơn hoặc trộn với những loại gạo kém chất lượng bán với giá chênh lên rất nhiều; lợn, gà, vịt thì bơm nước vào cho nặng kí, rau thì phun thuốc kích thích cho nhanh lớn, xanh, non… không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng mà những người nông dân chân chính như ba mẹ tôi cũng cảm thấy đau lòng. Người nông dân phải làm gì để bảo vệ cái nghề của mình bây giờ?

Tôi muốn làm giàu trên quê hương mình

           Nhìn những cánh đồng xanh tốt một ngày nào đó sẽ bị thế chỗ cho các nhà máy, xí nghiệp khiến tôi không khỏi xót xa. Liệu vùng quê thanh bình, nơi mà mình sinh ra và lớn lên còn có thể giữ gìn những truyền thống làm nông cần cù tốt đẹp? Liệu mình còn có thể ngắm nhìn những cánh đồng lúa xanh xanh có cánh diều thấp thoáng bay bay, nghe được tiếng ọ ẹ của những chú nghé con gọi mẹ chiều chiều hay tiếng ríu rít của đàn chim sẻ rủ nhau đi kiếm mồi trên những thửa ruộng xa xa. Tôi muốn về với quê hương - nơi tôi có một gia đình ấm áp, có ba thường hay đi đánh dậm vào những ngày mưa, có mẹ sớm tối làm việc trên cánh đồng mang về cho con khi thì củ khoai củ sắn; có bà bỏm bẻm nhai trầu kể truyện cổ tích thật xưa, có ông thường ngồi trên chiếc chõng tre vót diều cho các cháu nhỏ… tất cả là quê hương; đó không phải là một mảnh đất bình thường, mà là gia đình là anh em, là máu thịt. Nếu có một điều ước tôi sẽ ước mình được ở mãi bên ba mẹ cùng làm ruộng, cùng nuôi lợn, chăn gà, sống cuộc đời đạm bạc sớm tối có nhau. Đâu phải cứ sống ở nơi phồn hoa đô hội thì người ta mới thấy vui, mới thấy cuộc đời đáng sống. Hạnh phúc nhiều khi đơn giản lắm chỉ là cảm giác thấy bình yên, cuộc sống nhẹ nhàng trôi qua bên những người thân yêu; là những bữa cơm sum vầy có ông bà, ba mẹ, anh chị em; là những tiếng cười khi ngày mùa thắng lợi; là tiếng hỏi thăm của cô bác láng giềng… Hạnh phúc thật gần nhưng nhiều khi chúng ta khó lòng với tới.

            Giờ đây, tôi chỉ có một mong mỏi là mang kiến thức mà mình đã học được từ trường lớp-nơi mà nhiều đứa trẻ như tôi ngày xưa luôn ước mơ được đặt chân đến, truyền đạt lại cho những người nông dân quê tôi và bản thân mình cũng có thể tự tay vun trồng trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn, làm giàu cho quê hương yếu dấu. Đi để trở về, để mang đến một cuộc sống tươi mới hơn có bao giờ là sai.


TIN LIÊN QUAN

QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - BÁO VÀ ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online