Để em kể cho anh nghe! - Huỳnh Thị Cam (Lượt xem: 294)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Cuộc thi " Viết về cánh đồng Quê Hương"

Cập nhật: 04/07/2017

Cánh đồng quê em xanh phủ một màu lúa non, mát dịu. Xa xa là con đê trải dài thân mình hàng chục cây số, nằm vắt vẻo ngênh ngang nhưng thật hiền. Con đê vươn vai che chở cho cánh đồng, đã vậy còn nâng đỡ bước chân nhà nông bao mùa. Dần dà những mái nhà ven đê lô nhô mọc lên, tỏa khói bếp lam chiều, đẹp biết mấy…

Để em kể cho anh nghe! - Huỳnh Thị Cam
Tuổi thơ với cánh đồng quê hương

 (Nguyên bản của tác giả)

Một buổi chiều, bên bếp lửa, anh chồng nhóm bếp nướng con cá lóc. Được thể anh huyên thuyên kể về mù­a gió chướng, mùa nước nổi và mùa cá ăm ắp đầy ở quê anh. Chợt anh quay sang ỏn ẻn cười với ánh mắt đầy ngụ ý cảm thông “chắc là em chẳng biết gì đâu, dân xứ núi thì làm gì biết ruộng đồng, nước nổi nước chìm…”. Ấy ấy, chẳng qua em để dành miền ký ức cho riêng mình. Quê em vùng Thất sơn kỳ bí, hùng vĩ, vừa có núi, có sông và ruộng lúa trập trùng thơ mộng. Nhà em đã ba đời nuôi bò, trồng lúa và nếp. Em đã có một tuổi thơ tươi đẹp, ngày ngày rong ruổi chăn bò, theo cha đi cày, tắm nước nổi và gắn bó với cái chòi lá bên đám bắp đám dưa… Chỉ bao nhiêu đó thôi mà cả đời này em kể hoài chưa trọn. Để em kể cho anh nghe…

 Cánh đồng quê em xanh phủ một màu lúa non, mát dịu. Xa xa là con đê trải dài thân mình hàng chục cây số, nằm vắt vẻo ngênh ngang nhưng thật hiền. Con đê vươn vai che chở cho cánh đồng, đã vậy còn nâng đỡ bước chân nhà nông bao mùa. Dần dà những mái nhà ven đê lô nhô mọc lên, tỏa khói bếp lam chiều, đẹp biết mấy… Lấy cái mốc từ con đê ấy trở vào trong hướng núi thì có đến hàng trăm công đất. Những công đất nào được phù sa tắm mát thì nông dân trồng lúa. Còn những công đất phía trên cùng, nằm cách xa đường nước, thì quanh năm xen canh thâm canh các loại hoa màu.

Con bé quê ngày ấy mê đồng ruộng lắm. Con gái nhà nông “chính hiệu” mà. Cô bé được cha cất cho “căn chòi mơ ước” cặp bên bờ ruộng. Đó là cái chòi đơn sơ với mái lá dừa, có hiên che, có góc nhỏ làm gian bếp để cà ràng ông táo. Rồi cha còn hào phóng chặt tre làm cái chõng, để giữa trưa hè con gái nằm ê a những vần thơ. Chợt hương thơm phảng phất, quyến rũ đến nồng nàn của hoa lá đồng nội, mùi lúa non ngây ngất từ đâu bay đến, cô bé chỉ còn nghe tiếng bìm bịp văng vẳng xa xa rồi liu thiu, rơi tự do vào trong giấc mơ trưa êm ả. Tiếng cha cắt cỏ bờ bên gọi vang làm cô bé choàng tỉnh, tiếc ngẩn ngơ giấc mơ cả nhà cùng cười giòn trên chiếc xe bò chở đầy ắp những bắp những khoai,...   

Có khoảng thời gian, cô bé ngày ấy mơ mộng lắm điều. Thằng em “nghe lời”, để chị mơ mộng một mình trong chòi lá, nó tung tăng đi bắt dế, đào chuột… ngoài đồng xa. Trên chiếc chõng tre, gió luồn kẽ vạt lờn vờn làm mát lạnh sống lưng. Tiếng gà gáy trưa eo óc. Bất chợt cơn mưa chiều ào ạt tưới ướt đám dưa leo vừa ra hoa vàng lốm đốm. Ếch nhái bắt đầu tấu khúc nhạc đồng quê thê thiết. Cảm giác ở một mình lúc này không còn lãng mạn, lý tưởng nữa. Cô bé vội tìm sách, cố nhướng mắt đọc thật to cho đỡ sợ - nỗi sợ không từ người lớn trẻ nhỏ nào - sợ ma.

Bất thình lình thằng em vỗ vai chị. Mặt đầy sình đất, nó chìa áo ra là mấy con ốc lác to sụ và mấy trái bắp vàng tươi. Lúc trước ông sáu biểu đuổi gà, đuổi chim cò không cho ăn lúa, sẵn đuổi luôn kẻ lạ trộm bắp dùm ông; còn muốn ăn bắp thì cứ bẻ vô tư nhưng không được bẻ đem về. Biết là ông sáu chỉ dặn cho có thôi, chứ chị em chúng làm gì, ông cũng không rầy. Mùi ốc nướng, bắp nướng dậy sộc vô mũi, hai chị em ăn từ từ cho đỡ buồn hơn là đỡ đói.

Không biết có phải nhờ ngày ấy thường đọc sách thiệt to để bớt sợ mà cô bé “bỏ bụng” thêm mớ chữ nghĩa, nhen nhóm tình yêu văn thơ? Những hôm nào được theo cha thì cô bé học được thêm về nghề nông. Cha nói đủ hết, từ ý nghĩa của từng loại cây trồng, cày – cấy – trục – bừa, con trâu là đầu cơ nghiệp, đến tất đất tấc vàng và cả mùa nước nổi. Và y như rằng, đến mùa nước đổ là cha hì hục bơm ruột xe bò cũ để làm phao cho đám con bì bõm tập bơi. Cái thú được tung tăng trong nước, lắm khi uống đầy bụng dòng nước phù sa lờ lợ, nồng mùi gốc rạ, ngai ngái mùi sình… thiệt là đáng nhớ!

Tuổi thơ trên cánh đồng bình dị với cái chòi lá, với những bửa tắm nước nổi, mò cua bắt ốc, bẻ trái cà trái dưa chùi áo rồi nhai ngọt tứa nước miếng và cả những bửa sợ ma cỏ, vậy mà đầy ắp những kỷ niệm khó quên. Đó là một tuổi thơ như nhiên nhất, không bao giờ biết đòi hỏi điều gì từ cha mẹ. Chỉ những buổi trưa đói lòng, ngồi trong chòi, trên tay là quyển sách đã đọc đến nhàu nhĩ, mắt mới không thôi ngóng chờ mẹ mang cơm cho. Đó là những ngày tháng dần trưởng thành, vì giúp ích phần nào cho gia đình còn nhiều túng khó và hơn hết là tập tành chiến thắng nỗi sợ - sợ ở một mình. Dù thời gian có trôi qua nhưng hình ảnh ngày nào, những kỷ niệm bên chòi lá sẽ vẫn mãi vẹn nguyên trong ký ức…. mộc mạc thế thôi!

Long Xuyên, 15/6/2017, Huỳnh Thị Cam

Thư viện Trường Đại học An Giang, số 18, Ung Văn Khiêm, Phường Đông Xuyên, TP Long Xuyên, Tỉnh An Giang.

 


TIN LIÊN QUAN

QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - BÁO VÀ ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online