Cơn bão (Lượt xem: 1131)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Cuộc thi " Viết về cánh đồng Quê Hương"

Cập nhật: 02/11/2016

Vụ lúa mùa thường hay có bão, nhiều khi cơn bão kéo đến nhanh không kịp trở tay. Người thì vội về nhà thật nhanh dọn thóc đang phơi, người thì thu dọn máy móc để về không thóc ngấm nước sẽ mọc mầm, còn thằng Tư nó lùa đàn bò nhà nó chạy như những con ngựa trên chiến trường. Thằng Tư cũng biết nịnh người ra trò, mỗi lần bão nó đều để bò tự phi về nhà rồi nhanh nhảu giúp mấy nhà từng bị bò nhà nó ăn thóc đóng bao rồi đưa lên xe thồ mang về nhà. Mỗi người một tay, chẳng ai bảo ai mà cũng tránh được cơn mưa xối xả kéo đen bầu trời...

Cơn bão
Thu hoach lúa khi lũ về

          (Nguyên bản của tác giả)

           Đàn diều như một đàn chim đang lờn vờn trên bầu trời. Có con đuôi dài, có con đuôi ngắn ấy vậy mà chẳng con nào va vào con nào.

         Trong làng, bọn trẻ chẳng ai dậy ai mà đứa nào cũng biết làm diều, đó như là bản năng của trẻ con ở quê. Chiều đến, thằng Tư lại kéo cả bọn ra đồng mà đua xem con diều nào bay cao hơn và ở lại với cơn gió lâu hơn. Nhà thằng Tư nuôi nhiều bò nhất làng, đó là đợt trước cưới chị gái nó bố nó đã bán bớt một con, nếu không tổng số đã là bốn con chứ không phải ba.

         Thằng Tư thả diều khá giỏi, đôi khi không có gió mà nó vẫn biết cách làm cho con diều bay lên trên cánh đồng. Nhưng đàn bò nhà nó không hợp tác với nó, bây giờ là mùa gặt, lũ bò thường mon men tới ruộng lúa để ăn thay vì những đụn cỏ xơ xác đã quá nhàm chán. Vì thế mà nó thường bị người ta giữ bò rồi bắt bố mẹ nó đến xin thì người ta mới thả, mỗi lần như thế bố nó đều về xé hết diều của nó đi nhưng đâu lại vào đấy cả.

         Vụ lúa mùa thường hay có bão, nhiều khi cơn bão kéo đến nhanh không kịp trở tay. Người thì vội về nhà thật nhanh dọn thóc đang phơi, người thì thu dọn máy móc để về không thóc ngấm nước sẽ mọc mầm, còn thằng Tư nó lùa đàn bò nhà nó chạy như những con ngựa trên chiến trường. Thằng Tư cũng biết nịnh người ra trò, mỗi lần bão nó đều để bò tự phi về nhà rồi nhanh nhảu giúp mấy nhà từng bị bò nhà nó ăn thóc đóng bao rồi đưa lên xe thồ mang về nhà. Mỗi người một tay, chẳng ai bảo ai mà cũng tránh được cơn mưa xối xả kéo đen bầu trời.

         Mẹ nó mất sớm, ở nhà nó là lớn nhất từ khi chị gái nó lấy chồng, dưới nó còn hai đứa em gái, bố nó làm thợ xây nay đây mai đó nên nó gần như tự chủ trong mọi cuộc chơi cho lũ trẻ. Nào là tát cá, móc của, nướng khoai, trộm dưa leo…thằng Tư luôn đầu trò, lũ trẻ toàn những đứa ít tuổi hơn nó vì bọn bằng tuổi chúng đều được đi học mà xa lánh nó. Ấy vậy, người lớn ai cũng quý nó vì nó hiền lành mà lại hay giúp đỡ mọi người.

         Từ ngày chị gái nó đi lấy chồng, mấy sào lúa nó cả bố nó thay nhau làm, ngày nào bố nó ở nhà thì đỡ còn không thì nó kiêm cả chăn bò lẫn cày cấy. Một thằng nhóc 16 tuổi mà trông nó như ông cụ gần 70, nước da nó ngăm đen, cân nặng chỉ khoảng 40 mà nó vác cả tải thóc to hơn cả mình. Nhiều bữa, nó cưỡi bò về nhà, lũ trẻ tay cầm lá chuối, tay cầm lá khoai cứ í ới đi sau nó như rước quan về làng ngày xưa. Con đường dẫn từ đồng về làng là hai hàng bạch đàn cao vút, thấy người cao tuổi bảo sống phải như cây bạch đàn hiên ngang mà trong trắng, thơm ngát mà ngào ngạt, tuy có khẳng khiu như chắc chắn giữ đất giữ cát cho làng. Hồi nhỏ cũng chẳng ai hiểu mấy lời người lớn nói, dần dần thì cũng hiểu tại sao lại có hai hàng bạch đàn ở đây.

         Nhiều cơn bão lớn quyét qua làng nhưng bạch đàn đúng là kiên cường vẫn đứng thẳng và vươn vút lên bầu trời xanh bao la. Nhắc đến cơn bão là lại nhớ đến những lần chạy thóc dở khóc dở cười, nhiều nhà bị cơn mưa bất chợt  làm ẩm thóc nhưng khi đó người ta lại thấy được tình đoàn kết của những người nông dân chân chất.

         Làng cách đường quốc lộ không xa, nên cánh đồng nằm trong tầm ngắm của những khu công nghiệp sắp mở. Lần này cũng là một cơn bão nhưng không phải cơn bão đầu đông đem nước mát đến cho dân làng mà là cơn bão của đô thị hóa, của những tòa nhà chọc trời, những luồng khói đen nghi ngút thay cho mùi lúa chín bao đời nay.

         Âu đó cũng là lẽ phát triển bất đắc dĩ, thằng Tư cũng đã lớn, nhà nó cũng không còn nuôi bò nữa, mà có nuôi cũng không kiếm đâu ra cỏ cho bò ăn. Nó vào làm công nhân của nhà máy, nơi mà cách đây quãng mười năm có lẽ là ruộng trồng khoai của nhà ông Lừng. Giờ cũng không ai gọi nó là thằng Tư nữa vì tên thật của nó là Công, có lẽ mong nó có được công danh mà bố mẹ nó đặt tên vậy.

         Mùa lúa chín lại đến, nhưng giờ con đường làng đã được bê tông hóa và hai hàng cây bạch đàn đã không còn nữa, trong làng cũng chỉ còn non nửa hộ còn làm ruộng, nhà thằng Tư cũng được thu đất để xây khu công nghiệp, cũng may vì lúc đó bố nó ốm nặng đang không có tiền chạy chữa.

         Giờ nó đã là trụ cột trong gia đình, tuổi thơ của nó không dữ dội như mọi người nghĩ, có khi lại là ao ước của những đứa trẻ chưa một lần được tát cá, chăn bò, nướng khoai hay chạy bão. Nó mặc nhiên được xưng là “người sống hai thời đại” đầy những kỷ niệm thân thương. Và nó đã tự kể lại một mẩu tuổi thơ của chính nó.

 

Nguyễn Văn Công

Địa chỉ: Văn Phú - Thường Tín - Hà Nội


TIN LIÊN QUAN

QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - BÁO VÀ ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online