Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam (Lượt xem: 1547)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Đời sống - Xã hội >> Vì nạn nhân chất độc da cam Đioxin

Cập nhật: 10/08/2023

Trong cuộc chiến chống Mỹ cứu nước, có rất nhiều những người con đã anh dũng hi sinh và đã nằm xuống trong lòng đất mẹ. Người còn sống tiếp tục nhiệm vụ thiêng liêng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chiến tranh đã lùi xa hơn 6 thập kỷ, nhưng thảm họa hóa học thảm khốc nhất trong lịch sử và nỗi đau xuyên thế kỷ mang tên da cam vẫn chưa thôi nhức nhối. Ngày 10/8/2023, kỷ niệm 62 năm ngày thảm họa da cam, tại tỉnh Sóc Trăng, Hội nạn nhân chất độc da cam/đioxin các cấp trong tỉnh tiếp tục nỗ lực để cùng chung tay xoa dịu nỗi đau da cam.

Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam
Sóc Trăng triển khai các hoạt động hỗ trợ thiết thực, giúp nạn nhân da cam ổn định cuộc sống.

Có tận mắt chứng kiến những nhọc nhằn, khổ cực trong đời sống sinh hoạt, những nụ cười ngờ ngệch không nguyên do mới có thể đồng cảm sâu sắc với những con người đã gián tiếp gồng gánh những hậu quả của vũ khí hóa học gây ra. Tại Sóc Trăng, diện tích bị phun rải chất độc hóa học đioxin là 4.728,7 ha (chiếm 1,57% diện tích toàn miền). Hậu quả để lại là toàn tỉnh hiện có 14.047 nạn nhân chất độc da cam, trong đó ảnh hưởng trực tiếp là 9.029 người, gián tiếp là 5.018 người. Những đứa con sinh ra trong thời bình nhưng lại phải gánh chịu những “vết thương không rỉ máu” từ loại vũ khí hóa học trong chiến tranh là thực trạng vẫn đang diễn ra tại nhiều địa phương trong tỉnh.

Chiến tranh kết thúc, đất hoang có thể khai phá, kinh tế hạn hẹp có thể cải thiện, nhưng còn những người không may là nạn nhân của chất độc hóa học do quân đội Mỹ để lại thì vẫn cứ mãi sống trong đời sống ngây ngô, khờ dại, có khi là nỗi đau được tiếp diễn qua nhiều thế hệ, trở thành nỗi day dứt, ám ảnh của những người lính đã từng chứng kiến cảnh tượng đau lòng này. Ông Đỗ Văn Bé ở ấp Trà Canh A, xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành xúc động kể lại: Hồi đó, quân đội Mĩ rải chất độc da cam 1 lần là đi đến 3 chiếc trực thăng, rải một cách đột ngột nên mình không làm gì kịp. Khoảng 9, 10 giờ là Mỹ rải chất độc xuống, ai chạy được thì chạy. Hồi đó, bà con mình đâu ai hiểu biết gì, đến khi có con, có cháu bị dị tật thì mới biết lúc đó mình đã nhiễm...”.

Đa số gia đình có nạn nhân nhiễm hoặc nghi nhiễm chất độc da cam thuộc đối tượng hộ nghèo (chiếm khoảng 50% đến 60%). Đối với những gia đình có nhiều nạn nhân, nhiều thế hệ nạn nhân, mức chi phí nuôi dưỡng, chữa bệnh là rất lớn, vượt ngoài khả năng kinh tế của gia đình, nhiều gia đình vừa nhọc nhằn mưu sinh, vừa túc trực hàng ngày, hàng giờ để chăm nom những đứa con, đứa cháu bệnh tật. Như trường hợp của bà Liêu Thị Mỹ Lệ ở ấp Nam Chánh, xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề chia sẻ: “Một mình tôi vừa đi làm, vừa chăm sóc nuôi dưỡng 3 đứa con bị bệnh da cam. Nhiều khi nghĩ lỡ mình đổ bệnh cũng không biết nhờ cậy vào ai bây giờ”.

Trước nỗi đau da cam day dẳng, Hội nạn nhân chất độc da cam/ đioxin các cấp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để mỗi nạn nhân da cam được thụ hưởng đầy đủ các chính sách của Đảng và Nhà nước. Nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của cả hệ thống chính trị, sự sẻ chia, chung sức từ cộng đồng, công tác chăm lo cho nạn nhân da cam luôn được thực hiện chu đáo và toàn diện. Công tác vận động nguồn lực chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân da cam được triển khai với nhiều hình thức thiết thức, hiệu quả; tạo được sức lan tỏa trong cộng đồng. Từ đầu năm đến nay, Hội nạn nhân chất độc da cam/đioxin các cấp trong tỉnh Sóc Trăng đã hỗ trợ xây dựng 29 căn nhà, hỗ trợ vốn sinh kế cho 32 hộ gia đình nạn nhân, hỗ trợ nuôi dưỡng tại nhà 83 nạn nhân,... với tổng kinh phí hơn 8 tỷ đồng.


“Từ nay đến cuối năm, Hội sẽ tập trung chỉ đạo các cấp Hội tích cực đổi mới phương thức hoạt động, huy động các nguồn lực trong và ngoài nước để làm tốt hơn nữa công tác chăm lo, bảo vệ nạn nhân da cam, đặc biệt là triển khai nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng Tháng hành động vì nạn nhân da cam; tiếp tục công tác duy trì, rà soát, tổng hợp kết quả khảo sát thế hệ thứ 2,3,4 nghi nhiễm chất độc hóa học báo cáo Trung ương Hội và đề xuất tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định 2215 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục khắc phục hậu quả chất độc hóa học sau chiến tranh", ông Nguyễn Hùng (ảnh trên) - Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/đioxin tỉnh Sóc Trăng thông tin và nhấn mạnh: "Hội sẽ chỉ đạo các cấp Hội làm tốt vai trò tham mưu cho Cấp ủy, UBND, MTTQ tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện Công văn 989 - CV/TU của Tỉnh ủy Sóc Trăng về triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, các văn bản của Đảng, của Nhà nước về thực hiện các chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam là người hoạt động kháng chiến và thế hệ con cháu,...”.

Những năm qua, nạn nhân chất độc da cam luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, sự chung tay hỗ trợ từ cộng đồng… đã góp phần động viên, cổ vũ tinh thần, giúp các nạn nhân da cam và người thân của họ có thêm niềm tin, nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Nỗi đau da cam sẽ được xoa dịu, những mãnh đời bất hạnh sẽ được tiếp thêm động lực để dần xóa đi mặc cảm, hòa nhập với cộng đồng./.

Ngọc Thơ, Trọng Phước


QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online