Cảnh giác nguy cơ bùng phát dịch bệnh Sởi (Lượt xem: 737)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Đời sống - Xã hội >> Sức khỏe cho mọi người

Cập nhật: 22/08/2024

Sởi là bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp, do virus Sởi gây ra. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm kéo dài, đặc biệt là đối với trẻ em. Những ngày gần đây, số ca mắc bệnh Sởi tại TP. HCM và các tỉnh phía Nam đang gia tăng. Trong thời điểm năm học mới sắp bắt đầu, nguy cơ dịch bệnh Sởi lây lan trong cộng đồng là rất lớn, do đó, phụ huynh cần cảnh giác và chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh để bảo vệ sức khoẻ cho trẻ.

Cảnh giác nguy cơ bùng phát dịch bệnh Sởi
Ảnh minh hoạ.

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Sóc Trăng ghi nhận 25 trường hợp Sốt phát ban nghi bệnh Sởi, trong đó có 15 trường hợp được lấy mẫu xét nghiệm và có 6 trường hợp dương tính với virus Sởi, chưa ghi nhận trường tử vong; 8 trường hợp nghi bệnh Sởi đã được lấy mẫu và đang đợi kết quả xét nghiệm. 

Bệnh Sởi thường có các triệu chứng khởi đầu như sốt, ho, chảy mũi, mắt đỏ và đau cổ họng, sau đó xuất hiện phát ban, rất dễ nhầm lẫn với triệu chứng của các bệnh khác như Sốt phát ban (đều do siêu vi gây ra, trẻ có biểu hiện sốt nhẹ từ 38,5oC - 39oC, trẻ lừ đừ, mệt mỏi, ăn uống kém) và bệnh Tay - Chân - Miệng. Đang điều trị bệnh Sởi cho con tại bệnh viện Chuyên khoa Sản - Nhi Sóc Trăng, chị Bùi Thị Thúy An (ảnh dưới), ấp Tắc Gồng, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên cho hay, “thời điểm đầu phát bệnh, cháu chỉ nóng sốt như các bệnh thông thường khác, đến 4 - 5 ngày sau thì có dấu hiệu phát ban từ vành tai xuống, đồng thời các cơn sốt cứ lặp đi lặp lại”.


Để phân biệt bệnh Sởi và các bệnh có biểu hiện tương tự, theo bác sĩ CKII Huỳnh Chí Bình - Trưởng Khoa Nhiễm Nhi, Bệnh viện Chuyên khoa Sản - Nhi tỉnh Sóc Trăng cho hay, điển hình là vết phát ban của bệnh Sởi xuất hiện đầu tiên ở phía sau tai, sau đó lan xuống mặt, cổ, bụng, chi trên, chi dưới theo trình tự. Đặc biệt, vết sốt phát ban của bệnh Sợi khi căng da vẫn còn, không bị biến mất như các bệnh khác và sau khi khỏi bệnh sẽ để lại vết thâm trên da, hay còn gọi là vết vằn da hổ”.

 

Bác sĩ CKII Huỳnh Chí Bình - Trưởng Khoa Nhiễm Nhi, Bệnh viện Chuyên khoa Sản - Nhi tỉnh Sóc Trăng.

Bệnh Sởi có thời gian ủ bệnh từ 7 - 21 ngày, gây ra 6 biến chứng nguy hiểm là viêm phổi, viêm thanh quản, viêm tai giữa (tai chảy mủ, có mùi hôi), viêm kết mạc mắt, biến chứng suy dinh dưỡng và nguy hiểm nhất là biến chứng viêm não… gây ra những tổn thương kéo dài, thậm chí dẫn đến tử vong. Ngoài ra, bệnh Sởi có thể xóa trí nhớ miễn dịch vì phá hủy trung bình 40 loại kháng thể trong cơ thể con người. Khi mắc bệnh, hệ thống miễn dịch của con người bị phá hủy, bị tái thiết lập như hệ miễn dịch của trẻ mới sinh. Người đã mắc bệnh Sởi sẽ trở nên nhạy cảm hơn trước các tác nhân gây bệnh, dù là các bệnh đã từng mắc trước đây.

Thăm khám, điều trị cho trẻ mắc bệnh Sởi. 

Bệnh Sởi thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, tuy nhiên, trẻ lớn và người lớn cũng có thể mắc bệnh và trở thành nguồn lây bệnh. Trung bình 1 trẻ em mắc bệnh Sởi có thể lây cho 12 - 18 trẻ khác. Về biện pháp hiệu quả để phòng bệnh Sởi cho trẻ, theo bác sĩ Huỳnh Chí Bình thì khi trẻ đủ 9 tháng tuổi phải tiêm ngừa đầy đủ vaccine Sởi mũi 1, khi có dịch bệnh xảy ra thì tiêm nhắc mũi 2 sau mũi 1 là 12 tháng; trường hợp không có dịch bệnh xảy ra thì tiêm mũi nhắc lại 5 năm/lần. Ngoài tiêm ngừa, phụ huynh cần cũng chú ý vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát, thường xuyên rửa tay cho trẻ. Khi trẻ có các biểu hiện nóng, sốt, phát ban thì cần xem đó là bệnh Sởi để đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế thăm khám. 


Hiện tại bệnh viện Chuyên khoa Sản - Nhi Sóc Trăng, mối ngày đã ghi nhận từ 1 - 2 ca mắc bệnh Sởi, đã có trường hợp điều trị Nội trú ở Khoa Nhiễm, do đó, khả năng số ca mắc bệnh Sởi ngoài cộng đồng đã gia tăng, nguy cơ bùng phát dịch bệnh Sởi trên địa bàn tỉnh là rất lớn. Thời điểm sắp bắt đầu năm học mới, phụ huynh cần theo dõi và nhận biết các dấu hiệu bệnh Sởi để chủ động phòng bệnh cho trẻ nhỏ, nếu có các biểu hiện như trên nên đưa trẻ đến cơ sở y tế điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm, hạn chế lây lan dịch bệnh trong cộng đồng./.

Mỹ Phương, Lâm Huy


QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online