Cánh đồng trong tôi (Lượt xem: 676)
>> TIN TỨC
>> Cuộc thi " Viết về cánh đồng Quê Hương"
Chẳng biết từ bao giờ mà những câu hát da diết, ngọt ngào về quê hương như thế đã in sâu vào tâm trí tôi. Với một đứa sinh viên xa nhà như tôi thì những ca từ nhẹ nhàng, sâu lắng trong lời bài hát đã mang đến cho tôi những cảm xúc dạt dào nhất là trong những lúc nỗi nhớ nhà, nhớ quê ùa về

Cánh đồng quê hương
(Nguyên bản của tác giả)
“Quê tôi có cánh đồng bao la,
thơm hương lúa lên đòng .
Liêu xiêu mái tranh nghèo đơn xơ,
trở về nhé tuổi thơ tôi. ”
Chẳng biết từ bao giờ mà những câu hát da diết, ngọt ngào về quê hương như thế đã in sâu vào tâm trí tôi. Với một đứa sinh viên xa nhà như tôi thì những ca từ nhẹ nhàng, sâu lắng trong lời bài hát đã mang đến cho tôi những cảm xúc dạt dào nhất là trong những lúc nỗi nhớ nhà, nhớ quê ùa về. Đến tận bây giờ khi đã là một sinh viên năm cuối, tôi vẫn còn nhớ rõ cảm xúc của mình trong những ngày đầu tiên xa quê. Ngày ấy, tôi – một cậu nhóc 18 tuổi vừa thi đậu đại học vô tư, hồn nhiên với biết bao hy vọng và ước mơ, quyết tâm tìm cho mình một tương lai tốt đẹp tại mảnh đất Sài Gòn phồn hoa. Xa nhà, xa quê, xa tất cả những gì thân thuộc để bắt đầu một cuộc sống mới ở một vùng đất mới. Có những lúc bất chợt thấy chạnh lòng, lạc lõng giữa dòng người xa lạ. Ôi! Nhớ nhà, nhớ quê, nhớ những kỉ niệm yêu thương thưở nào... Bất chợt, những ca từ và giai điệu nhẹ nhàng, trong trẻo ấy lại vang lên đưa tôi về với một miền kí ức tuổi thơ ngọt ngào. Ở đó có ba mẹ, có gia đình, có con đường thân quen hàng ngày đưa tôi đến trường, có ngôi trường mến yêu với biết bao kỉ niệm bên bạn bè và thầy cô. Ở đó còn có cả cánh đồng đã làm chai sần đôi tay của ba, làm sạm đen làn da của mẹ vì những ngày dầm mưa dãi nắng dặm lúa, bón phân, xịt thuốc.
Tôi sinh ra và lớn lên ở một tỉnh miền Tây Nam Bộ- nơi vốn có truyền thống nông nghiệp đặc biệt là canh tác lúa. Từ bao đời nay, các thế hệ trong gia đình tôi sinh ra và trưởng thành gắn bó nghề trồng lúa. Với tôi và những đứa trẻ sinh ra ở đây chẳng mấy xa lạ với ruộng đồng. Đây chính là cái nôi đã nuôi dưỡng chúng tôi lớn lên. Hơn ai hết, tôi hiểu rõ những nỗi nhọc nhằn, cơ cực của ba mẹ để làm ra hạt gạo, để nuôi tôi lớn khôn nên người. Tôi còn nhớ cứ mỗi lần vào mùa nước lên là ba tôi phải ngủ lại trên ruộng để canh bơm nước ra không cho nước tràn vào làm ngập ruộng của mình. Có những đêm nước chảy xiết quá làm vỡ đập, thế là ba với mấy chủ ruộng bên cạnh phải hì hục đắp đập lúc một hai giờ sáng. Những năm con nước hiền thì không sao còn những năm gặp con nước dữ thì coi như cả cánh đồng mấy trăm hecta chìm trong biển nước. Nhìn cảnh ấy, lòng tôi đượm buồn bởi biết rằng năm nay lúa bị sập nhiều, tiền công cắt lúa sẽ tăng lên mà lúa thu hoạch không được nhiều, giá lúa thì luôn bấp bênh rồi ba mẹ tôi phải chi trả cho rất nhiều thứ, nào là : tiền nhân công, tiền phân bón, thuốc trừ sâu… nhà nào lúa trúng lắm thì huề vốn còn không thì phải thiếu nợ sang mùa sau. Có những năm ruộng lúa nhà tôi thất mùa, bán hết lúa mà vẫn không đủ tiền để trả tiền phân cho cửa hàng vật tư nông nghiệp rồi người ta tìm đến tận nhà đòi tiền, những lúc đó tôi vừa tủi vừa thương ba mẹ và tự hứa với lòng sau này mình sẽ làm thật nhiều tiền để cho ba mẹ không còn phải khổ cực, vất vả như bây giờ nữa.
Tuổi thơ của tôi là những tháng ngày bình dị gắn liền với màu mạ xanh mơn mởn, màu vàng ươm của lúa chín, mùi ngai ngái của rơm rạ đốt đồng sau mùa gặt hay những buổi trưa hè rong ruổi cùng mấy đứa bạn trong xóm thả diều khi những cánh đồng lúa chỉ còn trơ gốc rạ. Mỗi con diều được thả lên trời xanh đều mang theo ước mong về những vụ mùa bội thu, ba mẹ tôi sẽ không còn phải ngày ngày “bán mặt cho đất, bán lung cho trời” nữa mà thay vào đó là sử dụng các loại máy móc, trang thiết bị và phương pháp canh tác hiện đại hơn. Nhìn cánh diều bay cao trong gió tôi thầm mong ước mơ của tôi sẽ được bay cao, bay xa và sớm thành hiện thực.
Bỏ lại ước mơ hồn nhiên ngày nào tôi bắt đầu lao vào dòng người hối hả tìm kiếm cho mình một tương lai tươi sáng ở Sài Gòn phồn hoa, phát triển. Dần dà tôi cũng không còn gắn bó với ruộng đồng như những ngày thơ bé nữa. Cánh đồng lúa thuở nào giờ chỉ còn hiện hữu qua lời kể của ba mẹ tôi mỗi khi tôi về thăm nhà. Tôi mừng thầm vì ước mong ngày nào của tôi đã đang và sẽ trở thành hiện thực nhờ vào sự phát triển của khoa học công nghệ.
Cuộc sống vội vã khiến cho những thứ thân quen vô tình trở thành miền kí ức xa xăm mà chúng ta luôn cất giữ trong tim mình. Và cánh đồng lúa ngày nào chính là một phần kí ức ngọt ngào mà tôi luôn giữ cho riêng mình. Đó không chỉ là cánh đồng lúa đơn thuần mà đó còn là chiếc nôi nuôi dưỡng tâm hồn tôi, là tuổi thơ của tôi và là quê nhà của tôi chứa chan ân tình.
Võ Văn Quốc Hậu
KTX khu B – ĐHQG TP.HCM, khu phố 6 -phường Linh Trung - quận Thủ Đức - TP.HCM.
TIN LIÊN QUAN
- Tin địa phương
- Học và làm theo gương Bác
- Lễ hội Oóc-om-bóc - Đua Ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng
- Tin trong nước
- Đời sống - Xã hội
- Tin thế giới
- Doanh nghiệp - Người tiêu dùng
- Giáo dục - Khoa học & Công nghệ
- Nông nghiệp - Nông thôn
- Pháp luật - Cải cách hành chính
- Lực lượng vũ trang
- Đoàn thể
- Thông báo
- Góc doanh nghiệp
Trần Đề hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, dột nát cho người có công
Ương Nauplius thẻ chân trắng theo quy trình sinh học
Sóc Trăng đảm bảo duy trì tín hiệu thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá
Trần Đề: Người dân đồng thuận cao với Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã
Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng tiếp xúc cử tri xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề; cử tri phường 2, TX. Ngã Năm
Trailer Những hoạt động chính Lễ hội Óoc Om Bóc Đua ghe Ngo khu vực ĐBSCL lần thứ VI và tuần lễ VHTT&DL lần thứ I - 2024
Đài PT-TH Sóc Trăng thông báo tuyển hợp đồng lao động (17-09-2024)
HĐND tỉnh Sóc Trăng thông báo Kỳ họp thứ XXIII (Chuyên đề) HĐND tỉnh Sóc Trăng, Khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026
Công văn số 1963 - CV-TU về Lễ Quốc tang Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Công Văn 1633-CT-TU về việc thực hiện nghiêm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - BÁO VÀ ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều.
Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.
Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.
Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.
® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.