Cánh đồng quê tôi (Lượt xem: 8883)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Cuộc thi " Viết về cánh đồng Quê Hương"

Cập nhật: 02/11/2016

Những cánh đồng cho ta thực phẩm để ta lớn lên và cũng bước cùng ta trên những hành trình của cuộc đời. Và giờ đây, thay vì những cánh đồng lúa xanh tốt là những cánh đồng nhà máy, xí nghiệp mọc lên nhan nhản, thi thoảng làn gió nhẹ mơn man mang theo hương thơm của đủ mùi khí thải. Người nông dân đau lòng, những cánh đồng cũng đau. Tôi lại nhớ cánh đồng quê tôi năm ấy…

Cánh đồng quê tôi
Cánh đồng quê tôi

          (Nguyên bản của tác giả)

          Một năm, quê tôi có hai vụ lúa, người ta gọi là: Vụ chiêm và vụ mùa. Chả biết cái tên đó có từ bao giờ nhưng khi tôi lớn lên đã thấy có rồi. Mọi người ở quê cũng chỉ trông chờ vào hai vụ này để kiếm cái ăn, cái mặc. Bởi người nông dân ngoài những cánh đồng lúa, bãi ngô, bãi khoai, con lợn, con gà… thì họ cũng chẳng có gì thêm để mà hi vọng. Cái hi vọng ấy thật mong manh. Nếu thời tiết thuận lợi thì cây lúa ít bệnh còn được hạt thóc, khi thời tiết nắng quá hoặc mưa nhiều là y rằng cây lúa bị sâu, có nhà sẽ phải bưng bát cơm vơi vụ ấy. Nghề nông cứ thế được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác như một nét đẹp đáng chân trọng, gìn giữ.

Tuổi thơ tôi thả trôi trên những cánh đồng. Ở quê, trẻ con như tôi ngoài việc chăn trâu, cắt cỏ, lớn hơn chút thì phụ bố mẹ việc đồng áng. Bởi nghề nông nó đã ngấm vào máu thịt, ruộng đồng vô tình trở thành những người bạn trí cốt tự lúc nào. Người nông dân quý đất như đứa con đẻ của mình. Sau khi thu hoạch xong mọi người lại làm vệ sinh đồng ruộng, làm sạch bờ cõi, vãi vôi khử trùng để tránh sâu bệnh. Trông cả cánh đồng trắng trẻo, sạch sẽ như cô gái làm đỏm chuẩn bị ra mắt nhà người yêu. Thế rồi vào những ngày mùa, trên những cánh đồng người đông như chợ phiên, tiếng nói cười huyên náo khắp nơi, ai cũng có công việc riêng của mình, miệng nói nhưng tay vẫn làm để xua đi nỗi cực nhọc đang hằn sâu trong những nếp nhăn vì nắng gió kia. Màu sắc của cánh đồng cũng thay đổi như tà áo mới. Khi cây lúa bắt đầu phát triển cánh đồng như được trải một màu xanh mênh mông hòa cùng màu xanh của đất trời.

                     

         Nằm dài trên bãi cỏ rồi hít hà cái hương đồng gió nội, thỉnh thoảng bên tai vang lên tiếng sáo diều vu vi hay tiếng những nghé con ngọ nghẹ gọi mẹ mà sao thấy cuộc đời nó bình yên đến lạ. Thời gian cũng tưởng chừng như dừng lại để người ta sống chậm đi. Thế rồi khi cây lúa gúc đòng, chúng bắt đầu thay áo. Mới đầu nàng lúa còn kiêu sa chọn màu vàng nhạt, những hạt thóc cũng bắt đầu căng lên thể hiện mình là một dũng sĩ có cơ bắp. Rồi khi cây lúa khoe ra sự  điệu đà của mình trước chàng gió vui tính thì nàng cũng thay luôn tà áo vàng chói lóa để quyến rũ chàng. Nhìn từ xa, người ta lại tưởng như có ai đó đi ngang qua lỡ tay đổ cả một thùng sơn vàng khổng lồ lên cánh đồng. Chỉ nhìn thôi cũng khiến cho ta khó cưỡng lại được cái vẻ đẹp tự nhiên của tạo hóa ban tặng. Tiếng chim sẻ hàng đàn ríu rít rủ nhau đi kiếm mồi báo hiệu mùa thu hoạch đến. Niềm vui của người nông dân bao ngày tháng mong chờ mòn mỏi là đây. Nhìn những hạt thóc vàng phơi đầy trên sân mới thấm những giọt mồ hôi, những giọt nước mắt không quản nắng mưa. Chả thế mà ông cha ta vẫn thường có câu: “Một hạt thóc vàng chín giọt mồ hôi” quả chẳng nói quá lên chút nào.

Mỗi lần bưng bát cơm lên là tôi lại nhớ tới những nỗi nhọc nhằn của cha phải thức khuya dậy sớm đi cày đi bừa, gánh phân nhổ mạ, còm cõi lưng còng trở lúa từ tơ lơ mơ cho tới khi mặt trời ngủ một giấc sâu sau dãy núi; cũng lại thấu cả nỗi vất vả của mẹ “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” vụ cấy thì đi cấy, vụ gặt thì đi gặt lúc nào cũng phải cặm cụi một thân một mình trên cánh đồng bất kể nắng mưa; đôi bàn tay nhăn nheo chai sạn đi vì gánh nặng cơm áo cho con cái. Các con càng lớn thì những nếp nhăn, những nỗi khó nhọc kia cũng càng nhiều thêm. Bởi các con phải sắm thêm quần áo mới, mua thêm vài bộ sách, phải có cái xe đạp để đi học xa. Con đường của các con đến trường cũng cuốn theo những gánh nặng của cha mẹ như thế. Và rồi đứa trẻ nào cũng rạng rỡ trong bộ quần áo mới vào đầu năm học, khoe nhau những chiếc cặp sách mới xinh xinh hay những chiếc xe dù cũ với người nhưng vẫn là mới với chúng. Hạnh phúc chỉ là những điều nhỏ nhoi như thế. Và chúng biết rằng hạnh phúc đó một phần là do những cánh đồng hằng ngày chúng phải gieo trồng, chăm bón đã đem đến. Và cũng vì thế những đứa trẻ nông thôn như tôi chưa bao giờ cảm thấy chán ghét nghề nông cả. Bởi đó hơn bao giờ hết là miếng cơm manh áo, là cái nghề để sống và cũng để làm người. Biết bao anh hùng đã cất bước  ra đi từ những miền quê nghèo như vậy.

Những cánh đồng cho ta thực phẩm để ta lớn lên và cũng bước cùng ta trên những hành trình của cuộc đời. Và giờ đây, thay vì những cánh đồng lúa xanh tốt là những cánh đồng nhà máy, xí nghiệp mọc lên nhan nhản, thi thoảng làn gió nhẹ mơn man mang theo hương thơm của đủ mùi khí thải. Người nông dân đau lòng, những cánh đồng cũng đau. Tôi lại nhớ cánh đồng quê tôi năm ấy…

 

   Bút danh: Bình Nguyên

Nghề nghiệp: Sinh viên – trường Khoa học xã hội và nhân văn HN

Địa chỉ hiện tại: 99Ngụy Như Kon Tum – Nhân Chính – Hà Nội

 

Email: vuviet.0402vh@gmail.com



TIN LIÊN QUAN

QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - BÁO VÀ ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online