Cánh đồng quê (Lượt xem: 1979)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Cuộc thi " Viết về cánh đồng Quê Hương"

Cập nhật: 02/11/2016

Dòng thời gian trôi qua, mọi thứ dần thay đổi. Tôi vào Sài thành sinh sống tiện cho việc học tập để lại nỗi lo lắng trong lòng ba mẹ. Nỗi lo tiền bạc, nỗi lo con gái xa nhà bị cuốn theo lối sống thành thị. Ý thức được nỗi nhọc nhằn từ mỗi hạt gạo mà ba mẹ làm ra để gửi vào cho tôi ăn học. Tôi càng phải cố gắng nhiều hơn

 Cánh đồng quê
Cánh đồng quê

       (Nguyên bản của tác giả)

        Cuộc sống thôn quê gắn liền với mảnh ruộng, vườn chuối đã trở thành hình ảnh đặc trưng không thể trộn lẫn vào đâu.Vốn sinh ra tại một miền đất thôn quê, quanh năm quần quật với công việc ruộng vườn nhưng tôi không lấy đó làm nỗi tự ti mà càng tự hào với những đứa trẻ thành thị quen thuộc với phố phường, với ánh đèn lấp lánh về đêm. Hơn hết, nơi thôn quêcho tôi biết sự bình yên đến lạ, những lắng đọng về đêm, những cảm nhận bồi hồi mỗi khi tựa đầu vào lan can ngắm nhìn ánh trăng rằm đang chiếu sáng khắp mọi nơi trong xóm làng, những giấc ngủ nhẹ nhàng mà không ồn ào xe cộ, tiếng chim hót líu lo vào ban sáng, tiếng gà gáy vào buổi trưa hè, tiếng nói trong veo của đám con nít đùa giỡn dưới bóng cây cao to gắn liền với nơi này, những đàn bò gặm cỏ sao mà thân thuộc đến thế.

         Bóng dáng người đàn ông đang lom khom dưới cánh đồng. Dáng người lam lũ, chất phác đầy vất vả khiến tôi nhói đau. Người đàn ông ấy không ai khác chính là ba tôi. Mái đầu bạc trắng, thân hình gầy gò cao lênh khênh, làn da rám nắng, đôi tay chai sạm là những hình ảnh tôi nhớ về ba, người đã hi sinh cả cuộc đời cho chúng tôi.

         Tuổi thơ trong trí nhớ của tôi là hình ảnh ba mẹ chật vật dưới cánh đồng bạt ngàn mùa cắt, mồ hôi nhễ nhại mặn chát làm khóe mắt cay cay, những bước đi nặng nề với bao lúa khiêng trên vai, nặng trĩu. Cái nắng nơi ruộng đồng cháy da cháy thịt khiến người ta không khỏi xót xa. Những đêm hè nóng bức có hai con người giàu đức hi sinh vẫn còn loay hoay trước sân hè bận rộn dọn dẹp lúa thóc. Ba nói, dù có cực khổ bao nhiêu chỉ cần các con của ba nên người thì ba mãn nguyện rồi. Tôi thấy thương ba nhiều lắm. Ngày bé, mỗi khi nhìn thấy mọi người qua lại bằng chiếc xe đạp, tôi cũng háo hức tự tập đi khiến tôi ngã lăn lốc.Ba bảo ngã thì phải tự đứng lên mới được. Và rồi ba đã dạy cho tôi vào mỗi buổi chiều quê như thế. Đến tận bây giờ, mỗi lần nhìn lại những vết sẹo trên gối những dòng kí ức xưa kia cứ mãi tuôn trào như dòng thác chảy dài, dài mãi trong vô thức.

         Mùa hè qua đi, những cơn mưa ào ạt đổ rạp suốt ngày khiến những người nông dân ngủ không yên giấc. Lúc nào cũng trong tư thế vắt cổ tay lên trán suy nghĩ về mùa màng, lo lắng cho vườn tược trong những ngày sắp tới. Nỗi lo lắng đến mất ăn mất ngủ khi cơn bão vô tình đi qua tàn phá ruộng vườn, những hàng lúa đổ rạp.Vất vả chồng chất khiến người ta nhìn thấy phải rơi nước mắt. Ngày ấy, tôi tự hào rằng tôi hơn hẳn những đứa trẻ thành thị chẳng phải lo nghĩ bất cứ điều gì. Chí ít tôi hiểu được nỗi vất vả bươn chải cho cuộc sống hằng ngày, hiểu được tình cảm vô bờ bến của ba mẹ dành cho chúng tôi. Những bài học cuộc đời mà tôi được dạy, những hình ảnh cực khổ của ba mẹ trên cánh đồng khiến tôi đau lòng. Đó là động lực khiến tôi cố gắng hơn. Một đứa trẻ không thể giúp ba mẹ những công việc nặng nhọc nhưng tôi đã hứa với lòng sẽ cố gắng học tập làm ấm lòng bậc cha mẹ thân yêu. Ngày ấy, tôi đã từng ý thức được như thế.

         Dòng thời gian trôi qua, mọi thứ dần thay đổi. Tôi vào Sài thành sinh sống tiện cho việc học tập để lại nỗi lo lắng trong lòng ba mẹ. Nỗi lo tiền bạc, nỗi lo con gái xa nhà bị cuốn theo lối sống thành thị. Ý thức được nỗi nhọc nhằn từ mỗi hạt gạo mà ba mẹ làm ra để gửi vào cho tôi ăn học. Tôi càng phải cố gắng nhiều hơn. Ấy vậy mà, kể từ sau khi ra trường, tôi vật vã kiếm việc làm trong một khoảng thời gian dài đằng đẵng. Tôi chán nản, tôi chìm vào những cuộc vui cùng bạn bè. Cuộc sống bấp bênh mỗi ngày như vậy khiến tôi quyết định trở về quê hương. Nhìn thấyba mẹ tóc trắng bạc đầu mừng rỡ đón tôi. Vẫn dáng người gầy gò xưa kia, gương mặt đầy những nếp nhăn do thời gian và cuộc sống tạo ra. Vậy mà những gương mặt ấy vẫn tràn đầy niềm vui sướng, niềm hân hoan khi con cái quay về. Tim tôi nhói đau cắn rứt vô bờ. Ngẩng mặt nhìn lên bầu trời trong xanh bình yên kia tôi tự hỏi : “Rốt cuộc tôi đã làm được những gì sau lời hứa cố gắng xưa kia?”.

 

Nguyễn Thị Thùy Trang

Quê quán: Bình Định

Chỗ ở hiện tại: 69 đường 1, tổ 6, khu phố 1, phường Tăng Nhơn Phú B, Quận 9


TIN LIÊN QUAN

QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - BÁO VÀ ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online