Cảnh báo đột quỵ mùa lạnh (Lượt xem: 2212)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Đời sống - Xã hội

Cập nhật: 12/01/2024

Những ngày này, tại Sóc Trăng, thời tiết se lạnh vào sáng sớm và chiều tối, buổi trưa thì nắng nóng. Sự chênh lệch nhiệt độ là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ về một số bệnh lý đối với nhiều người, trong đó, đột quỵ cần được lưu tâm trong thời điểm này.

Cảnh báo đột quỵ mùa lạnh
Trung bình mỗi ngày Khoa Nội Thần kinh - Đột quỵ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng  tiếp nhận khoảng 10 ca đột quỵ 

Đột quỵ não hay còn gọi là tai biến mạch máu não là tình trạng tổn thương não cấp tính, nguyên nhân do mạch máu gây ra. Có 2 dạng đột quỵ là xuất huyết não và thiếu máu não. Xuất huyết não do mạch máu não bị vỡ gây tràn máu vào nhu mô não, làm tổn thương nhu mô não. Đột quỵ thiếu máu não do các huyết khối hình thành từ các mảng xơ vữa, gây tắc nghẽn mạch máu, thiếu oxy não, làm não chết dần.

Những ngày trời se lạnh như hiện nay, số ca nhập viện Khoa Nội Thần kinh - Đột quỵ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng tăng lên. Trung bình mỗi ngày Khoa tiếp nhận khoảng 10 ca đột quỵ (hiện có 77 ca đang điều trị), lúc cao điểm có khi lên đến gần 90 ca.

Bệnh nhân đang điều trị đột quỵ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng.

Theo Bác sĩ Thạch Thị Ái Phương - Khoa Nội Thần kinh - Đột quỵ cho biết: Khi trời lạnh cơ thể của mỗi người sẽ phản xạ lại để đáp ứng và tiết ra một số chất, trong đó có chất catecholamine gây co mạch làm dễ tăng huyết áp. Mạch máu càng co thì nguy cơ đứt vỡ sẽ tăng lên, theo đó, đột quỵ xuất huyết não có xu hướng gia tăng. Khi trời lạnh, ở một số bệnh nhân, máu có xu hướng cô đặc lại dễ hình thành nên các cục máu đông và đi đến mạch máu não gây tắc nghẽn.   

Đối tượng dễ bị đột quỵ não thường là người lớn tuổi, người mắc các bệnh nền như tăng huyết áp, tiểu đường, tăng lipid máu (mỡ máu). Mùa lạnh, người lớn tuổi thường có xu hướng lười vận động, từ đó dễ tăng cân, mỡ máu tăng. Hoặc khi tập thể dục thì không chú ý giữ ấm cơ thể. Với những trường hợp như bệnh nhân nêu trên, khi nhập viện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng, được xác định là đột quỵ, các bác sĩ sẽ nhanh chóng triển khai các biện pháp xử trí, trong đó, việc tiêm thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch được thực hiện nhanh chóng, tăng khả năng hồi phục cho bệnh nhân.

Đối với đột quỵ, thời gian là yếu tố hết sức quan trọng. Các bác sĩ ở Khoa Nội Thần kinh - Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng đã thiết lập nhóm liên kết giữa bác sĩ của Khoa với Khoa Cấp cứu tổng hợp và các bác sĩ cấp cứu tuyến huyện, nhằm nhanh chóng xác định các trường hợp đột quỵ được đưa đến bệnh viện, từ đó có hướng can thiệp kịp thời.

Các bác sĩ hội chẩn bệnh.

Bệnh nhân đột quỵ có những dấu hiệu báo trước hay không. Bác sĩ Thạch Thị Ái Phương cho biết: Dấu hiệu báo trước của bệnh nhân là hoa mắt, chóng mặt; thị lực kém, nhìn mờ; khuôn mặt bệnh nhận có thể bị rủ xuống một bên, tê một bên, kgi cười bị lệch và mất cân đối; tay, chân bệnh nhân yếu hoặc cả tay, chân đều yếu, nửa bên người yếu đi; bệnh nhân nói khó, nói đớ, nói ngọng, có một số bệnh nhân không nói luôn… khi có những dấu hiệu vừa nêu thì người nhà cần khẩn cấp đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất hoặc báo trên trung tâm đột quỵ qua số 115.

Bệnh nhân đột quỵ nếu đến bệnh viện trễ, không được can thiệp kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng, kéo dài thời gian nằm viện, nguy cơ tử vong tăng cao. Bên cạnh đó là những di chứng khó hồi phục, điển hình nhất là mất khả năng vận động. Do đó, rèn luyện những thói quen tốt giúp hạn chế nguy cơ đột quỵ là điều cần thiết.

Để hạn chế nguy cơ đột quỵ, Bác sĩ Thạch Thị Ái Phương (ảnh trên) khuyến cáo mọi người cần tuân thủ một số biện pháp sau:

- Làm ấm cơ thể: Mỗi sáng thức dậy không nên vội bước xuống giường mà nên tập một số bài tập thể dục nhẹ để làm ấm cơ thể, giúp cơ thể thích nghi với thời tiết lạnh.

- Chế dộ làm việc, sinh hoạt và nghỉ ngơi: Trong một không gian ấm, tránh tiếp xúc đột ngột với luồng gió lạnh; thường xuyên uống nước ấm, ăn nhiều thức ăn ấm, nóng; hạn chế ăn thức ăn có nhiều dầu, mỡ, thức ăn ngọt… dễ làm tăng cân; đối với bệnh nhân tăng huyết áp phải có chế độ ăn nhạt (ít muối) để kiểm soát huyết áp tốt hơn.

- Kiểm tra sức khoẻ định kỳ: Đối với bệnh nhân có bệnh nền tăng huyết áp, tiểu đường, mỡ máu, bệnh lý tim mạch thì cái lợi của tái khám định kỳ là kiểm soát được những vấn đề dưới tình trạng bệnh lý, khi những vấn đề về bệnh lý tim mạch tăng cao thì nguy cơ đột quỵ não sẽ xảy ra. Còn đối với bệnh nhân chưa có vấn đề bệnh lý tăng huyết áp, tiểu đường, mỡ máu, bệnh lý tim mạch thì là tầm soát dự phòng diễn biến tới mức bệnh lý.

Đột quỵ không chỉ xảy ra ở người lớn tuổi, mắc bệnh nền, những người trẻ lạm dụng rượu, bia, thuốc lá, không kiểm soát tốt huyết áp cũng là đối tượng có nguy cơ bị đột quỵ. Đặc biệt, người trẻ cũng thường dễ bỏ qua các triệu chứng bệnh hoặc không nhận định đúng mức độ nguy cơ, từ đó làm ảnh hưởng đến quá trình điều trị và phòng tránh tái phát đột quỵ. Do đó, mỗi người cần nhận thức đúng về nguy cơ đột quỵ và chú ý theo dõi, chăm sóc tốt sức khỏe của chính mình./.

Mỹ Phương, Reng Xây  


QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online