AI ƠI BƯNG CHÉN CƠM ĐẦY - Hồ Thị Linh Xuân (Lượt xem: 1599)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Cuộc thi " Viết về cánh đồng Quê Hương"

Cập nhật: 03/07/2017

Bên lung ruộng cày, bên gò, những giọt mưa đầu mùa rửa trôi mớ luống phèn đất cạn. Mấy con ốc bươu vàng bao lâu nằm sâu tránh hạn, giờ chồi đầu lên uống và tắm nước của trời. Đâu rồi tuổi thơ, lũ trẻ í ới gọi nhau ra đồng lượm ốc bươu vàng đem bán. Những đồng lẻ mệnh giá năm trăm, một nghìn được chúng ép thẳng thớm vào trang vở như thứ của để dành. Đợi mùa tựu trường, những đồng bạc được mang ra, góp vào mua sách giáo khoa và bút thước. Sinh ra trên cánh đồng, bao đời nghèo khó để có cái ăn, tự khắc mình biết chắt chiu và trân trọng từng chút gì quý giá.

 AI ƠI BƯNG CHÉN CƠM ĐẦY - Hồ Thị Linh Xuân
Ai ơi bưng chén cơm đầy

(Nguyên bản của tác giả) 

 

Trong nhóm bạn hàng xóm, con Thắm là đứa chăm làm. Cứ tan học là nó về, ra ruộng lượm ốc đến khi trời tối mịt. Nó nghèo. Nó ham học. Nó chịu khó. Nhưng trớ trêu.

Người ta nói con Thắm té giếng, nên đầu óc không được bình thường. Nó thui thủi trên ruộng, lượm ốc và câu cá. Nó sát cá lắm, mùa câu nào nó cũng có nhiều cá đem bán để kiếm tiền. Dù nó được việc là vậy, thì người ta vẫn nói nó “man”.

Nhưng nào được mấy người hay, cái gương mặt ngơ ngơ thường vô cảm xúc của con Thắm là món quà mà ba nó mang về từ những năm tháng kháng chiến trên rừng, khi thứ chất độc của thời gian đã ngấm vào máu tim của người cầm súng.

Trở về từ nhiều mất mát, người quân nhân bắt tay cầm cày, cầm cuốc, cùng người bạn đời xây dựng lại cuộc đời trên mảnh đất của quê hương. Hồi đó lúa xanh đồng, thương công sức người nông dân hiền hoà nên ngậm đầy sữa ngọt, để đến ngày thu hoạch, ta vui mùa lúa chín nặng quằn bông.

Những tưởng thời gian sẽ cứ trôi êm đềm như thế…

Vẫn cơn mưa đầu mùa. Ai người nhớ không tiếng gầm gú giận dữ của thiên nhiên sau một mùa khô hạn, đất nức nẻ, rạ khô cháy, manh áo chén cơm bâu lấy kiếp người?

Mẹ con Thắm cấy lúa ngoài đồng. Chiếc nón lá không che được tấm lưng khom đang tỉ mỉ chiết từng nắm mạ. Những khoảng đồng trống lổ chổ dần được phủ xanh đẹp bởi những tép mạ non. Thương làm sao những người phụ nữ áo nâu, mặt nám tay chai để nhân mùa no ấm. Để rồi…

Ngàn tia lửa điện sáng trời, tiếng búa đập chát chúa dưới màn mưa, vệt sáng cuối cùng âm vào tấm thân nhỏ bé. Trời đất bổng tối sầm. Đen đặc. Tấm áo nâu đâu rồi? Chiếc nón lá cũ chỉ còn là mớ bụi khô vụn bay hoà vào đồng ruộng rồi chìm xuống đáy nước, nằm yên cùng đất muôn đời. Thân thể yếu mềm đè lên những ngọn lúa cấy yếu ớt còn chưa bắt rễ. Một đời lao khổ ngã xuống, bao nhiêu gánh nặng trả lại cho đời, nhẹ nhàng thoát xác.

Sinh ra từ bưng biền rồi cũng lặng im về với đất quê. Những hơi thở sau cùng cũng trọn vẹn dành cho cánh đồng, cho chén cơm manh áo. Nghe trong gió ngàn như có lời trăn trối, lời tỉ tê với người bạn đời rằng “còn ai đầu hôm sớm mai, còn ai nấu nước pha trà, còn ai để chồng cày vợ cấy…”, thôi rồi một kiếp trần ai.

Đâu đó trong góc vườn, xó bếp có tiếng trẻ khóc oà. Hai tiếng “mẹ ơi” cũng chẳng còn kịp nữa. Đầm đìa nước mắt xóm làng, nhỏ lệ thương tâm cho đứa trẻ vốn đã không may chịu thêm phần bất hạnh. Không biết rồi mai rồi mốt nó có còn đi mò cua bắt ốc trên cánh đồng mà mẹ nó đã nằm xuống vì cuộc mưu sinh.

Lâu rồi biệt tăm, tưởng rằng đã quên nhau sau tháng rộng năm dài mỗi người mỗi hướng. Ta hằng ngày tất bật nơi công sở, bán chất xám để kiếm tiền, vui buồn lâu dần trở thành điều vô nghĩa trong hàng tá thứ phải lo toan.

Rồi vô tình gặp nhau giữa quê nhà, ánh mắt người bạn thuở ấu thơ vẫn mơn man nỗi buồn không ai hiểu. Bạn dắt hai đứa con nhỏ sượt lướt qua mình, ngỡ ngàng, ngờ ngợ, rồi bất giác bật ra thành tiếng gọi “Thắm, thắm ơi!”. Con Thắm cúi đầu, đôi bàn tay khô quắt lởm chởm mủ năng, cầm bàn tay nhỏ của hai con siết chặt. Khó khăn lắm nó mới dám nhìn thẳng và cười, lòng đau quặn, biết nước mắt đã khô cay.

Ngoài đồng chơi vơi, nấm mồ ngày xưa đã xanh cỏ, nằm nghiêng nghiêng bên một ngôi mộ khác cũng vôi vữa buồn tênh. Con Thắm thay mẹ nó làm người thợ cấy, bảo vệ tâm huyết trọn đời của thế hệ trước, những người yêu cánh đồng như sinh mạng, dầu nghèo vẫn bám đất, ngăn đôi chân mình không lưu lạc chốn phồn hoa, giữ gìn nền văn minh thuộc về cây lúa.

Vén ống quần cho cao, ta cầm xô nhựa, cúi khom người lượm những con ốc bươu vàng. Trộm nhìn ngôi mộ cũ, lòng xót xa thương cho kẻ mồ côi. Trên cánh đồng chiều có tiếng máy cày xoành xoạch chạy, những luống đất tơi thẳng tắp nối hàng. Đất rửa sâu bệnh bằng nước mưa, còn ta xoa nỗi đau bằng nước mắt.

Mơ màng nhung nhớ, thấy mình đang lạc trong giấc ngủ cùng với câu hát của mẹ ngày xưa, tha thiết, bùi ngùi.

“Ai ơi bưng chén cơm đầy

Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần”.

 

                                                                                            Hồ Thị Linh Xuân

                                                                                          Thạnh Trị-Sóc Trăng

                                                                             


TIN LIÊN QUAN

QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - BÁO VÀ ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online