Ai cũng có một quê hương - Bình Nguyên (Lượt xem: 1833)
>> TIN TỨC
>> Cuộc thi " Viết về cánh đồng Quê Hương"
Tôi nhớ ngày nhỏ nhà tôi thường cấy hai thứ lúa, đó là lúa nếp và lúa tẻ. Lúa tẻ để nấu cơm ăn hằng ngày còn lúa nếp để thổi xôi vào những ngày giỗ cụ, giỗ ông nội hay làm bánh vào các dịp tết trong năm. Và lúa nếp còn để bà nội làm cốm. Mà lạ lắm! Lúa làm cốm không phải để chín vàng mà phải lấy về khi hạt lúa vừa độ căng mẩy mới đang xanh.

Ai cũng có một quê hương
(Nguyên bản của tác giả)
Trước cửa nhà là cả một cánh đồng trồng lúa mênh mông nên tuổi thơ tôi gắn liền với cây liềm, con trâu, cái cuốc. Ruộng đồng như những người bạn thanh mai trúc mã không bao giờ rời nhau. Có lẽ thế mà lúc nào tôi cũng thèm được hít hà cái hương thơm của lúa non, của những đống rơm phơi được nắng. Nó có một mùi thơm rất đặc biệt, đó là mùi quê hương. Cái mùi ấy giống như là mùi của sữa mẹ ngọt lành cứ thế nuôi tôi lớn khôn rồi ngấm vào máu thịt vào cội nguồn vương vấn đến say mê cả cuộc đời.
Tôi nhớ ngày nhỏ nhà tôi thường cấy hai thứ lúa, đó là lúa nếp và lúa tẻ. Lúa tẻ để nấu cơm ăn hằng ngày còn lúa nếp để thổi xôi vào những ngày giỗ cụ, giỗ ông nội hay làm bánh vào các dịp tết trong năm. Và lúa nếp còn để bà nội làm cốm. Mà lạ lắm! Lúa làm cốm không phải để chín vàng mà phải lấy về khi hạt lúa vừa độ căng mẩy mới đang xanh. Có lần thắc mắc tôi hỏi bà:
- Bà ơi sao phải lấy lúa xanh về làm cốm mà không lấy lúa chín vàng ạ?
Bà bỏm bẻm cười bảo:
- Phải lấy hạt còn xanh thì khi làm cốm mới dẻo, mới thơm, để hạt chín rồi thì cốm sẽ bị cứng, ăn không ngon.
Mà bà nội làm cốm thì khỏi chê, hạt cốm thơm ơi là thơm, dẻo đến là dẻo, ăn ngọt ngọt bùi bùi. Có lẽ đó là thứ quà tuổi thơ mà tôi chẳng bao giờ quên nổi. Dù bây giờ, thỉnh thoảng cũng được ăn cốm nhưng chẳng cảm nhận thấy cái hương vị như món cốm bà làm. Rồi lại nhớ bà!...
Ai cũng có một quê hương
Vào vụ mùa, cánh đồng trước nhà thu hút bao nhiêu là chim sẻ từ đâu bay tới hàng đàn. Buổi trưa, mấy anh em chúng tôi lại rủ nhau đi bắt chim nhưng chẳng bao giờ chúng tôi động đến cái lông chim. Vì bố mẹ vẫn dặn: “Chim sẻ rất có ích cho người nông dân, chúng thường ăn sâu bọ bảo vệ mùa màng”; thành ra chúng tôi đi bêu nắng, ngắm chim thay vì bắt chim. Rảnh rỗi lại rủ nhau đào bếp nướng ngô, nướng khoai chơi đồ hàng. Hôm nào về mặt mũi đứa nào đứa nấy cũng lấm lem đất cát, đen nhẻm vì nhọ than và kết cục suốt ngày bị mẹ la. Nhưng chẳng đứa nào biết sợ, trưa nào cũng trốn đi chơi. Rồi khi những người lớn phải vất vả đội nắng phơi mưa cắt từng bông lúa ngoài đồng thì bọn trẻ như chúng tôi lại tha hồ vùng vẫy. Đứa thì đi bắt cào cào châu chấu, đứa thì ngồi bờ chỉ trực chờ những con muồm muỗm bay ra khỏi cây lúa là bắt. Những con muỗm tròn núng nính mang về nướng bếp củi chín vàng óng có mùi thơm béo ngậy. Trẻ con cứ nô đùa như những đàn chim ríu rít, còn người lớn thì cặm cụi làm việc luôn tay luôn chân. Cánh đồng bỗng trở thành một phiên chợ mùa huyên náo, vui vẻ đến lạ kì. Gương mặt ai cũng hồ hởi dù làm lụng cả ngày cực nhọc. Thành quả của người nông dân trong một năm chân lấm tay bùn là đây.
Những ngày mùa, mẹ là người vất vả nhất trong nhà. Đi làm từ sáng sớm tinh mơ khi con gà còn chưa cả thèm cất tiếng gáy cho đến khi trưa nắng đến cháy da mẹ mới chịu nghỉ. Ăn nhanh nhanh chóng chóng xong bữa cơm trưa mẹ lại vội vàng chuẩn bị đôi quang gánh cho công việc buổi chiều. Rồi khi khi ông mặt trời đi ngủ từ lúc nào tối đen chẳng nhìn rõ người mẹ mới về nhà. Ngày nào quần áo cũng ướt sũng những mồ hôi, đầy những lấm bẩn, chiếc áo cánh nâu cứ thế bạc màu sờn những chỉ. Có hôm rỗi việc, mấy mẹ con ngồi hóng gió ở chiếc chõng tre ngoài sân nhìn đôi bàn tay mẹ mà tôi không khỏi thổn thức. Đôi bàn tay đầy những vết chai sạn, những vết lá lúa cứa vào khô ráp như vỏ cây na trước cửa nhà. Tôi thủ thỉ:
- Tại anh em con đi học mà khiến ba mẹ vất vả nhiều, con chả muốn đi học nữa mẹ ạ!
Mẹ quát cho một trận:
- Cha bố cô! Không đi học thì làm gì? Đời bố mẹ đã khổ vì không được học hành tử tế, muốn bố mẹ không vất vả thì phải học thật giỏi chứ không đi học thì không ấm vào thân đâu con ạ!
Đêm đó, tôi trằn trọc hoài cứ nghĩ rồi lại khóc tự nhủ với lòng là phải cố gắng học hành thật chăm chỉ để ba mẹ được tự hào vì mình. Cứ thế những ruộng lúa, bãi ngô vun đắp cho tôi ước mơ vào đại học. Rồi mỗi lần mẹ gửi gạo, gửi rau lại nhớ lại thương hờn hờn tủi tủi. Dù có là ai, dù có ở đâu quê hương cũng vẫn là nơi mà mình đã chôn nhau cắt rốn. Quê hương cho mình bát cơm để ăn, cái áo để mặc, cho mình cả những tiếng cười tuổi thơ, những bài học làm người… và quan trọng hơn cả quê hương còn có ba mẹ đang mong chờ, ngóng trông tôi từng ngày. “Quê hương” hai tiếng nghe bình dị thôi mà sao thấy ấm lòng đến thế!
Bình Nguyên
Địa chỉ thường trú: 99 Ngụy Như Kon Tum - Nhân Chính - Hà Nội
TIN LIÊN QUAN
- Tin địa phương
- Học và làm theo gương Bác
- Lễ hội Oóc-om-bóc - Đua Ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng
- Tin trong nước
- Đời sống - Xã hội
- Tin thế giới
- Doanh nghiệp - Người tiêu dùng
- Giáo dục - Khoa học & Công nghệ
- Nông nghiệp - Nông thôn
- Pháp luật - Cải cách hành chính
- Lực lượng vũ trang
- Đoàn thể
- Thông báo
- Góc doanh nghiệp
Trần Đề hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, dột nát cho người có công
Ương Nauplius thẻ chân trắng theo quy trình sinh học
Sóc Trăng đảm bảo duy trì tín hiệu thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá
Trần Đề: Người dân đồng thuận cao với Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã
Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng tiếp xúc cử tri xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề; cử tri phường 2, TX. Ngã Năm
Trailer Những hoạt động chính Lễ hội Óoc Om Bóc Đua ghe Ngo khu vực ĐBSCL lần thứ VI và tuần lễ VHTT&DL lần thứ I - 2024
Đài PT-TH Sóc Trăng thông báo tuyển hợp đồng lao động (17-09-2024)
HĐND tỉnh Sóc Trăng thông báo Kỳ họp thứ XXIII (Chuyên đề) HĐND tỉnh Sóc Trăng, Khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026
Công văn số 1963 - CV-TU về Lễ Quốc tang Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Công Văn 1633-CT-TU về việc thực hiện nghiêm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - BÁO VÀ ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều.
Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.
Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.
Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.
® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.
Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.