Về ngang mùa gặt - Song Ninh (Lượt xem: 5606)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Cuộc thi " Viết về cánh đồng Quê Hương"

Cập nhật: 04/07/2017

Mùa hè lại về, khắp cánh đồng lúa ngả màu vàng chóe. Cây lúa bao đời vẫn là cây trồng chính nuôi sống những người dân quê chân chất bình dị.

Về ngang mùa gặt - Song Ninh
Về ngang mùa gặt

(Nguyên bản của tác giả)

Nhớ hôm nào mẹ dậy thật sớm gọi tôi ra đồng thăm mạ chờ ngày nước lên, còn bố vác bừa sau lưng trâu chuẩn bị những khâu cuối cùng trước ngày cấy lúa, cũng là khi cơn gió mùa còn ê a ngoài ngõ chẳng chịu rời đi. Thoắt cái ngoảnh mặt lại, bỗng thấy khắp các thửa ruộng trên cánh đồng, lúa đã ngả sang màu vàng đượm. Tựa như màu vàng của nắng, chạy xa tít dưới chân những cột điện cao thế chênh vênh giữa lưng chừng trời. Đó cũng là lúc lũ chim sẻ gọi nhau bay về, rượt đuổi ríu ran cả một khoảng trời xanh thẳm, báo hiệu mùa gặt đã sẵn sàng, những hạt ngọc vàng đã đến ngày gặt hái.

Tang tảng sáng, khi tiếng gà trống gáy te te, khắp nơi trong làng loảng xoảng những âm thanh quen thuộc. Nhà nhà gọi nhau thức dậy, người xuống bếp thổi vội nồi cơm, người chuẩn bị lưỡi liềm, quang gánh. Mọi công đoạn chuẩn bị nhanh chóng, tranh thủ lúc mặt trời còn chưa kịp lên để mà ra đồng cho kịp. Nồi cơm vừa thổi xong còn bảng lảng khói, chẳng cần cầu kỳ những món ăn ngon. Dăm miếng cá kho, bát dưa cải muối chấm cùng chút nước mắm cá cơm là xong bữa. Khói bếp khắp nơi trong làng nghi ngút, bện chặt vào nhau tạo thành lớp khói mây  mờ mờ ảo ảo giữa không gian yên tĩnh của khung cảnh miền quê rất đỗi yên bình.

Người lớn ra đồng, lũ con nít chúng tôi cũng lịu địu xách thúng, xách giỏ theo sau. Mùa gặt ở quê tôi ngày xưa, không chỉ là niềm mong mỏi, trông chờ của người lớn sau bao tháng ngày chăm bón vất vả, mà hơn hết là sự háo hức của đám trẻ con trong suốt những ngày hè đáng nhớ.

Trong khi đàn bà, phụ nữ thoăn thoắt đưa những lưỡi liềm xén ngang thân cây lúa để trơ lại những gốc rạ trên đồng, còn đàn ông, trai tráng nhanh chóng gom những bó lúa lại, xếp ngay ngắn vào đôi quang gánh, đưa lên bờ thì lũ trẻ con chúng tôi chia nhau ra khắp các thửa ruộng đã gặt rồi mót lúa. Ngày đó, việc mót lúa không chỉ là công việc để chúng tôi phụ giúp mẹ cha đơn thuần, mà còn là trò chơi để chúng tôi thi thố xem đứa nào mót được nhiều lúa nhất.

Không chỉ thế, khi lúa chín vàng đồng, cũng là lúc loài ếch vào mùa phát triển, bởi những côn trùng ăn lúa ngày ấy chẳng biết từ đâu tìm về. Những ruộng lúa càng ẩm ướt bao nhiêu càng trở thành nơi loài ếch tập trung đông đúc bấy nhiêu. Có con núp trong những hang, những hốc bốn chung quanh bờ, có con lại ếp chặt dưới những gốc lúa rậm hoạp. Chẳng thế mà có những hôm ra đồng đi gặt, đụng đến đâu là ếch lại nhảy lộp cộp, loạn xạ tới đó. Nhờ thế, ngoài chiến lợi phẩm là những thúng lúa mót được, lũ trẻ con chúng tôi còn có thêm những giỏ, những xâu ếch đồng được buộc chặt bằng rơm rạ mang về nhà sau buổi theo bố mẹ ra cánh đồng làng.

Ếch mang về, nếu được nhiều mẹ sẽ lựa những con thật béo rồi mang ra chợ bán kiếm tiền mua thức ăn, phần còn lại, mẹ sẽ làm món ếch nấu chuối thết đãi cả nhà.

Với những nguyên liệu có sẵn, chỉ là mấy quả chuối xanh ngoài vườn, ít mẻ nuôi từ cơm nguội, vài nhánh lá tía tô, qua bàn tay chế biến của mẹ, những chú ếch đồng béo ngậy, xương giòn rụm chẳng mấy chốc phảng mùi thơm nồng, khiến mâm cơm gia đình ngày đó thêm quây quần, sung túc.

Mùa hè lại về, khắp cánh đồng lúa ngả màu vàng chóe. Cây lúa bao đời vẫn là cây trồng chính nuôi sống những người dân quê chân chất bình dị.

Tôi đi phố, quen với những náo nhiệt, kẹt xe, bụi bặm nhưng trong lòng lúc nào cũng rưng rức niềm nhớ về nơi miền quê xa ngái. Để một hôm nghe mẹ điện thoại nhắn về mà trong lòng ngậm ngùi không gì diễn tả. Gấp vội vài bộ quần áo vào ba lô, tôi trở về nhà bằng chuyến xe lao đi giữa màn đêm u uất, kịp để sáng hôm sau theo cha mẹ ra đồng, hít căng lồng ngực mùi gạo từ bát cơm quê ngùn ngụt khói,  được đặt chân xuống lớp bùn ngai ngái, để nghe bao ký ức thuở nào nhen nhóm trong tim. Nhất là được quây quần cùng cả nhà bên mâm cơm buổi chiều hôm, được thưởng thức món ếch đồng nấu chuối thơm ngon của mẹ, dù không thể nhớ là đã bao lâu rồi mới được ăn lại, nhưng hoài niệm thì mãi còn nơi đây, vẹn nguyên và đong đầy như thuở ngày xưa ngây dại.

 

 

Song Ninh

Phạm Văn Ninh

SN 32, Phố Nghi Tân, P. Đông Mai, Tx. Quảng Yên, Quảng Ninh.

 


TIN LIÊN QUAN

QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online