Thi hành án dân sự chỉ hiệu quả khi phối hợp chặt chẽ (Lượt xem: 21491)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Pháp luật - Cải cách hành chính >> Pháp luật và cuộc sống

Cập nhật: 10/05/2018

Trong hoạt động tố tụng, cả hình sự, dân sự, kinh tế … Thi hành án là giai đoạn cuối cùng, nhằm đảm bảo các bản án, quyết định của Tòa án đã tuyên có hiệu lực pháp luật, được thực hiện trong đời sống xã hội. Những năm qua, tuy công tác thi hành án dân sự (THADS) của tỉnh đã cơ bản hoàn thành nhiều chỉ tiêu, nhưng một số trường hợp còn kéo dài do người phải thi hành án không có điều kiện thi hành hoặc đương sự còn đang thụ án phạt tù, điều này cũng là nguyên nhân án có hiệu lực pháp luật nhưng còn tồn đọng.

Thi hành án dân sự chỉ hiệu quả khi phối hợp chặt chẽ
Hội nghị sơ kết công tác thi hành án dân sự tỉnh Sóc Trăng.

      Vấn đề được quan tâm không chỉ là những vụ việc dân sự mà các vụ án kinh tế, liên quan đến tín dụng, ngân hàng cũng khá cao. Thường không chỉ là đương sự mất khả năng thanh toán mà còn có cả thủ tục, hợp đồng tín dụng, những tranh chấp phát sinh sau khi án có hiệu lực và nhiều vấn đề khác. Để hạn chế thấp nhất án tồn đọng và thực hiện nghiêm Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề, với quyết tâm thực hiện xong các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.  

Trước hết trong thi hành án (THA) có lẻ nợ xấu là vấn đề khá nan giải, theo Nghị quyết 42 của Quốc Hội, thì nợ xấu không chỉ là việc các bên tham gia giao dịch hợp đồng không thể thanh toán được, mà còn có cả những phương thức kinh doanh không lành mạnh, dẫn đến nhiều tranh chấp. Trong những cuộc họp giữa các cơ quan Tư pháp và Ngành Tài chính, Tín dụng, vấn đề đặt ra là mỗi cơ quan cần có giải pháp để cùng tháo gỡ những vấn đề đã được Nghị quyết quy định và khi Nghị quyết đã có hiệu lực chỉ trong hạn 5 năm, thì vấn đề đặt ra càng trở nên nóng bỏng. Một trong những vấn đề dẫn đến tồn đọng án là khi án có hiệu lực thi hành, các bên liên quan có yêu cầu THA, cơ quan THA thụ lý và thực hiện các trình tự luật định, thì người phải thi hành và người được thi hành lại thỏa thuận với nhau, nhưng cứ thỏa thuận mà không thi hành, dẫn đến án lại tồn đọng, lâu dần thì nhiều trường hợp phải thực hiện lại các bước ban đầu. Ông Lê Trọng Nguyên, Cục trưởng Cục THADS tỉnh ST cho biết: “Thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội về việc thí điểm xử lý nợ xấu đối với các tổ chức Tín dụng, ngân hàng thì công tác THA cũng còn những khó khăn như: Số tiền thụ lý liên quan đến Tín dụng, ngân hàng là rất lớn, số tài sản đang bán gần 300 tỉ đồng nhưng có người mua”.

Cục thi hành án dân sự cấp cơ sở nêu ý kiến về những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực thi nhiệm vụ

Theo thống kê của cơ quan THADS hai cấp, THADS trong các vụ việc liên quan đến tài chính tín dụng là vấn đề không đơn giản, dù án đã tuyên và có hiệu lực thi hành, song khi thẩm tra xác minh điều kiện THA thì sẽ có nhiều vấn đề phát sinh, nếu như người phải THA không có điều kiện, tài sản để thi hành là một vấn đề, thì những trường hợp khác như án tuyên chưa rõ, thủ tục ban đầu thiếu chính xác, thậm chí có trường hợp cần phải được Tòa án đã xét xử giải thích bản án… đây là những vấn đề rất khó trong công tác THADS, đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ cả về trình tự, thủ tục và các bước thi hành. Mặt khác, khi án liên quan đến đất đai mà là tài sản chung của gia đình thì càng phức tạp, đòi hỏi trình tự thủ tục phải chặt chẽ hơn, trong đó cơ quan THA đôi khi không thể đủ thời gian thực hiện. Ông Huỳnh Tấn Lực, Chi cục trưởng THADS huyện Mỹ Xuyên cho biết: “Chi cục đang thụ lý 71 vụ việc tương ứng số tiền trên 12 tỉ 400 triệu đồng. Qua quá trình thụ lý đã bộc lộ cái khó như: Quá trình xử lý tài sản gặp rất nhiều khó khăn. Vì trước đây tài sản vay thế chấp là trong hộ gia đình mà muốn xử lý được thì phải tốn nhiều thời gian. Trong quá trình xử lý tài sản thì quyền sử dụng đất lại hết hạn, như đối với đất trồng lúa hạn sử dụng là 20 năm, nhưng đến lúc đi thẩm tra thì đã hết hạn”.

Với các bản án dân sự, kinh tế, thật ra khi vay vốn, bên vay, người vay dù bất cứ mục đích nào đều có tài sản thế chấp được thẩm định và định giá chặt chẽ, đủ để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ, song cũng không ít trường hợp thiếu chính xác, dẫn đến khi có rủi ro mà phải cần đến phán quyết của Tòa, thì cho dù án tuyên đã có hiệu lực pháp luật, nhưng vẫn rất khó thi hành, có tài sản phát mãi nhiều lần hạ giá nhưng vẫn không có người mua, nhất là đất đai trong sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, điều này cho thấy vừa bất cập trong vấn đề định giá, vừa khó khăn khi phải thi hành theo án tuyên, cho nên việc thẩm định dự án, tài sản cho vay .. cần có giải pháp căn cơ hơn. Ông Huỳnh Tấn Lực, Chi cục trưởng THADS huyện Mỹ Xuyên cho biết: “Đối với các vụ việc thế chấp tài sản thì hầu hết là đất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Nhưng đất nuôi trồng thủy sản hiện nay thì lại bán không được, có khi hạ giá từ 6 đến 10 lần vẫn không có người tham gia đấu giá. Cho nên xử lý các vụ án này rất khó khăn”.

Theo đánh giá chung, việc tranh chấp trong các hợp đồng tín dụng hiện nay khá phổ biến, như ở khu vực thành phố do kinh doanh không hiệu quả, sử dụng vốn kém và một phần lớn còn phụ thuộc vào tay nghề. Còn với khu vực sản xuất nông nghiệp thì phụ thuộc vào thời tiết, môi trường…nên rủi ro lớn và những vấn đề này tác động đến việc thanh toán các hợp đồng tín dụng, mà trong đó phải nhờ đến phán quyết của Tòa. Vì vậy trong tranh chấp dân sự, khi phán quyết của Tòa án có hiệu lực, bên được thi hành án sẽ yêu cầu cơ quan THA thi hành và cơ quan THA hai cấp đã thực hiện xong khá nhiều vụ việc, tuy nhiên có những trường hợp dù án đã có hiệu lực thi hành, nhưng chưa thi hành được, một số trường hợp khi yêu cầu THA thì bên yêu cầu THA phải cung cấp đầy đủ tài liệu hồ sơ liên quan, nhất là trong lĩnh vực tài chính, tín dụng, song đôi khi lại chưa được chú trọng, nên phải kéo dài bị xem là quá hạn, ngoài ra còn nhiều nguyên nhân khác. Ông Thạch Minh Luân, Phó Chi cục THADS thành phố Sóc Trăng, cho biết: “Tính trong 7 tháng qua, đơn vị đã thụ lý trên 1.000 vụ việc, với số tiền trên 366 tỉ đồng. Số vụ việc liên quan đến tổ chức Tín dụng, ngân hàng, đương sự thì có thiện chí trả nợ cho ngân hàng và có đề nghị ngân hàng giảm lãi nhưng phía ngân hàng lại chậm có ý kiến nên chúng tôi phải mất rất nhiều thời gian”.

Hội nghị ký kết thỏa thuận hợp tác 

Trong các cuộc hội thảo, nhất là chuyên đề về giải quyết án tồn đọng, khó thi hành, theo cơ quan THA hai cấp thì những khó khăn cơ bản không chỉ là định giá tài sản thế chấp, mức độ tin cậy trong tín chấp, mà còn nhiều vấn đề khác, nhất là trình tự thủ tục và thẩm định phương án kinh doanh, tài sản thế chấp thế nào, bao gồm những quyền và nghĩa vụ ra sao … để khi án tuyên và có hiệu lực thi hành thì cơ quan THA dễ thực hiện khi có yêu cầu, tránh những phát sinh vướng mắc là nguyên nhân chính làm cho án bị kéo dài, dẫn đến tình trạng pháp luật thiếu nghiêm minh, các quan hệ xã hội cũng từ đó không nghiêm túc, thiếu tuân thủ, dễ dẫn đến tranh chấp. Ông Lê Trọng Nguyên, Cục trưởng Cục THA Dân sự tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Trên cơ sở những hạn chế, khó khăn, thuận lợi, Cục THA Dân sự tỉnh đã có sơ kết và đề ra giải pháp, đó là tập trung chỉ đạo Chấp hành viên 2 cấp rà soát từng vụ việc, những trường hợp còn vướng mắc thì Cục sẽ có Tổ làm việc đến hướng dẫn, chỉ đạo tháo gỡ, đẩy mạnh kê biên đối với tài sản thế chấp, bảo lãnh để thu hồi nợ đối với các tổ chức Tín dụng, ngân hàng, phối hợp các Trung tâm Bán đấu giá để đẩy nhanh tiến độ và bán đấu giá đạt kết quả cao hơn”.

Án tồn đọng từ góc độ THADS thật ra không phức tạp, song để giải quyết triệt để, căn cơ thì vấn đề then chốt là công tác phối hợp phải thật chặt chẽ. Những năm gần đây, khi tình trạng vay mượn, tranh chấp ngày càng phổ biến, thì giữa các tổ chức Tín dụng, ngân hàng trên địa bàn tỉnh và cơ quan THADS đều có ký kết quy chế phối hợp thực hiện, đây là cơ sở để phát huy trách nhiệm của các bên, khi thực hiện nghiêm túc thì không chỉ đảm bảo quy trình, trình tự thủ tục, mà còn đảm bảo giảm được án tồn đọng, vì vậy, qua những đợt trao đổi rút kinh nghiệm …thí điểm xử lý nợ xấu, hy vọng rằng công tác này sẽ ngày càng đi vào chiều sâu, các bản án cũng khả thi hơn./.

          Quang Nhuần


QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online